Mỗi quốc gia sở hữu sự khác biệt không nhỏ về văn hóa, kể cả với những đất nước trong cùng khu vực.
Vậy mới có chuyện, thói quen bạn vẫn thường làm ở nhà trở thành bất lịch sự, thậm chí mang đến rắc rối khi ở đất nước khác và khiến bạn rơi vào cảnh bị sốc văn hóa.
1. Chile: Ăn bốc
Tại Chile, dù ăn gì thì tốt hơn hết bạn không nên dùng tay để bốc, kể cả là khoai tây chiên. Người Chile quan niệm việc chạm tay vào thức ăn sẽ khiến mùi vị không còn vẹn nguyên nữa, và là kiểu ăn không đúng chuẩn mực.
Đó là lý do bất kỳ bữa ăn nào họ cũng phải sử dụng dao dĩa, và người nước ngoài khi đến cũng nên như vậy.
2. Hàn Quốc: Ăn trước người cao tuổi nhất bàn
Văn hóa Hàn Quốc rất đề cao sự tôn trọng với người lớn tuổi. Bên cạnh việc phải đợi người cao tuổi nhất bắt đầu ăn, bạn cũng không được rời bàn cho đến khi người đó ăn xong.
Ngoài ra, khi được một người lớn tuổi hơn mời uống, bạn cần nâng ly bằng cả hai tay để đáp lễ.
3. Nhật Bản: Chớ dại đi cả giày vào nhà
Tại Nhật Bản, bạn cần phải bỏ lại giày ở "genkan" (khu vực sau cửa chính, ngăn cách với sàn nhà bằng một bậc sàn) trước khi bước vào nhà.
Đây là một truyền thống có từ thời Heian. Ngoài lý do để nhà sạch, thì sàn nhà thời kỳ đó thường được lót chiếu rơm đan, là nơi để người Nhật xưa ăn, uống, ngủ nghỉ... và chỉ đôi chân trần là được phép giẫm lên đó mà thôi.
4. Trung Quốc: Vét đến miếng cuối cùng
Từ rất lâu rồi, người Trung Quốc quan niệm rằng việc ăn sạch đồ trên đĩa là bất lịch sự, vì nó như thể ám chỉ chủ nhà không cung cấp đủ thực phẩm cho khách vậy.
Tuy nhiên hiện nay, văn hóa này đang dần thay đổi nhằm tránh tình trạng lãng phí thực phẩm xảy ra.
5. Ấn Độ: Bỏ thừa thức ăn
Về vấn đề ăn uống, câu chuyện tại Ấn Độ lại trái ngược hẳn so với Trung Quốc. Theo đó, việc dùng hết đồ ăn trên đĩa là phép lịch sự, cho thấy sự tôn trọng với thực phẩm - vốn là thứ linh thiêng với văn hóa Ấn Độ.
6. Bulgaria: Gật đầu không phải là đồng ý
Riêng về chuyện gật đầu hay lắc đầu, Bulgaria giống như một thế giới riêng so với cả nhân loại vậy. Với họ, lắc đầu nghĩa là đồng ý, còn gật đầu lại có nghĩa là không.
Nhìn chung thì khi đến đây, hãy hạn chế trả lời bằng các hành động phi ngôn ngữ. Thay vào đó thì nhớ lấy 2 từ: "da" nghĩa là "có", và "ne" nghĩa là "không".
7. Hàn Quốc: Viết tên bằng mực đỏ
Đó là điều cấm kỵ, bởi với người Hàn, đỏ là màu sắc tượng trưng cho cái chết nên thường được dùng để đánh dấu những ai đã qua đời. Họ quan niệm viết tên người đang sống bằng bút đỏ sẽ mang đến xui xẻo vô cùng.
Bởi vậy khi đến Hàn Quốc, hãy nhớ chỉ nên viết bằng bút có mực xanh hoặc đen thôi.