Mới đây, Bộ Quốc phòng Nga đã công bố những tài liệu mật về chiến dịch tấn công chiến lược Belgrade, nhân kỷ niệm 75 năm ngày giải phóng thủ phủ Cộng hoà liên bang Nam Tư cũ, nay là thủ đô của Serbia (20/10/1944 - 20/10/2019), theo RIA Novosti (Nga).
“Trước khi chiến dịch Belgrade nổ ra, [Hồng quân Liên Xô] đã nhận được những thông tin về việc Bộ tư lệnh Phát xít Đức dự định biến thủ đô của Nam Tư thành đống đổ nát. Các toà nhà hành chính, những di tích lịch sử, pháo đài, mạng lưới cấp thoát nước, trạm điện, cảng sông… đều được chuẩn bị cho việc phá huỷ”, thông cáo báo chí của Cục thông tin và truyền thông Bộ Quốc phòng Nga ghi rõ.
Trận chiến với các lính bắn tỉa Đức
Phát xít Đức đã biến Belgrade thành một pháo đài bất khả xâm phạm. Bao quanh thành phố là các công sự phòng thủ mạnh, các toà nhà hành chính đều bị đặt mìn. Bước tiến quân của các đơn vị Hồng quân Liên Xô gặp sự cản trở từ những tay súng bắn tỉa Đức, ẩn nấp trên những tầng cao của các khu chung cư.
Tài liệu giải mật của Bộ Quốc phòng Nga. Ảnh: RIA
“Một lính bắn tỉa của địch nguỵ trang kín đáo đã dùng hoả lực hạn chế mũi nhọn tấn công của Trung sĩ Voloshin. Sợ thương vong lớn, chỉ huy Voloshin, khéo léo tiếp cận ngôi nhà - nơi hoả lực được bắn ra và nhẹ nhàng hướng tới vị trí của lính bắn tỉa Đức.
Tại một chiếu nghỉ của cầu thang lên xuống, bất ngờ một sĩ quan quân đội Đức nhảy bổ vào Trung sĩ Voloshin. Tuy nhiên, anh đã đứng vững và kết liễu sĩ quan này bằng một nhát dao. Khi leo lên được mái nhà, Voloshin dùng một băng đạn súng tiểu liên để hạ gục lính bắn tỉa của địch. Nhóm của anh tiếp tục lên đường", tài liệu giải mật cho biết.
Những chiến công anh dũng
Trong số những tài liệu được công bố, có đơn đề nghị truy tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô đối với trợ lý Trung đội trưởng Tiểu đoàn Bộ binh số 3 thuộc Trung đoàn vệ binh 309, Sư đoàn bộ binh số 109, sĩ quan Ivan Adamenko. Sĩ quan này đã lặp lại chiến công anh dũng của anh hùng Alexandr Matrosov.
“Kẻ địch hung tợn đã giội pháo, súng cối xuống đại đội và triển khai số lượng lớn lực lượng, khiến đại đội bộ binh bị mắc kẹt trong vòng vây. Hai khẩu súng máy hai bên sườn của địch được bố trí cách nhau 10-15m đã ngăn không cho đại đội xông lên để phản công.
Sĩ quan Adamenko xin được tiêu diệt các ụ súng máy này. Không tiếc mạng sống của mình, để làm gương cho toàn đại đội, anh đã bò tới các ụ súng máy đang liên tục nhả đạn và ném quả lựu đạn tiêu diệt một ụ súng. Thấy thế, ụ súng thứ hai của quân Đức đã hướng hoả lực về phía Adamenko, khiến anh không thể di chuyển. Thế nhưng, sĩ quan này cương quyết vùng lên và di chuyển nhanh chóng về phía ụ súng, ném một quả lựu đạn xong thì anh bị trúng đạn, nhưng vẫn dùng cả thân mình đè lên khẩu súng máy.
Belgrade được giải phóng. Ảnh: Gmic
Khi nhìn thấy sĩ quan chỉ huy hi sinh anh dũng, đại đội đã quyết chí xông lên phản công để trả thù và đã xuyên thủng phòng tuyến bao vây của địch”.
Nam y sĩ của tiểu đoàn pháo chống tăng số 42 Nikolai Kravtzov, trong cuộc tấn công chiếm trạm điện thoại và điện tín của thành phố, cũng đã làm điều tương tự.
Sĩ quan chỉ huy đẩy lui 8 cuộc tấn công
Thiếu tá vệ binh Alexandr Kudashev, chỉ huy Tiểu đoàn bộ binh, Trung đoàn 209, thuộc Sư đoàn bộ binh số 73 đã đẩy lui 8 cuộc phản công của địch. Với kỳ tích này, Thiếu tá Kudashev đã được tặng thưởng huân chương Chiến tranh Vệ quốc hạng nhất.
“Thiếu tá Kudashev, trong các trận chiến nhằm tiêu diệt bàn đạp của quân đội Đức ở bờ phải sông Sava từ ngày 18 đến hết ngày 20/10/1944, đã chứng tỏ được năng lực của một chỉ huy kiên cường, quyết đoán, nhiều sáng kiến và chỉn chu.
Khi tiểu đoàn của anh tấn công chiếm nhà thờ, tình hình đã được đánh giá chính xác, tương quan lực lượng quân ta và quân địch đã được cân nhắc kỹ lưỡng, mọi hành động đã được tính toán đến từng chi tiết nhỏ nhất.
Kết quả là đã chiếm được nhà thờ, thiệt hại của địch lên tới 80 người. 4 khẩu súng máy vác vai và cố định đã bị phá huỷ. Kẻ địch đã cố gắng giành lại quyền kiểm soát đã mất bằng những cuộc phản công với sự yểm trợ của 2 chiếc xe tăng và 1 khẩu pháo tự hành.
Nhưng nhờ sự kiên cường và dũng cảm của đồng chí Kudashev, 8 cuộc phản công của địch đã bị đẩy lui, kéo theo những thiệt hại to lớn cho phía quân địch với khoảng 300 binh lính và sĩ quan bỏ mạng", tài liệu giải mật cho hay.
Sự chào đón của người dân địa phương
Belgrade được giải phóng. Ảnh: Gmic
Trong báo cáo của Phòng Chính trị Quân đoàn 57 từ ngày 9/10/1944 có chia sẻ về tình cảm của người dân Nam Tư dành cho các chiến sĩ Hồng quân Liên Xô. Theo lời của đại tá Tzinev, những người dân Nam Tư đã chào đón các đơn vị của Hồng quân bằng cờ hoa. Khi Sư đoàn bộ binh số 113 giải phóng thành phố Negotin khỏi quân Đức, người dân địa phương đã đổ ra đường từ các hầm trú ẩn và khu rừng lân cận để chào đón binh lính và sĩ quan quân đội Liên Xô.
“Người Đức cư xử với chúng tôi như loài vật, chúng tước đi tất cả: quần áo, bánh mì, đồ đạc. Quân Đức đã lấy đi của tôi con lợn duy nhất và 10 ổ bánh mì cuối cùng, rồi đe doạ bắn chết chúng tôi nếu than vãn. Chúng tôi cảm thấy mình được tự do khi Hồng quân Liên Xô có mặt. Họ đã đưa chúng tôi trở về cuộc sống bình thường của mình”, nhân viên thư tín của thành phố Negotin, ông Mileiko Brashkovich hồi tưởng lại.
Trong những năm Nam Tư bị phát xít Đức xâm lược, đất nước này bị cướp bóc đến tận cùng.
“Khi phát xít Đức tới đây, chúng bóc lột chúng tôi tới tận cùng. Hàng năm, toàn bộ mùa màng bị lấy ngay tại chỗ. Chúng lấy đi của tôi tất cả vào năm 1942, tôi và gia đình 7 miệng ăn phải nhịn đói trong suốt mùa đông. Người dân hoàn toàn tả tơi. Không có giầy để đi và quần áo để mặc. Chúng tôi chưa bao giờ quên lòng nhân hậu của người Nga. Họ là người đã giải phóng chúng tôi. Chúng tôi nhìn thấy quân đội Hồng quân đã đập tan quân Đức ngay tại làng quê của mình và hiểu ra rằng [phát xít Đức] không thể chiến thắng được nước Nga. Họ là những con người bất khả chiến bại”, ông Mladen Eremich, một nông dân chia sẻ.
Sự tàn ác của phát xít Đức trên những lãnh thổ mà họ chiếm đóng được mô tả rõ nét trong lời khai của Binh nhất Carl Weiman thuộc Đại đội số 1, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 697 thuộc Sư đoàn 342 của quân đội phát xít Đức bị Hồng quân Liên Xô bắt làm tù binh.
“Khi tiến quân tới Ruma, những thi thể của người Serbia bị treo cây khiến tôi bị ám ảnh. Tôi phải hành quân tới Shabatz, tới đơn vị của mình đóng tại những khu doanh trại ngay gần một trại tập trung lớn, nơi giam giữ các công dân người Serbia. Hơn 40 nghìn người bị giam trong khuôn viên rộng lớn ở ngoài trời và đầy bùn đất.
Ở trung tâm khu đất là chòi gác với chiếc loa phóng thanh ngày ngày đọc tên của từng người nằm trong danh sách bị bắn vào ngày hôm sau. Mỗi ngày có từ 800 tới 1000 người bị giết. Thông thường một nhóm khoảng 20 người Serbia được giữ lại để dọn dẹp thi thể người chết, sau đó họ cũng sẽ bị đưa đi thủ tiêu. Vào ngày tiếp theo, quy trình tương tự được lặp lại,…”.