Đức
Một tuần trước khi quân Liên Xô bao vây Berlin, Adolf Hitler kết hôn với người tình lâu năm Eva Braun. Sau đó 2 người tự sát trong một hầm ngầm bên dưới dinh Thủ tướng.
Sau khi Hitler chết, Karl Dönitz lên nắm quyền lãnh đạo và bắt đầu thực hiện các cuộc tiếp xúc cho việc đầu hàng, với hy vọng khối Đồng minh phương Tây sẽ nhân nhượng hơn Liên Xô.
Các nước Anh, Pháp, Mỹ yêu cầu Đức đầu hàng tất cả các nước trong Khối đồng minh. Khi cuộc đàm phán diễn ra, Đức phải chuyển 1,8 triệu quân tới khu vực kiểm soát của liên quân Anh-Mỹ.
Tướng Stumpf, Marshall Keitel và Đô đốc Friedeburg ký cam kết đầu hàng của Đức tại trụ sở của Nga ở Berlin vào ngày 8/5/1945. (Ảnh: Getty Images)
Tướng Alfred Jodl, Tham mưu trưởng của Dönitz cam kết đầu hàng vô điều kiện tại trụ sở Reims của Tướng Mỹ Dwight D. Eisenhower, Chỉ huy tối cao của các lực lượng Đồng minh ở Châu Âu.
“Với chữ ký này, người dân Đức và các lực lượng vũ trang Đức, dù tốt hay xấu, đều được giao vào tay kẻ chiến thắng”, ông Jodl nói.
Sau khi đầu hàng, một số quân Đức cố gắng trốn sang Tiệp Khắc, nhưng vẫn có khoảng 2 triệu tù binh bị Liên Xô bắt giữ. Riêng Alfred Jodl bị quy kết là tội phạm chiến tranh tại Nicheberg và xử tử hình vào tháng 10/1946.
Anh
Ngày 7/5, sau khi có tin Đức đầu hàng, người dân Anh đổ ra đường phố London mừng chiến tranh kết thúc. Hàng chục ngàn người reo hò và tiệc tùng tới nửa đêm.
Thủ tướng Anh Winston Churchill và gia đình Hoàng gia Anh vẫy tay từ ban công Cung điện Buckingham trong lễ kỷ niệm Ngày chiến thắng ở London. (Ảnh: Getty Images)
Dù Thủ tướng Anh Winston Churchill và vua George VI muốn lấy ngày 7/5 làm Ngày chiến thắng, song họ đồng ý với đồng minh Mỹ chọn ngày 8/5.
Các bữa tiệc đường phố diễn ra trên khắp nước Anh, người dân chia sẻ thức ăn và tụ tập tại quảng trường Trafalgar để nghe Thủ tướng Churchill phát biểu trên đài phát thanh.
“Chúng ta có thể cho phép bản thân tạm thời ăn mừng, nhưng không được quên những công việc còn phía trước. Chúng ta phải dồn tất cả sức mạnh và nguồn lực để hoàn thành sự nghiệp trong và ngoài nước. Nước Anh vĩ đại”, Thủ tướng Churchill nói.
Thủ tướng Churchill, Vua George, Nữ hoàng Elizabeth cùng các Công chúa Elizabeth và Margaret đã xuất hiện để khích lệ người dân trên ban công cung điện Buckingham.
Đêm đó, lần đầu tiên kể từ năm 1939, Cung điện Buckingham được thắp sáng bằng đèn pha, một chữ V khổng lồ được chiếu lên Nhà thờ St. Paul, chấm dứt bóng tối bao phủ Vương quốc Anh trong gần 6 năm.
Pháp
Thành phố Reims từng là nơi đăng quang của các vua Pháp, từ thời Trung cổ cho tới khi vua Charles X lên ngôi vào năm 1825. Trong Thế chiến I, gần 80% Reims đã bị phá hủy, trong Thế chiến II, các máy bay của quân Đồng minh đã ném bom dữ dội vào thành phố khi Đức Quốc xã chiếm đóng.
Trong 2 năm cuối của cuộc chiến, trụ sở tối cao của Lực lượng viễn chinh Đồng minh nằm trong ngôi trường lát gạch đỏ nằm phía Tây Bắc của nhà ga xe lửa Reims. Đây cũng là nơi Đức kí cam kết đầu hàng vào ngày 7/5.
Đám đông diễu hành ở Champs-Élysées vào ngày 8/5/1945. (Ảnh: Getty Images)
Sau khi Đức Quốc Xã đầu hàng, Paris bùng nổ trong niềm vui sướng. Người dân vẫy cờ Đồng minh ở Khải Hoàn Môn. Binh lính Anh, Mỹ, Pháp ăn mừng cùng dân thường suốt đêm.
“Cuộc chiến đã thắng lợi. Đây là chiến thắng. Là chiến thắng của Liên Hợp Quốc và của Pháp. Vinh dự thuộc về tổ quốc ta. Đất nước ta không bao giờ chùn bước, ngay cả trong những thử thách khủng khiếp cũng không nhượng bộ", Tướng Charles de Gaulle tuyên bố.
Liên Xô
Nhà lãnh đạo tối cao của Liên bang Xô Viết Joseph Stalin ban đầu đã từ chối chấp nhận thỏa thuận đầu hàng của Đức ký kết tại Reims.
Stalin lập luận rằng, đại diện của Liên Xô trong cuộc đàm phán, Tướng Ivan Susloparov không được ủy quyền ký thỏa thuận, do có một điều khoản khác với thỏa thuận Stalin đã phê duyệt trước đó.
Bởi vậy cuộc chiến vẫn tiếp tục ở Mặt trận Đức-Xô thêm một ngày nữa. Sáng sớm 9/5 theo giờ Liên Xô, sau khi Berlin bị chiếm đóng, Đức đã ký một thỏa thuận đầu hàng khác với Liên Xô.
Điện Kremlin bắn pháo hoa mừng kết thúc Thế chiến II. (Ảnh: Getty Images)
Thay vì 8/5, người dân ở Liên Xô kỷ niệm Ngày chiến thắng vào ngày 9/5. Pháo hoa nổ trên Điện Kremlin và lễ kỷ niệm được tổ chức ở Quảng trường Đỏ trong giờ khắc ý nghĩa này.
“Cuộc chiến can trường của các dân tộc Slavơ kết thúc trong chiến thắng. Lòng can đảm của các bạn đã đánh bại Đức quốc xã. Chiến tranh đã kết thúc”, nhà lãnh đạo Stalin phát biểu trên đài phát thanh.
Theo thống kê, có khoảng 25-30 triệu người Xô Viết đã hy sinh trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại.
Mỹ
Ngày 8/5 là sinh nhật lần thứ 61 của Tổng thống Mỹ Harry S. Truman và nước Mỹ vẫn đang tưởng niệm sự ra đi của cựu Tổng thống Franklin D. Roosevelt vài tuần trước đó.
Hàng ngàn người đã tụ tập tại Quảng trường Thời đại ở New York và các lễ kỷ niệm diễn ra trên toàn quốc. Song nhìn chung không khí trong Ngày chiến thắng ở Mỹ vẫn ảm đạm hơn ở Châu Âu.
Linh mục người Mỹ vẫy tờ báo đăng tin Đức Quốc Xã đầu hàng với các học sinh của một trường công giáo ở Chicago. (Ảnh: Getty Images)
Tổng thống Truman nhắn nhủ tới người dân Mỹ: “Thông điệp duy nhất tôi muốn gửi gắm tới các bạn trong nhiều tháng tới là lao động, lao động và lao động nhiều hơn. Chúng ta cần làm việc để kết thúc chiến tranh. Chúng ta mới chiến thắng một nửa mà thôi”.
Việc Đức đầu hàng đã chuyển trọng tâm của Thế chiến II sang Washington, bởi vì Mỹ là cường quốc đi đầu trong cuộc chiến chống Nhật Bản.
The New York Times viết: “Hàng ngàn người phục vụ trong quân đội và hải quân ở Washington, chủ yếu là dân thường, đã chào mừng Ngày chiến thắng với tâm thế tỉnh táo khi được cấp trên thông báo.
Họ bày tỏ lòng biết ơn, nhưng không ăn mừng. Có lẽ chúng ta phải thừa nhận rằng, đất nước mới chỉ vượt qua một nửa chặng đường trong Chiến tranh thế giới II”.