Ngồi trước tôi là một cô gái nhìn rất hạnh phúc.
Cô ấy luôn nhẹ nhàng, nhưng cũng hài hước và nhạy cảm. Tôi khẳng định chắc chắn như thế, mặc dù câu chuyện cô gái kể cho tôi, sẽ được tôi chia sẻ một phần sau đây, nó có vẻ ngược lại với khẳng định của tôi.
Sau đây là những lời tâm sự của cô:
"Em quê ở Hải Dương, chồng quê Ninh Bình, cả hai cùng tuổi, yêu nhau từ thời sinh viên, ra trường đi làm 2 năm thì lấy nhau và cùng sống ở Hà Nội".
"Công việc của chúng em ổn định, cả hai cùng kiếm được nhiều tiền, cùng có vị trí xứng đáng trong cơ quan.
Vợ chồng em vẫn về thăm bố mẹ hai bên vào những kỳ nghỉ, vẫn cùng nhau chúc tết họ hàng, vẫn đến nhà bạn bè liên hoan, thỉnh thoảng còn tổ chức đi du lịch xa cả tuần".
"Cuộc sống cứ thế diễn ra trong một ngôi nhà chung, mọi quan hệ được duy trì dựa trên nguyên tắc "win – win" hai bên cùng thắng".
"Nhưng bọn em ngủ riêng biệt và hầu như không nói chuyện, ngay cả trên bàn ăn".
"Đã hơn 2 năm em không quan hệ tình dục với chồng. Chẳng ai muốn quan tâm đến ai. Không có một sự kết nối sâu sắc. Cảm giác cuộc sống như đang bị chảy máu chậm".
"Em quan niệm hôn nhân giống như một cây mía. Có cây mía ngọt, có cây mía nhạt, nhưng chắc chắn cây nào cũng có vài khúc sâu".
"Thời gian đầu mới cưới, em mải mê tận hưởng những khúc ngọt. Về sau em nhận thấy còn sót lại toàn khúc sâu, nhưng em không đủ dũng cảm vất đi những khúc sâu ấy để đi kiếm một cây mía sâu khác".
Ảnh: Alex Nabaum
"Nhược điểm lớn nhất của chồng em là khi ái ân, anh vội vã mải mê cày cuốc, nhưng thực chất đó chỉ là một anh tá điền vô cùng lười biếng.
Em không thể có được sự thỏa mãn từ sự vụng về, nhưng em vẫn phải giả vờ thỏa mãn để chồng có cảm giác được thỏa mãn".
"Đó là bi kịch, nhưng chưa phải là căn nguyên duy nhất để cuộc hôn nhân của em bị rơi. Sau nhiều lần hồi sức, đã đến lúc em nghĩ thôi thì để mặc hạnh phúc của mình rơi tự do. Và em không muốn tiếp tục phải hồi sức".
"Vợ chồng em đã gặp rắc rối chuyện con cái. Câu chuyện chỉ thực sự bùng nổ khi bé thứ 2 ra đời nhưng vẫn là con gái. Chồng muốn em đẻ tiếp và đẻ tiếp. Muốn biến em trở thành cái máy đẻ. Muốn em trở thành Osin giúp việc trong gia đình".
"Những công việc cơ quan em phải từ bỏ dần để chăm sóc chồng và con. Những niềm đam mê không còn được chồng tôn trọng và em cũng không còn thời gian cũng như sức lực để theo đuổi".
"Để hoàn thành cái mà ở Việt Nam mình người ta đặt cho một cái danh thiêng liêng là "thiên chức người vợ", em thực sự cảm thấy quá vất vả.
Em cảm giác bị hụt hơi, bị đuối sức, bị thua cuộc trước áp lực của chồng. Đây chính là khúc ngoặt để vợ chồng em bước vào giai đoạn thứ hai của cuộc hôn nhân".
"Trong công việc, em đã phải cố gắng học tập, cố gắng phấn đấu để chờ cơ hội thăng tiến. Và cơ hội đã đến với em 3 năm trước đây, khi trưởng phòng về hưu thì em là ứng cử viên sáng giá nhất cho vị trí đó".
"Nhưng em là con gái. Mà ở Việt Nam, một người phụ nữ mà dám giỏi hơn những người đàn ông khác là điều rất khó để những người đàn ông ấy chấp nhận. Và lạ thay là nhiều phụ nữ khác cũng nghĩ như thế".
"Biết được điểm yếu của em là không được sự ủng hộ của đồng nghiệp, nên giám đốc nhiều lần gạ gẫm em quan hệ tình cảm, đổi lại sẽ được tạo điều kiện cho em".
"Chồng đọc được những tin nhắn đó, thay vì cùng em tìm cách tháo gỡ, thì lại coi đó là cái cớ chính đáng để ép em nghỉ việc.
Điều đó đã làm em thật sự thất vọng và mất hẳn niềm tin. Kể từ đó, em quyết định chọn cách sống đơn thân của một người phụ nữ đã lập gia đình"…
Câu chuyện của em còn dài.
Tôi vẫn nghĩ rằng, tình trạng nô lệ của phụ nữ Việt Nam là chuyện ở nửa đầu thế kỷ 20.
Hóa ra bước sang thế kỷ 21 này, thách thức số một vẫn là cuộc đấu tranh chống "chế độ nô lệ", mang lại bình đẳng giới thực sự.
Tôi tin rằng, điều cô gái này cần không phải là một bó hoa ngày 8 tháng 3. Nếu tôi là phụ nữ, tôi sẽ không cần những người đàn ông được nhồi sọ rằng phải tặng hoa tôi vào mùng 8 tháng 3.
Điều tôi cần là cả đàn ông và phụ nữ đều được tự do trong suốt 365 ngày của một năm. Đàn ông tự do để thể hiện sự mạnh mẽ và kiên cường, phụ nữ tự do để yêu thương và tỏa sáng.