Căng thẳng thương mại tăng dần giữa Mỹ và phần còn lại của thế giới đang gây sức ép lên thị trường chứng khoán toàn cầu bởi nhà đầu tư lo lắng về tác động của nó lên lợi nhuận doanh nghiệp và tiêu dùng người dân, Nikkei nhận xét.
Tính từ ngày 15/2/2018 khi mà Mỹ công bố đánh thuế với nhôm và thép nhập khẩu, giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán thế giới đã giảm 2,5 nghìn tỷ USD và rớt xuống còn khoảng 78 nghìn tỷ USD.
Còn so với mức đỉnh được thiết lập vào cuối tháng 1/2018, giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán toàn cầu giảm hơn 7,2 nghìn tỷ USD, cũng có nguyên nhân một phần bởi lãi suất cơ bản đồng USD tại Mỹ tăng cao khiến cho môi trường kinh tế vĩ mô trở nên kém thuận lợi.
Ban đầu, nhiều bên tham gia thị trường đã cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ không đẩy mạnh quan điểm bảo hộ và thực thi những lời đe dọa của ông. Thế nhưng sau đó, chính quyền Washington thực sự đã áp thuế nhôm thép và thậm chí sẽ đánh thuế với nhiều mặt hàng khác nữa, điều này dẫn đến hàng loạt động thái trả đũa từ Trung Quốc, châu Âu và nhiều nước khác.
Trong ngày thứ Sáu, Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định đánh thuế với hàng loạt mặt hàng từ Mỹ. Đáp lại, chính quyền Tổng thống Trump đe dọa áp thuế 20% với ô tô từ châu Âu.
“Việc các bên đưa ra các biện pháp đáp trả sẽ tiếp diễn”, chuyên gia kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Daiichi Life, ông Hideo Kumano, nhận định.
Việc nâng các mức thuế khiến cho người tiêu dùng thế giới giảm mua các sản phẩm nhập khẩu giá rẻ, và như vậy đẩy cao áp lực về giá. Điều này có thể gây ra tác động tiêu cực về kinh tế dù gánh nặng chi trả khoản phí đó rơi vào người tiêu dùng hay doanh nghiệp, theo khẳng định của một chuyên gia chuyên về các vấn đề Trung Quốc tại Fidelity International, ông Raymond Ma.
Những doanh nghiệp đối diện với triển vọng chính sách thương mại không chắc chắn sẽ cần phải tạm trì hoãn việc đầu tư vào Mỹ hoặc Trung Quốc, hoạt động đầu tư có thể kể đến ví như xây dựng thêm nhà máy mới.
Ngay cả những thị trường châu Á không trực tiếp liên quan đến cuộc chiến thương mại cũng sẽ bị mắc kẹt giữa các "làn đạn" bởi xét đến vai trò của họ trong chuỗi cung cấp hàng hóa Trung Quốc bị Mỹ nhắm đến ví như sản phẩm bán dẫn hay linh kiện điện tử.
Khoảng 30% sản phẩm hoàn thiện tại Trung Quốc để được xuất sang Mỹ được sản xuất bên ngoài Trung Quốc, tại nhiều nước như Nhật, Hàn Quốc, hay lãnh thổ Đài Loan, theo tính toán của Viện nghiên cứu Mizuho.
Căng thẳng thương mại khiến cho thị trường chứng khoán nhiều nước/lãnh thổ tại châu Á như Đài Loan (Trung Quốc), Philippines và Singapore giảm điểm. Dù cuối ngày giao dịch hôm qua, chỉ số Shanghai Composite Index tăng 0,5%, nhưng chỉ số như vậy vẫn nằm dưới ngưỡng tâm lý quan trọng 3.000 điểm. Chỉ số Nikkei 225 giảm điểm sau 2 ngày tăng điểm liên tiếp.