Trận động đất có sức tàn phá ghê gớm nhất thế giới kể từ năm 1900 đến nay
Vào ngày này 7 năm trước, một trận động đất 9 độ Richter với tâm chấn nằm cách bờ biển Nhật Bản 70km đã gây ra những đợt sóng thần làm rung chuyển đất nước mặt trời mọc.
Cường độ của cơn địa chấn được ghi nhận ở mức 7 tại tỉnh Miyagi, vốn là mức cao nhất được đề ra. Các tỉnh Đông Bắc được ghi nhận ở mức 6, trong khi thủ đô Tokyo được ghi nhận ở mức 5.
Theo Cơ quan khí tượng Nhật Bản, đây là trận động đất mạnh nhất từng xảy ra ở đất nước mặt trời mọc và là một trong năm trận động đất có sức tàn phá ghê gớm nhất thế giới kể từ năm 1900.
Nguyên nhân là do đứt gãy liên kết giữa mảng lục địa Thái Bình Dương và mảng lục địa Bắc Mỹ dẫn đến sự trượt lên nhau của hai mảng. Đáy biển bị trồi sụt đáng kể dẫn đến động đất và sóng thần.
Thủ tướng Nhật Naoto Kan đã tuyên bố, đây là khủng hoảng quốc gia khó khăn và gay go nhất mà đất nước ông phải đối mặt kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ 2.
Những đợt sóng thần làm rung chuyển đất nước mặt trời mọc
Thảm họa bắt đầu vào lúc 14h46 ngày 11/3/2011, trận động đất kéo theo những đợt sóng thần cao hàng chục mét đã tàn phá bờ biển đông bắc Nhật Bản.
Những cơn sóng cao từ 4 đến 5 mét, cá biệt ở Iwate lên đến 38,9 mét, đã quét sạch các làng mạc và thành phố ven biển. Tại nhiều nơi, sóng thần vào sâu trong đất liền tới 10 km. Chỉ trong vài phút ngắn ngủi, hàng trăm nghìn người mắc kẹt trong biển nước.
Nhưng tai họa chưa dừng lại ở đó.
Những cơn sóng cao đến 15 mét cùng với dư chấn của trận động đất đã gây tổn hại và làm ngừng hoạt động các nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1, Fukushima 2, Onagawa và Tokai. Nghiêm trọng hơn, cơ quan truyền thông ghi nhận đã có hai vụ nổ lớn tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 gây ra hiện tượng rò rỉ phóng xạ.
Mức độ phóng xạ bên ngoài nhà máy gấp 8 lần bình thường dẫn đến việc hàng trăm nghìn người đã phải sơ tán. Sự cố này khiến các nước phương Tây quan ngại về khả năng kiểm soát các nhà máy hạt nhân của Nhật Bản.
Chỉ trong vài phút ngắn ngủi, hàng trăm nghìn người mắc kẹt trong biển nước.
Ông Gunther Oettingger, Ủy viên Hội đồng Năng lượng Châu Âu, đã gọi thảm họa này là "ngày tận thế". Chính phủ nhiều nước trên thế giới khuyến nghị công dân của họ về nước để tránh những nguy cơ tiềm ẩn của cuộc khủng hoảng rò rỉ phóng xạ này.
Với sự giúp đỡ của chính phủ và các tổ chức nhân đạo trên thế giới, vào ngày 19/3/2011, chính phủ Nhật Bản thông báo kiểm soát thành công cuộc rò rỉ phóng xạ. Nhà máy Fukushima 1 dừng hoạt động hoàn toàn.
Các nhà máy chịu ảnh hưởng khác hoạt động một phần tiến tới dừng hoạt động trong tương lai gần. Các kết quả phóng xạ được ghi nhận tại Tokyo, Gunma, Chiba… đều nằm trong mức cho phép.
Hai vụ nổ nghiêm trọng tại nhà máy Fukushima 1
Thiệt hại nặng nề từ thảm hoạ kép động đất, sóng thần
Tuy nhiên, đó không phải là tất cả những gì Nhật Bản phải xử lý. Thống kê đầy đủ cho thấy, 15.893 người thiệt mạng, 6.152 người bị thương, 2.572 người mất tích và hơn 125.000 công trình nhà cửa bị phá hủy hoàn toàn.
Hệ thống đường giao thông, cầu cảng cùng hệ thống điện, nước tại 18 tỉnh Đông Bắc bị ảnh hưởng nặng nề.
Nhiều gia đình phải sống trong tình trạng không có điện và nước trong nhiều tuần liền. Nhu cầu cuộc sống thiết yếu của người dân phụ thuộc hoàn toàn vào công tác cứu trợ và các hoạt động nhân đạo.
Nhu cầu cuộc sống thiết yếu của người dân phụ thuộc hoàn toàn vào công tác cứu trợ và các hoạt động nhân đạo.
Thảm họa đã phá hủy gần 90% công trình dân sự ở các địa điểm này và khiến cho hơn 73.000 người phải sống tạm bợ trong các khu nhà cứu trợ hay phải di chuyển sang các vùng khác.
Theo thống kê của Cục dân số Nhật Bản, dân cư những khu vực ven biển trong vùng thảm họa đã giảm từ 10 đến 30%, cá biệt có nơi như Futaba và Okuma giảm hơn 70%. Những khu vực này hiện đang đang được quy hoạch xây dựng lại.
Chính phủ Nhật Bản cho biết, tổn thất ước tính do sóng thần và động đất tàn phá miền Đông Bắc có thể lên đến 309 tỉ USD. Ngân hàng Thế giới đưa ra mức thiệt hại là 235 tỉ USD. Đây là kỉ lục thế giới về thiệt hại do thiên tai gây ra.
Tinh thần và tính kỷ luật của người dân Nhật Bản
Tinh thần và tính kỉ luật của người dân Nhật Bản được phát huy cao độ trong thời gian này. Cả nước Nhật đều giang rộng vòng tay, giúp đỡ các tỉnh Đông Bắc.
Người dân trong vùng thiên tai đã thể hiện một tinh thần kiên cường và giữ cách cư xử đúng mực làm ngạc nhiên bạn bè thế giới. Một phóng viên từ Mỹ đã chia sẻ: "Đạo đức con người Nhật Bản thật đáng ngạc nhiên. Ở đây không có bất cứ một vụ cướp bóc hay bạo lực nào.
Mọi người đều xếp hàng chờ đợi đến lượt. Nhân viên phục vụ lịch sự và tử tế. Thái độ này được cho là có nguồn gốc từ sự kiên trì và nhẫn nại của người Nhật".
Mọi người xếp hàng chờ đợi đến lượt
Ở Nhật không có tình trạng "đục nước béo cò" như một số quốc gia sau thảm họa.
Dù trong gian khổ và mất mát, người dân Nhật vẫn nghiêm túc xếp hàng nhận cứu trợ theo thứ tự. Các cửa hàng của Nhật cũng giảm giá mạnh những nhu yếu phẩm cần thiết, một số nơi còn phát miễn phí.
Tại những khu cứu hộ, những người già cả hay bệnh nặng luôn được ưu tiên. Mọi người đều xếp hàng theo hàng lối, hoàn toàn không có cảnh la hét hay chen chúc ở đây.
Một số người khỏe mạnh nhường chỗ trong các khu cứu trợ của mình cho người ốm yếu hơn và chấp nhận qua đêm ở ngoài đường. Khi có lệnh di tản, người dân đều tự giác làm theo lệnh. Tình trạng hôi của hầu như không xảy ra.
Một gia đình Nhật Bản đi di tản
7 năm sau ngày xảy ra thảm hoạ
7 năm đã qua, vùng Đông Bắc Nhật Bản đã có những chuyển biến rõ rệt. Những khu đô thị tan hoang nay đã không còn vết tích.
Bến cảng, cầu đường và những khu công nghiệp mới đang được xây dựng. Tại những nơi bị tàn phá nặng nề nhất như Iwate, Miyagi hay Fukushima… những kế hoạch đang dần được triển khai.
Thảm họa đã qua được 7 năm. Nỗ lực vươn lên và công cuộc tái thiết thần kì của Nhật Bản đã làm cho thế giới phải nghiêng mình nể phục.
Tại nhiều nơi, hoa anh đào được trồng lại và sự sống đang sinh sôi. Nhìn vào những bức ảnh này không mấy người tin rằng, 7 năm trước nơi đây là một "ngày tận thế".
Những khu dân cư đang được xây dựng lại
Các khu công nghiệp đang được xây dựng lại
Hai người phụ nữ đi dưới cây anh đào vài tháng sau thảm họa
Sự sống lại tiếp tục sinh sôi