Phim cổ trang Trung Quốc vốn ghi điểm trong mắt khán giả nhờ nội dung hấp dẫn, tình tiết ly kỳ và ngoại hình lung linh của dàn diễn viên. Tuy nhiên, nhiều năm qua các nhà sản xuất không có sự sáng tạo mà thường đưa loạt tình tiết vừa phi thực tế vừa sáo mòn vào tác phẩm của mình.
Điều này khiến mạch phim trở nên dễ đoán, thiếu tính đột phá, giá trị nội dung của phim không được đánh giá cao. Dưới đây là một vài chi tiết vô lý thường gặp trong các bộ phim Hoa ngữ:
Che giấu thân phận bằng vải mỏng
Trong phim, mỹ nữ thường buộc khăn hoặc dùng mạng che mặt để người khác không nhận ra mình. Đáng nói, chất liệu của tấm vải mỏng manh đến mức “che cũng như không”. Vậy nhưng không hiểu sao các nhân vật khác, đặc biệt là nam nhân cứ như bị che mắt, lúc nào cũng tò mò muốn chiêm ngưỡng nhan sắc chim sa cá lặn của người đẹp bí ẩn.
Tình huống này khiến khán giả không khỏi thắc mắc công dụng thực sự của chiếc khăn là che giấu thân phận hay để làm đẹp.
Hoà máu trong nước để xác định huyết thống
Tình huống vô lý hay xảy ra trong phim là nhân vật sẽ lấy máu ở đầu ngón tay rồi cùng nhỏ vào một bát nước. Nếu máu hòa hợp thì 2 người là cha con ruột thịt. Chân Hoàn Truyện được ca ngợi là bom tấn cổ trang với chi phí đầu tư lớn, được khen ngợi về nội dung nhưng vẫn có màn kiểm tra ADN theo kiểu này.
Nữ cải nam trang nhưng không bị phát hiện
Không tính đến vóc dáng khác biệt giữa nam và nữ thì nhiều phim có tạo hình nữ giả nam nhưng nhân vật giữ nguyên mặt hoa da phấn, giọng nói tông cao, chỉ cần búi tóc gọn gàng hoặc cột tóc đuôi ngựa rồi khoác y phục nam nhân thì hầu như không ai thắc mắc gì.
Hài hước ở chỗ sau đó sẽ có chi tiết vô tình lộ ra tóc dài, lúc này mọi người mới như được “khai sáng” khi nhận ra đây rõ ràng là một cô nương xinh đẹp.
Bị bệnh, bị thương hay trúng độc thì đều thổ huyết
Đây là phân cảnh hầu như phim cổ trang nào cũng có, nhất là thể loại phim kiếm hiệp và tiên hiệp. Nhân vật dù bị thương, mắc trọng bệnh hay trúng độc thì đều sẽ gặp tình trạng bị hộc máu miệng.
Trong phim Võ Mỵ Nương truyền kỳ, nhân vật của Phạm Băng Băng bị tra tấn tới mức thổ huyết.
Trong phim Hoa Thiên Cốt, phân cảnh Bạch Tử Họa (Hoắc Kiến Hoa) hộc máu vì bị trúng độc trầm trọng cũng khiến khán giả ám ảnh một thời gian dài.
Vì quá thương nhớ Chúc Anh Đài (Đổng Khiết) mà Lương Sơn Bá (Hà Nhuận Đông) đã thổ huyết rồi qua đời dù tuổi còn rất trẻ.
Dường như các đạo diễn sợ khán giả không hiểu tình cảnh đáng thương của nhân vật nếu như thiếu các phân cảnh đổ máu như thế này.
Nhân vật chính gặp chuyện buồn là trời buộc phải đổ mưa
Đây có lẽ là tình tiết kinh điển không chỉ gặp trong phim cổ trang mà còn ở phim hiện đại.
Nếu các nhân vật gặp phải biến cố lớn, mất đi người thân, thất tình, chịu phạt… thì dù trước đó trời có nắng chang chang thì lúc sau cũng sẽ mưa tầm tã. Lúc này các nhân vật sẽ đi lững thững đi trong màn mưa hoặc nếu phải chịu phạt, dầm mưa dãi nắng thì “nửa kia” sẽ xuất hiện rồi tiếp đó là màn an ủi, vỗ về mùi mẫn sau hàng loạt bi thương, uất ức.
Thêu thùa bị kim đâm, đánh đàn đứt dây ắt là điềm gở
Nhiều nữ nhân trong phim cổ trang thuộc kiểu công dung ngôn hạnh, cầm kỳ thi họa hay may vá đều thành thục nhưng mỗi lần trổ tài là kim đâm vào tay hoặc “đang vui lại đứt dây đàn”. Tiếp sau đó nhân vật sẽ suy đoán đây là điềm gở và sẽ xảy ra chuyện tồi tệ ở những tập tiếp theo.
Rơi vách núi thường gặp được cao nhân hoặc bí kíp võ công
Thông thường, các nhân vật chính khi bị rơi xuống vách núi thì không những bình an vô sự mà còn gặp được cao nhân đắc đạo hoặc bí kíp võ công thượng thừa để tu luyện rồi tìm đường quay trở lại báo thù. Toàn các thế võ tuyệt đỉnh mà nhiều người mất cả đời cũng khó tìm được nhưng các thiếu hiệp trẻ tuổi trong phim chỉ mất thời gian ngắn luyện tập là có thể trở thành cao thủ.
Không thể phủ nhận những tình tiết này giúp phim trở nên kịch tính, hấp dẫn hơn nhưng nếu lạm dụng sẽ khiến khán giả phát chán. Mong rằng trong thời gian tới các nhà biên kịch, đạo diễn sẽ nỗ lực sáng tạo nhiều tình tiết bất ngờ, thú vị để đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người xem.