Mỗi năm Việt Nam có khoảng 8000 ca mắc suy thận mới
Theo thống kê, tỉ lệ mắc bệnh suy thận (thận mạn) ở Việt Nam chiếm khoảng 10,1% dân số (hơn 10 triệu người mắc), với khoảng 8.000 ca mắc mới mỗi năm. Tỷ lệ tử vong do bệnh thận mạn đứng thứ 8 trong các nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại Việt Nam (*).
BS. Nguyễn Trung Hiếu - Trung tâm Thận tiết niệu và Lọc máu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết theo thống kê, năm 2010 có khoảng 10% dân số trên thế giới mắc bệnh thận mạn tính và bệnh đứng thứ 18 trong các nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất trên thế giới.
Bệnh lý thận có thể gặp ở mọi lứa tuổi, tổn thương có thể xảy ra tại cầu thận, ống kẽ thận hoặc mạch máu thận.
Trong đó, bệnh lý liên quan đến cầu thận là phổ biến nhất. Bệnh thường tiến triển thầm lặng, ít có triệu chứng lâm sàng, có nguy cơ tiến triển tới giai đoạn suy thận.
BSCKII Lê Quang Hải, Khoa Thận - Tiết niệu - Lọc máu, Bệnh viện Nông Nghiệp cho biết, trong một quả thận có khoảng 1,5 triệu cầu thận, chức năng cầu thận bị hỏng sẽ không hồi phục. Do vậy, viêm cầu thận có thể gây ra suy thận và các tổn thương mạn tính không thể hồi phục.
Hiện nay, suy thận tại Việt Nam đang có xu hướng gia tăng ở nhóm dưới 45 tuổi. Đây là độ tuổi lao động do vậy sẽ tạo ra gánh nặng bệnh tật lớn.
Thận là cơ quan nắm giữ 4 chức năng quan trọng gồm: đào thải nước, chất độc, điều hoà muối trong cơ thể, chất nội tiết kích thích co mạch. Do vậy, khi chức năng thận suy yếu sẽ ảnh hưởng tới cơ thể. Tuy nhiên, các triệu chứng của bệnh lý thận thường rất mờ nhạt và dễ bị bỏ qua.
Bác sĩ Hải cho biết: "Theo thống kê, tỷ lệ mắc bệnh thận rất cao nhưng do tính chất âm thầm, triệu chứng không rõ nên bệnh ít được quan tâm, khó phát hiện và kiểm soát theo dõi".
Dấu hiệu báo suy thận
Bác sĩ Hiếu cho biết, bệnh thận có tỷ lệ mắc cao ở nhóm người có yếu tố nguy cơ, chẳng hạn như các bệnh nhân mắc tăng huyết áp, đái tháo đường và có bệnh tim mạch. Do vậy, nhóm đối tượng có nguy cơ cao nên tầm soát bệnh thận mạn thường xuyên.
Ngoài ra, bệnh thận mạn cũng có thể gây ra một số triệu chứng lâm sàng không đặc hiệu, mang tính chủ quan và dễ bị bỏ sót như: Mệt mỏi, nôn, buồn nôn, phù, đái máu, tăng huyết áp, da xanh, niêm mạc nhợt nhạt.
Để phát hiện bệnh thận mạn sớm, bác sĩ Hiếu khuyến cáo, người dân nên xét nghiệm chức năng thận (ure, creatinin máu), tổng phân tích nước tiểu và siêu âm hệ tiết niệu (thận, niệu quản, bàng quang, tiền liệt tuyến…) định kỳ. Việc phát hiện bệnh thận sớm sẽ có lợi cho quá trình điều trị.
Bác sĩ Hải cũng cho biết thêm, nếu muốn duy trì chức năng thận khỏe mạnh thì mọi người cũng cần phải có chế độ ăn uống lành mạnh như: Uống đủ nước; Chế độ ăn giảm muối để kiểm soát huyết áp; Cần phải tránh những thức ăn độc hại cho thận như: thức ăn có tồn dư chất hóa học, chưa chất bảo quản không được phép sử dụng; Tránh ăn quá nhiều thịt. Ngoài ra, mọi người cũng nên có lối sống lành mạnh để giảm thiểu các yếu tố nguy cơ; Nên đi khám sức khoẻ định kỳ ngay cả khi khoẻ mạnh và khám chuyên khoa sớm khi cơ thể xuất hiện các vấn đề bất thường.
Việc chẩn đoán bệnh lý thận mạn cần dựa vào một trong hai tiêu chuẩn sau:
- Thứ nhất, tổn thương thận kèm hoặc không kèm giảm GFR (độ lọc cầu thận) kéo dài trên 3 tháng, bất thường bệnh học mô thận (sinh thiết thận), dấu hiệu, triệu chứng tổn thương thận, bất thường nước tiểu kéo dài (tiểu protein, tiểu máu), bất thường sinh hoá máu (ion đồ trong HC ống thận), bất thường hình ảnh học (siêu âm).
- Thứ hai, giảm GFR < 60ml/ph/1,73 m2 da kéo dài trên 3 tháng kèm hoặc không kèm tổn thương thận.
* Thông tin đưa ra trong buổi tọa đàm với chủ đề "Góc nhìn đa chiều trong ứng dụng tiến bộ y khoa về quản lý bệnh thận mạn" vào tháng 23/9/2023.