Đó là thông tin được đưa ra tại hội thảo phòng chống xâm hại tình dục trẻ em, do Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới, gia đình, phụ nữ và vị thanh niên, tổ chức ngày 7-12, tại Hà Nội.
Ông Khổng Ngọc Oanh, Trưởng phòng 6, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công An, cho biết đối tượng xâm hại tình dục trẻ em tập trung chủ yếu từ 17 đến 40 tuổi. Ngoài ra nhiều vụ đối tượng trên 50 tuổi, cá biệt có một số vụ trên 70 tuổi.
Hội thảo chia sẻ những khó khăn trong việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi xâm hại tình dục trẻ em. Ảnh: V.LONG
Các trường hợp xâm hại tình dục trẻ em chủ yếu là lao động tự do hoặc không có nghề nghiệp, nghề không ổn định; lười lao động, ham mê rượu chè, đàn đúm, có lối sống lệch chuẩn, bệnh hoạn, biến thái.
Một số đối tượng thường lợi dụng nghề nghiệp để xâm hại tình dục trẻ em như giáo viên, nhân viên y tế, người có chức trách bảo trợ, nuôi dưỡng, chữa bệnh… hoặc có kiến thức, kỹ năng trong môi trường mạng.
Hình thức của các đối tượng này là lợi dụng sự non nớt, thiếu kỹ năng tự vệ của nạn nhân để dụ dỗ, cho quà, hứa hẹn, cho sử dụng chất kích thích, xem ấn phẩm khiêu dâm, rủ đi chơi, lợi dụng không gian vắng vẻ, thiếu sự quan tâm của người lớn để dụ dỗ, đe dọa, cưỡng bức…
“Bên cạnh đó, có trường hợp lợi dụng mối quan hệ phụ thuộc, gần gũi với nạn nhân như cha con, cha dượng, họ tộc, xóm giềng, thầy trò, yêu đương…
Từ đó nạn nhân không có ý thức tạo khoảng cách để thực hiện hành vi xâm hại tình dục…”, ông Khổng Ngọc Oanh nói.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Bộ Công an, hiện có hơn 4.100 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Trong đó, hơn 1.000 vụ xâm hại tình dục thì số trẻ em gái ở độ tuổi 12-15 chiếm tới 57,46%, số trẻ em dưới 6 tuổi bị xâm hại chiếm tới 13,2%.