Ai cũng bảo Tết là dịp để sum họp, để trân trọng những khoảnh khắc ý nghĩa bên gia đình nhưng thú thật có mấy ai hiểu được giá trị và ý nghĩa thật sự của điều đó bằng những người vì cuộc sống mà bắt buộc phải xa nhà, xa quê.
Có thể trong những năm đầu, họ sẽ cảm thấy việc không có gia đình bên cạnh cũng khá là thoải mái đấy. Được tự do làm những gì mình thích, có không gian riêng và tự chủ mọi thứ của riêng mình.
Nhưng khi năm hết Tết đến, nhìn cảnh người người tất bật thu dọn mọi thứ để trở về nhà sẽ là lúc lòng người dù có chai sạn đến mấy cũng phải yếu mềm vì hai tiếng "gia đình" và thèm được nhìn, được cảm cái không khí tất bật của các anh chị em cùng nhau quét dọn nhà cửa, cùng mẹ đi chợ hoa, sắm sửa bánh mứt,... hay đôi khi chỉ đơn giản là nhớ cái vườn ở trước nhà với đàn gà, chậu mai đang từ từ bung cánh mà ngày thường có ước cũng không thể nào được nhìn thấy.
Và dưới đây là câu chuyện và những thước ảnh rất đỗi xinh đẹp về ngày Tết, qua góc nhìn của một chàng trai 9x nhưng đã có đến 7 năm sống xa gia đình.
Đây là Kỳ Anh, một chàng sinh viên đại học Kiến trúc vốn sinh ra và lớn lên ở miền Tây mà cụ thể hơn là ở Đồng Tháp.
7 năm trước, bằng một cách "phi thường" nào đó mà một cậu nhóc còn rất trẻ, vẫn còn phụ thuộc mọi thứ vào gia đình lại có thể một mình bước chân lên thành phố lớn đầy xa lạ để vừa học, vừa làm và tự lo cho thân mình.
Cũng giống như chú chim này, lắm lúc tớ thấy cuộc sống ở thành thị tuy có vui, có nhiều thứ để học hỏi, nhưng không hiểu sao cứ thấy thiếu thiếu và lẻ loi.
Tôi đã mất hết 1 năm đầu để hiểu được thứ cảm giác ấy là gì cho đến cái ngày tôi ngồi trên chuyến xe trở về nhà, đi ngang qua những cây cầu, con đường quen thuộc thế mà đến bây giờ mới được gặp lại...
Và khi xe vừa đến đầu ngõ, nhìn những khung cảnh quen thuộc, mộc mạc ở quê nhà, khi bên đường là những cành mai đang trổ bông vàng rực thì lòng tôi bỗng nôn nao hơn một cách lạ thường...
Đối với những người xa nhà, cảm xúc khó diễn tả thành lời nhất là khi bạn biết luôn có ít nhất một ai đó vẫn luôn ngóng trông, chờ đợi bạn trở về cùng nhau đón Tết. Họ chẳng mong quà cáp, chẳng chờ điều gì quý giá cao sang mà chỉ cần nhìn thấy hình bóng bạn từ xa là đã hạnh phúc gấp trăm nghìn lần.
Giống như bao nơi, người xứ tôi vào những ngày cận Tết cũng phải đi rước hoa, rước lá về để trong nhà cho ra không khí Tết mà chỉ khi sống xa nhà trở về, tôi mới thấy cái việc ấy ý nghĩa biết bao.
Nhưng quý hơn cả có lẽ phải là từng bữa cơm cây nhà lá vườn của gia đình tôi vào đêm 30 Tết. Cũng là bát canh khổ qua, tô cháo gà với đĩa gỏi gà xé phay cùng chút rau xào, cá kho quẹt đã lâu rồi không được nhìn thấy. Nó khiến tôi xúc động và cảm nhận rõ nhất hai chữ gia đình quý giá đến dường nào.
Tết không ở đâu xa, Tết chính ở những điều nhỏ bé, bình dị. Những điều chân phương ấy chỉ có thể là nhà.
Vị Tết theo thời gian, theo sự trưởng thành nên ngày một khác, vượt lên trên tất cả, quan trọng là ở cách nhìn, cách cảm nhận của mỗi người.
Vị Tết theo thời gian, theo sự trưởng thành nên ngày một khác, vượt lên trên tất cả, quan trọng là ở cách nhìn, cách cảm nhận của mỗi người.
Và không chỉ có thế không đâu...
Do được sinh ra và lớn lên ở miền Tây, nơi của sự mộc mạc, giản dị và nổi tiếng với nhiều loại đặc sản, cây trái. Nên với tôi, đôi lúc chỉ cần nhìn thấy những thứ rất nhỏ nhặt như nơi góc chợ, khóm hoa, túi bánh trái,... cảm giác tất cả những thứ sản vật quê nhà đều làm nên một cái Tết rất ấm cúng, thân quen.