Gần đây, tôi mới nhận ra rằng mẹ chính là tấm gương vĩ đại nhất về tính tiết kiệm mà tôi nên noi theo, chứ chẳng phải những lời khuyên của những người vốn đã giàu có hay nổi tiếng trên mạng.
Năm nay, tôi đã bước sang tuổi 28. Bằng tuổi tôi lúc này, mẹ đang chuẩn bị sinh em trai và đã có người con lớn - là tôi, hơn 3 tuổi một chút. Năm 28 tuổi, mẹ đã trở thành chỗ dựa của 2 đứa trẻ, còn tôi thì sao? Vẫn lo ngay ngáy những ngày cuối tháng vì tiền lương đã tiệm cận về 0. Nói thẳng ra chính là đến cái thân mình, tôi còn chưa tự lo nổi nữa.
Trong những lần mẹ con ngồi tâm tình, tôi có lân la hỏi về thời trẻ của mẹ, về cách mẹ đã làm để có tiền nuôi chị em tôi học xong Đại học mà vẫn có cho mình một khoản tiền dưỡng già. Lời mẹ kể dài lắm, nhưng tôi có thể tóm gọn trong 7 gạch đầu dòng dưới đây.
1. Không mua quần áo khi vẫn còn đồ để mặc, tương tự với giày dép và túi xách. Mẹ bảo đồ mặc đi làm của mẹ chủ yếu là đồ cotton, rất bền. Nếu chúng đã quá cũ để có thể mặc ra ngoài, mẹ sẽ dùng làm quần áo ở nhà, đỡ phải mua đồ ngủ. Với giày dép và túi xách cũng vậy. Mẹ tôi đã từng đi một đôi giày trong suốt 3 năm, dùng 1 chiếc túi xách trong suốt 8 năm.
2. Ăn uống theo mùa, nghĩa là mùa nào thức nấy. Mẹ bảo trái cây rau củ theo mùa vừa ngon, mà vừa rẻ. Không tội gì mà ham đồ trái mùa, vừa đắt tiền mà có còn bị phun thuốc.
3. Đi siêu thị sau 8h tối để mua đồ giảm giá hoặc nhận voucher giảm giá. Mẹ tôi bảo cơ hội tiết kiệm có ở mọi nơi, mọi lúc, bà còn đùa "nhưng chỉ có những người thực sự nghèo và muốn tiết kiệm như mẹ mới nhìn ra những cơ hội đó thôi".
4. Không bao giờ ăn ngoài. Mẹ bảo có con rồi, một mình đi ăn ở ngoài cảm giác sẽ rất áy náy với chúng tôi. Một bữa ăn như vậy có thể bằng tiền ăn 3 ngày của 3 mẹ con. Thế nên thi thoảng mẹ mới đưa chúng tôi đi ăn ở ngoài, còn bản thân mẹ, đã từng không bén mảng tới nhà hàng trong suốt hơn 5 năm.
5. Nhận thêm công việc làm tại nhà vào buổi tối. Mẹ tôi là kế toán viên, bà có thể nhận thêm việc kiểm soát, đối chiếu sổ sách của doanh nghiệp/công ty nhỏ vào buổi tối. Mẹ tôi đã duy trì công việc làm thêm tại nhà này trong suốt 16 năm, từ năm 30 cho tới khi 46 tuổi.
6. Xin quần áo cũ của họ hàng. Mẹ tôi bảo bà không thấy ngại vì mình nghèo, bà chỉ thương chúng tôi vì không được ăn mặc đẹp như con nhà người ta mà phải mặc lại đồ cũ của người khác. Trước đây, tôi cứ tưởng đứa trẻ nào cũng như mình, chỉ đến Tết mới được mua quần áo mới. Sau này mới biết hóa ra không phải vậy, là do nhà mình khó khăn mà thôi.
7. Phân chia các khoản tiền cần chi theo mức độ cấp thiết. Ban đầu, tôi không hiểu như thế nào là mức độ cấp thiết của một khoản tiền. Mẹ tôi giải thích rất đơn giản, đó là tiền học phí của chúng tôi hàng tháng, tiền may đồng phục, mua sách giáo khoa trước khi vào năm học mới,... Nếu không có những khoản tiền để chi cho những đầu mục đó, chúng tôi có thể đã bị bạn bè miệt thị, cười chê vì là con nhà nghèo rồi.
Mẹ của tôi có thể không giàu nhưng bà chưa từng để chúng tôi phải thiếu thốn bất kỳ điều gì trong cuộc sống. Mẹ bảo từ những năm 2000, mẹ tôi đã tiết kiệm được khoảng 14-15 triệu/tháng. Ở thời điểm hơn 20 năm về trước, đó hoàn toàn không phải số tiền nhỏ.
Tôi trộm nghĩ mẹ có thể đã có một cuộc sống thoải mái hơn giống như những người phụ nữ khác. Nhưng không, mẹ tôi bảo rằng có hai đứa con, việc tiết kiệm không bao giờ là thừa thãi cả. Lúc 28 tuổi, mẹ đã nghĩ tới việc sau này sẽ dựng vợ gả chồng cho chị em tôi. Chúng tôi chính là động lực để mẹ tiết kiệm.
"Tiết kiệm thực ra rất đơn giản, không cần quá nhiều bí quyết của người khác, chỉ cần tìm ra động lực để mình tiết kiệm là sẽ tự biết cách cắt giảm chi tiêu. Khi nào còn chưa tìm ra được động lực đó, bao nhiêu lời khuyên, bao nhiêu bí quyết cũng đều vào tai này, ra tai kia mà thôi" - Mẹ tôi đã nói như vậy đấy!