Từ góc nhìn của thế hệ Baby Boomer, những người được sinh ra trong khoảng thời gian từ năm 1946 đến năm 1964, tận hưởng cuộc sống về già mà không vướng bận con cháu dường như là quyết định chính đáng. Sau nhiều năm lao động và nuôi dưỡng gia đình, họ đặt ra câu hỏi về cách sống ý nghĩa trong giai đoạn cuối cuộc đời.
Ông Ted Dobson, một doanh nhân đã nghỉ hưu, nay 71 tuổi và quyết định chuyển tới thuê nhà ở Mexico, cách xa nơi sống của con cái. Quyết định này đã khiến con của ông, Leslie Dobson, cảm thấy không mấy vui mừng vì cô đã mong đợi con cái của mình được ông ngoại hỗ trợ nuôi nấng, dạy bảo.
Tuy vậy, Ted Dobson bảo vệ quyết định của mình, cho rằng đó là lựa chọn đúng đắn.
"Sau nửa đời vất vả, tôi xứng đáng để tận hưởng phần cuối cuộc đời một cách ý nghĩa. Dù bán nhà ở quê hương, chuyển tới Mexico, điều đó không đồng nghĩa với việc cắt đứt quan hệ với con cháu. Ngược lại, tôi vẫn sẽ đồng hành và hỗ trợ các con trong một phạm vi hợp lý, kể cả tài chính. Nhưng Leslie phải học cách lên kế hoạch cho cuộc sống riêng mình, không phụ thuộc vào cha mẹ nữa", ông cho biết.
Không chỉ bản thân ông Ted Dobson, nhiều người thuộc thế hệ của ông cũng đang làm điều tương tự như vậy. Ông Ted cho biết, khi ông kể về kế hoạch hưu trí của bản thân, nhiều người được truyền cảm hứng. Họ cũng đang chuẩn bị các dự toán, tiền gửi tiết kiệm và lên kế hoạch để có được một cuộc sống tự do, an nhàn giống như ông.
Tuy nhiên, ở khía cạnh người trẻ, một số đang gặp khó khăn trong việc chăm sóc con cái với sự vắng mặt của bố mẹ. Kristjana Hillberg, 33 tuổi, chia sẻ về trải nghiệm của mình khi phải đối mặt với thách thức tự chăm sóc ba đứa con.
"Trong nhà, bà nội luôn là người hỗ trợ quan trọng khi chăm sóc 3 cháu, nhưng kể từ khi quyết định đi du lịch sau khi nghỉ hưu, mọi thứ đang dần trở nên khó khăn hơn. Nếu muốn gửi cháu sang nhà ông bà, chúng tôi phải lên kế hoạch từ trước để tránh lịch trình du ngoạn của họ", Hillberg chia sẻ.
Tình trạng này không chỉ xảy ra với Hillberg mà còn là hiện thực của nhiều gia đình ngày nay.
Báo cáo về thói quen chi tiêu của người tiêu dùng từ Bank of America tháng 5/2023 đã tiết lộ rằng, thế hệ Boomers đang chi tiêu nhiều hơn cho các hoạt động giải trí và ẩm thực bên ngoài. Theo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, dân số của thế hệ này sở hữu tài sản trị giá 78 nghìn tỷ USD, chiếm gần một nửa tổng tài sản quốc gia. Sau khi kiếm ra số tài sản này, không khó hiểu tại sao người trung niên bắt đầu có nhu cầu tận hưởng và nghỉ ngơi.
Ông Ted Dobson nhiều lần khẳng định, bản thân rất hài lòng với cuộc sống hiện nay. "Cả những người bạn già của tôi cũng đang tận hưởng cuộc sống tương tự. Những người được lan tỏa tinh thần này cũng thường nhắn tin cảm ơn trong khi chia sẻ những bức ảnh du ngoạn khắp nơi, khám phá những vùng đất mới, phát triển những sở thích mà trước kia chưa có thời gian thực hiện", ông cho biết.
Trái ngược với tâm lý thoải mái của những người lớn tuổi đã về hưu, giờ chỉ bận rộn tiêu tiền, thế hệ trẻ lại cảm thấy "bị bỏ lại phía sau" khi cha mẹ chọn cuộc sống riêng, chứ không xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với con cháu.
"Đa phần họ phản đối cách làm của thế hệ trước. Những người đang phải đối mặt với việc một mình nuôi con thường cảm thấy bị bỏ rơi khi bố mẹ chọn rời nhà đi nơi khác, thỏa thích du lịch, nghỉ dưỡng, chứ không muốn chịu trách nhiệm trông cháu nhỏ", nhà tâm lý học Leslie Dobson tại Los Angeles nhận định.
Leslie Dobson cũng chia sẻ thêm, thế hệ trẻ thường mong muốn sự hỗ trợ thường xuyên và ổn định từ bố mẹ của mình trong việc chăm sóc con cái. Vì thế, việc thỉnh thoảng mới nhờ gửi trông con, trông cháu là "chưa đủ để thỏa mãn".
Xét từ khía cạnh thể chất, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), vào năm 1970, độ tuổi trung bình của người làm mẹ lần đầu tiên là 21,4; đến năm 2000, con số này tăng lên 27,2 và có xu hướng tiếp tục tăng. Sức khỏe giảm sút là một trong những lý do khiến việc chăm cháu trở nên ngày càng khó khăn đối với thế hệ này.
Theo Leslie Dobson, chuyên gia tâm lý này cũng nêu ra sự khác biệt trong quan điểm nuôi dạy con cái giữa các thế hệ. Những lời khuyên và kinh nghiệm của cha mẹ thế hệ Boomer có thể không còn phù hợp hoặc cần thiết do sự thay đổi trong quan điểm và giá trị của thế hệ trẻ.
"Thế hệ trẻ đánh giá cao phương pháp nuôi dạy con cái nhẹ nhàng, tránh gây tổn thương cả về thể chất và tinh thần cho trẻ, gần như trái ngược với quan điểm và phương thức giáo dục nghiêm khắc của thế hệ Boomer," chuyên gia Dobson nhấn mạnh.
Deniel Cox, giám đốc Trung tâm Khảo sát phi lợi nhuận về Đời sống Mỹ, cũng cho rằng, chính sự khác biệt này là nguyên nhân khiến nhiều người lớn tuổi không mặn mà với việc chăm nuôi cháu. Thế hệ trước kia thường dựa vào kinh nghiệm truyền miệng từ xưa đến nay để nuôi con. Tuy nhiên, thế hệ trẻ ngày nay lại chú trọng đến Internet và sự hỗ trợ từ nguồn thông tin đa dạng, tạo nên một ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ USD về cung cấp kiến thức và thông tin về phương pháp nuôi dạy con cái. Điều này cũng đồng nghĩa với việc họ không nhất thiết phải lệ thuộc nhiều vào kinh nghiệm và lời khuyên của cha mẹ như thế hệ trước.
*Nguồn: Insider