100 ngàn USD cho bao nhiêu phút?
Mito Hollyhock đã bỏ ra số tiền 100 nghìn USD (khoảng 2,2 tỷ đồng) để mượn Công Phượng trong 1 năm. Số tiền này tương đương với giá trị chuyển nhượng của những cầu thủ trụ cột ở Mito Hollyhock.
Giá trị chuyển nhượng cao nhất của một cầu thủ nội binh ở Mito Hollyhock là tiền vệ tấn công Funatani với mức giá chỉ 150 nghìn USD. Những nội binh khác còn lại của đội bóng này đều được định giá khá thấp.
Cũng cần phải nói thêm rằng giá trị của một cầu thủ khoác áo đội tuyển ở một quốc gia gần 100 triệu dân như Công Phượng rõ ràng phải hơn hẳn một cầu thủ ở đội bóng hạng 2 Nhật Bản chỉ vài chục nghìn CĐV biết đến.
Fanpage của Công Phượng với 1,5 triệu lượt follow đã gấp hàng trăm lần fanpage của cả CLB Mito Hollyhock (chỉ hơn 10 nghìn lượt like).
Thậm chí, sở dĩ trang quảng bá của đội bóng hạng 2 này có lượt truy cập tăng chóng mặt cũng nhờ sự kiện Công Phượng sang Nhật mà có được.
Thời điểm trước khi sang Nhật Bản, Công Phượng đã ký hợp đồng quảng cáo với một số nhãn hàng, và giá trị của các hợp đồng này cũng không thấp hơn 100 nghìn USD.
Nói cách khác, 100 nghìn USD mà Mito Hollyhock bỏ ra để Công Phượng đá 1 năm có phần khá rẻ nếu như chỉ tính riêng việc khai thác các giá trị về thương hiệu, quảng cáo và hợp tác kinh doanh giữa Việt Nam và Nhật Bản, chưa kể đến các vấn đề phi chuyên môn khác.
Tuy nhiên, giá trị thương hiệu của Công Phượng sẽ bị tụt giảm nếu như anh không thường xuyên được ra sân, không được giới truyền thông cả Việt Nam lẫn Nhật Bản nhắc đến nhiều.
Lúc đó, phía Mito Hollyhock cũng không khai thác được nhiều lợi ích về thương mại của tiền đạo người Việt Nam.
Mito Hollyhock đã rất khôn ngoan khi ém hàng Công Phượng và tung ra đúng thời điểm mọi người tranh cãi nhất.
Vì vậy, chỉ cần sử dụng Công Phượng vài phút ra sân ở những trận đấu thích hợp cũng đủ để cả Công Phượng lẫn CLB thu được những món hời từ quảng cáo.
Nhưng dùng Công Phượng như thế nào để tạo hiệu ứng quảng bá tốt nhất cũng là một nghệ thuật. Trường hợp này, đội bóng cho thấy họ Nhật Bản thực sự là chuyên gia.
Cách họ ém Công Phượng một thời gian đủ dài để rồi đến khi tất cả NHM Việt Nam bắt đầu tranh cãi và lên tiếng đòi Phượng về nước thì họ mới tung anh ra sân đúng thời điểm mà tất cả mọi người chú ý nhất để đạt được hiệu quả cao nhất về truyền thông và quảng cáo.
Thế nên, 7 phút mà Phượng xuất hiện trên sân dù chỉ cần 3 cú chạm bóng một cách vô hại, nhưng cũng phải được nghiên cứu một cách kỹ càng mà giá trị thu về từ 7 phút ấy có thể còn hơn cả 100 nghìn USD mà Mito Hollyhock đã bỏ ra để mượn anh trong 1 năm.
Và còn hơn thế nữa...
Bỏ qua yếu tố tiền bạc cũng như tính thương mại của 7 phút mà Công Phượng được tung vào sân thì rõ ràng về chuyên môn 7 phút vừa qua là cột mốc không thể quên với Công Phượng.
Phượng chỉ có 3 lần chạm bóng, và đa phần là vô hại. Nhưng điều đáng nói hơn cả, thời điểm HLV Takayuki tung Công Phượng vào sân là lúc Mito Hollyhock đang trong tình cảnh khó khăn nhất và buộc phải ghi bàn.
Điều đó sẽ giúp Công Phượng tự tin hơn rất nhiều vào bản thân mình cũng như huấn luyện viên khi tạo nên cảm giác được ông thầy tin tưởng và có tầm quan trọng trong đội bóng.
Vào sân trong những phút cuối khi đội nhà đang bị dẫn bàn cũng là cách rèn luyện về mặt tâm lý vượt qua khó khăn cực tốt với những cầu thủ trẻ như Công Phượng.
Không những thế, 7 phút thi đấu vừa qua cũng giúp Công Phượng nhiều khả năng sẽ được HLV Hữu Thắng gọi về nước tập trung cùng ĐTQG. Và nếu điều ấy xảy ra, thì giá trị của Công Phượng lại còn tăng phi mã hơn nữa.