Trong kí ức của biết bao thế hệ người trẻ châu Á, Doraemon đã, đang và sẽ luôn là người bạn không thể thiếu được trong tuổi thơ của mỗi người.
Nhắc đến nhân vật này là người ta lại nhớ ngay đến hình ảnh của một chú mèo máy tròn ủm với đôi bàn tay như hai cái bánh bao cùng tính cách gần gũi, tốt bụng và lúc nào cũng hết mình vì bạn bè xung quanh, đặc biệt là với anh bạn Nobita.
Do thắc mắc hoàn cảnh sa sút của gia đình Sewashi, Doraemon đã dùng Cỗ máy thời gian quay lại quá khứ vào thế kỉ XX (20) để tìm hiểu lý do. Cậu đã phát hiện ra nguyên nhân là Nobi Nobita - cụ tổ của Sewashi - do hậu đậu vụng về nên sau này khiến cho đời sống con cháu cũng khó khăn theo.
Vậy là Doraemon quyết định đến sống cùng Nobita để giúp đỡ, hướng dẫn và chăm sóc cậu ta trong những lúc khó khăn. Chính từ đây mà tình bạn giữa chú mèo máy cùng cậu nam sinh "đụng đâu hỏng đó" bắt đầu nảy nở.
1. Sinh nhật và ý nghĩa của tên gọi Doraemon
Ngày 3/9 chính là "ngày sinh" của Doraemon, hay nói đúng hơn, thì đây chính là ngày mà Doraemon... sẽ được sinh ra. Trong bộ truyện của tác giả Fujiko Fujio, chú mèo máy này là một sản phẩm của con người trong tương lai. Cụ thể hơn, Doraemon được sinh vào ngày 3/9/2112 (thuộc thế kỉ XXII).
Khi mới xuất bản ở Việt Nam, Doraemon được gọi là Đô-rê-mon. Sau cùng, vì muốn đảm bảo các tên nhân vật được trở lại đúng theo nguyên tác của bộ truyện, cái tên Doraemon được sử dụng từ năm 2010 đến nay. Tên của Doraemon có nghĩa là "chú mèo đi lạc".
2. Doraemon là "hàng lỗi" từ thế kỷ 22
Khi mới chào đời, Doraemon tình cờ bị tia lửa điện của bọn cướp đánh trúng. Tai nạn khiến cậu mất một con ốc vít ở đầu, rơi ra khỏi dây chuyền sản xuất. Do đó, đầu óc của Doraemon hơi lú lẫn và thường xuyên bị thầy hiệu trưởng trường đào tạo rô bốt nhắc nhở. Các món bảo bối của Doraemon cũng không còn mới và thỉnh thoảng lại hỏng hóc.
Tuy nhiên, khi quay trở về thế kỷ 20, Doraemon lại là chú mèo máy siêu việt luôn giúp đỡ Nobita trong những hoàn cảnh khó khăn.
3. Doraemon gắn liền với con số 129,3
Mèo Ú nặng 129,3 kg, cao 129,3 cm, vòng bụng 129,3 cm. Khi gặp chuột, Doraemon có thể chạy với vận tốc lên tới 129,3 km/h và nhảy cao tới 129,3 cm.
4. Mèo máy mất tai vì bị chuột gặm
Dù là mèo, Doraemon lại nổi tiếng sợ chuột. Do một lần ngủ say, cậu đã bị chuột gặm mất tai. Gia đình Sewashi quá nghèo, không đủ tiền chạy chữa nên Doraemon đành chấp nhận từ bỏ đôi tai của mình. Trong nguyên tác của Fujiko, Doraemon nhiều lần bị nhầm lẫn là chồn vì không có tai.
5. Doraemon vốn có màu vàng
Mới đầu, làn da của Mèo Ú có màu vàng. Sau khi bị mất tai, cậu buồn bã và mắc chứng trầm cảm. Doraemon phải uống thuốc "nỗi buồn" để "giải sầu. Tác dụng phụ của dung dịch này đã biến da cậu từ màu vàng thành xanh dương.
6. Tình trường đầy "biến động" của Doraemon
Doraemon từng có cô bạn gái xinh đẹp Noramyako. Tuy nhiên, Mèo Ú đã bị "đá" sau khi mất tai. Noramyako chỉ xuất hiện trong phiên bản hoạt hình chứ không góp mặt trong truyện tranh.
Doraemon "chết mê chết mệt" cậu mèo Mimi
Ngoài Noramyako, Doraemon còn thích em mèo trắng Mimi (Mii-chan). Trong truyện tranh, Mimi là… một chú mèo đồ chơi. Doraemon đã rất bàng hoàng khi phát hiện Mimi lại là mèo đực. Về sau, tác giả đã "hô biến" Mimi thành một cô mèo cái nhằm xoa dịu nỗi đau của "anh chàng" này.
7. Món bánh khoái khẩu của Doraemon
Chú mèo máy thông minh rất mê món bánh rán Dorayaki truyền thống Nhật Bản. Vì món ăn này mà cậu nhiều lần bị Nobita dụ dỗ cho mượn các bảo bối và gặp không ít tai họa. Món bánh này gắn liền với tên tuổi Doraemon. Thậm chí, nhiều người còn gọi là bánh rán Doraemon.