Chiến tranh dù được tô vẽ là nổ ra vì lý tưởng hay mục đích gì thì không ai có thể che đậy được những điều kinh khủng mà nó để lại cho cuộc sống của nạn nhân, người chịu đựng mất mát từ tinh thần đến vật chất.
Nói về nỗi đau chiến tranh, chắc hẳn không ai hiểu rõ hơn người dân ở 2 thành phố Hiroshima và Nagasaki sau khi gánh chịu 2 quả bom nguyên tử của quân đội Mỹ trong thời kỳ Thế chiến thứ II.
Dù hơn 70 năm trôi qua, Hiroshima và Nagasaki cũng dần hồi sinh nhưng ký ức kinh hoàng năm nào vẫn như bóng đen đeo bám tâm trí những người may mắn sống sót.
Ngày 6/8/1945, quả bom nguyên tử thứ nhất mang tên Litte boy được thả xuống thành phố Hiroshima. 3 ngày sau, đến lượt thành phố Nagasaki gánh chịu quả bom thứ 2 mang tên Fat man.
Theo ước tính, vụ tấn công đã cướp đi mạng sống của 214 người và khiến hàng chục nghìn người bị thương.
Con số thương vong rất khó xác định bởi ngoài việc giết chết người dân vô tội tại chỗ, 2 quả bom còn gieo vào cơ thể người ở lại phóng xạ nguy hiểm.
Họ không còn cách nào khác là "sống chung với lũ", khi nào bệnh phát ra thì mất mạng.
Một trong những khoảnh khắc ám ảnh nhất trong vụ đánh bom được nhiếp ảnh gia Joe O'Donnell ghi lại tại thành phố Nagasaki.
Thời điểm đó, Joe chỉ đơn giản nghĩ rằng bé trai kia đang cõng đứa em ngủ say trên lưng , hệt như những đứa trẻ khác ở Nhật Bản thời bấy giờ.
Nhưng sau đó vài phút, 1 người đàn ông đeo khẩu trang trắng tiến đến trước khi tháo đứa nhỏ ra khỏi lưng anh trai rồi mang đi.
Trong suốt quá trình ấy, cả hai không nói với nhau câu nào. Đó cũng là lúc Joe nhận ra đứa bé kia thực chất đã chết.
Người ta đưa thi thể em đặt vào ngọn lửa đang cháy bùng trước ánh mắt vô hồn của anh trai và cái mím môi đến chảy máu thay cho giọt nước mắt khóc thương em của đứa trẻ.
Mãi cho đến khi ngọn lửa tắt lịm thành tro, cậu bé mới lặng lẽ quay đầu bỏ đi.
Vụ nổ bom đã đánh sập hơn 70% công trình ở Hiroshima và Nagasaki, khiến nơi đây trong chớp mắt đã trở thành địa điểm hoang tàn, nhìn đâu cũng thấy khói lửa và máu me.
Khung cảnh này trở thành sự đả kích rất lớn đối với người dân Nhật Bản vốn hiền lành và yêu hòa bình. Chính vì lẽ đó nên mãi đến hàng chục năm sau, họ vẫn không bao giờ quên được ký ức đáng sợ về ngày 6/8 và 9/8 của năm 1945.
Sau nhiều năm, cả 2 thành phố cũng bước ra khỏi bóng tối mà quả bom nguyên tử để lại. Họ hồi sinh nhưng len lỏi đâu đó vẫn là nỗi ám ảnh về khoảng thời gian đen tối.
Giữa đống đổ nát do chiến tranh gây ra là những con người may mắn sống sót, vượt qua thảm họa.
Nhưng cũng chẳng biết họ có may mắn hay không bởi vì chiến tranh ngoài đời đã kết thúc nhưng họ buộc phải dành cả phần đời còn lại để chiến đấu và giữ lại những mảnh ghép trong tâm hồn vốn đã vỡ vụn từ ngày hứng chịu 2 quả bom nguyên tử.
Theo đó, nhiếp ảnh gia Haruka Sakaguchi đã tìm đến nạn nhân thoát chết khỏi thảm họa để phỏng vấn họ về hậu quả của chiến tranh cũng như thông điệp gửi đến thế hệ sau này, những người được ưu ái sinh trưởng trong thời bình.
Thời điểm xảy ra vụ đánh bom, ông Yasujiro Tanaka chỉ mới 3 tuổi và đùng một phát đã bị chôn vùi dưới đống đổ nát.
Khi được tìm thấy, ông đã rơi vào tình trạng nguy kịch nhưng nhờ vào phép màu nào đó mà vượt qua ải tử thần và sống sót.
Sau hôm đó, trên cơ thể ông Yasujiro xuất hiện những vết sẹo bí ẩn trước khi bị mất thính lực tai trái. Trong khi đó, em gái ông mắc bệnh thận và chứng chuột rút cơ mãn tính. Tình hình sức khỏe khiến bà phải lui tới bệnh viện 3 lần/tuần để chạy thận.
"Bạn chỉ có 1 cuộc đời để sống vậy nên hãy trân trọng nó. Hãy đối xử tốt với mọi người và bản thân mình".
Ngày hôm đó, ông Takato Michishita ra ngoài đi chợ cùng mẹ thì sau cú nổ lớn, mọi thứ trở nên trắng xóa.
Sự choáng váng xâm chiếm khiến 2 mẹ con mất đến 10 phút để lấy lại bình tĩnh. Thật may là chị gái của ông Takato hôm đó không đi học nên mới có thể thoát chết trong khi các bạn học trong trường đều thiệt mạng.
"Gửi các bạn trẻ, người chưa từng nếm trải chiến tranh, chiến tranh bắt đầu khi không ai biết nhưng lúc con người nhận ra thì mọi chuyện đã quá muộn màng".
Emiko Okada không bị các quả bom giết chết nhưng không tránh khỏi việc bị nhiễm phóng xạ, bắt đầu từ việc nôn mửa không ngừng.
Tiếp đến, bà bị rụng tóc, chảy máu nướu, sức khỏe tuột dốc đến nỗi không thể đến trường.
Lúc đó, bà ngoại của bà Emiko chỉ biết ôm các cháu vào lòng và oán giận những con người ác độc nhân danh hòa bình để hãm hại người vô tội, đáng thương nhất là trẻ con, chưa kịp nhận thức chuyện gì đang xảy ra thì đã phải gánh chịu hậu quả.
"Chỉ có 2 lựa chọn khi chiến tranh xảy ra: một là bạn giết người khác, hai là bị giết. Rất nhiều đứa trẻ đã rơi vào cảnh nghèo đói, suy dinh dưỡng và bị bỏ rơi trong khi chúng đáng lẽ là điều tốt lành mà người lớn phải ra sức bảo vệ".
Năm đó, bà Kumiko Arawaka 20 tuổi đang đi đến nhà bạn chơi thì hay tin gia đình gặp nạn. Lúc bà trở về thì mọi chuyện đã quá muộn, bố mẹ và 4 anh chị em đều đã qua đời vì vết thương do bom đạn gây ra quá nặng, khiến họ không thể vượt qua.
Hơn 7 thập kỷ trôi qua, bà Kumiko giờ chẳng còn nhớ lúc đó, bà đã làm thế nào để vượt qua nghịch cảnh và nuôi lớn các em.
"Nhiều người hỏi tôi đã nhìn thấy gì trên đường về nhà ngày 10/8/1945 nhưng tôi chẳng nhớ đã nhìn thấy thi thể la liệt thế nào.
Nghe có vẻ lạ lùng nhưng đó là sự thật" - bà Kumiko kể. Chính trải nghiệm trong quá khứ nên giờ đây, bà chỉ muốn sống cuộc đời bình dị và mỗi ngày cầu nguyện cho sự an toàn của con cháu.
Chiến tranh ở thời nào cũng vậy, con người gây ra và cũng chính đồng loại của họ trở thành nạn nhân hứng chịu mọi hậu quả.
74 năm không ngắn cũng không dài nhưng mãi mãi chẳng thể xoa dịu tâm hồn người ở lại và xóa đi mảng ký ức kinh hoàng về những gì đã xảy ra ở thành phố Hiroshima và Nagasaki hay bất kể ở nơi nào khác.