7 “mánh lới” phổ biến của các hãng công nghệ nhằm ngăn người dùng tự sửa thiết bị

An Huy |

Lẽ dĩ nhiên, điện thoại và laptop không phải những vật dụng “bất tử”. Sẽ có ngày chúng bị hỏng hóc một bộ phận nào đó, có thể do bạn nhỡ tay làm vỡ màn hình hay pin bị chai đến mức không còn khả năng sạc.

Khi ấy, các hãng sản xuất sẽ muốn người dùng rút hầu bao ra mua một sản phẩm mới thay vì tìm cách sửa chữa một thiết bị cũ, cho dù chỉ cần sửa chữa đôi chút thì chúng vẫn có thể hoạt động một cách hoàn hảo. Một trong những cách để các nhà sản xuất ngăn không cho người dùng tự can thiệp sửa chữa thiết bị là tạo ra những thiết kế khó tháo rời, bóc tách hoặc thay thế.

Theo thời gian, các nhà sản xuất ngày càng nghĩ ra nhiều "mánh lới" nhằm ngăn người dùng tự sửa chữa các sản phẩm của họ. 

Có một số biện pháp chỉ đơn giản là một cách để nhà sản xuất tiết kiệm chi phí sản xuất, nhưng cũng có những biện pháp được thực hiện một cách "cố tình" với mục tiêu duy nhất là "cấm cửa" các công ty sửa chữa bên thứ ba. Dưới đây là một trong những cách làm phổ biến nhất, theo tổng hợp của iFixit.

Đính miếng dán "Mất bảo hành nếu bóc ra" vào thiết bị của bạn

7 “mánh lới” phổ biến của các hãng công nghệ nhằm ngăn người dùng tự sửa thiết bị  - Ảnh 1.

Đừng sợ những miếng dán như thế này nhé – về mặt pháp luật, chúng không có ý nghĩa gì đâu!

Khi bạn có ý định mở vỏ mặt sau của thiết bị điện tử mình đang sử dụng, thông thường bạn sẽ nhìn thấy những miếng dán với dòng chữ cho biết hiệu lực bảo hành của thiết bị sẽ bị mất nếu miếng dán bị bóc hay không còn nguyện vẹn. Tuy nhiên, "điều này là trái luật, nếu chiếu theo Đạo luật Bảo hành Magnuson-Moss năm 1975," dẫn lời Jeff Suovanen, kĩ sư chuyên tháo các sản phẩm tại iFixit.

Các nhà sản xuất không thể từ chối bảo hành màn hình cùa thiết bị chỉ vì bạn đã mang chúng đi thay pin. "Có rất nhiều cách các nhà sản xuất có thể làm để hạn chế người dùng tự sửa chữa thiết bị, nhưng việc từ chối bảo hành chúng là hơi quá." Mặc dù luật này từ lâu đã không còn được áp dụng, nhưng may mắn là Uỷ ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ (FTC) đang tìm cách xử lý cách làm này của các nhà sản xuất thiết bị.

Sử dụng những con ốc vít độc quyền hoặc hiếm gặp

7 “mánh lới” phổ biến của các hãng công nghệ nhằm ngăn người dùng tự sửa thiết bị  - Ảnh 2.

Đa số người dùng không sở hữu loại tua-vít để mở vít ba cạnh.

Hầu như ai cũng có một chiếc tua-vít ở nhà, thậm chí một số người đam mê/ am hiểu về công nghệ thậm chí có thể có một bộ các loại đầu tua-vít khác nhau trong hộp dụng cụ của họ. Nhưng các nhà sản xuất đang ngày một thường xuyên sử dụng các loại ốc vít khó tìm để ngăn bạn can thiệp vào bên trong sản phẩm của họ.

"Ví dụ dễ thấy nhất là trường hợp của Apple, họ sử dụng những thiết kế ốc vít hiếm gặp đến mức chúng tôi chưa bao giờ nghe đến chúng," Suovanen cho biết. "Và chúng tôi biết họ làm như vậy không phải vì lý do kĩ thuật, bởi những dòng iPhone trước hoạt động tốt với những con ốc vít Phillips – vậy mà đột nhiên mẫu iPhone 4 lại chuyển sang sử dụng ốc vít năm cạnh hình ngôi sao có tên gọi là vít pentalobe. 

Nhưng điều đáng lưu ý là họ chỉ dùng những con ốc vít này ở mặt ngoài sản phẩm – còn các ốc vít ở bên trong thì không có gì thay đổi. Bởi hầu như không có người dùng thông thường nào sở hữu những chiếc tua-vít pentablobe nên dụng ý rõ ràng của Apple là để ngăn người dùng tự sửa chữa thiết bị."

Lẽ dĩ nhiên, Apple không phải nhà sản xuất duy nhất làm điều này. Nintendo thậm chí còn làm vậy từ những năm 80 của thế kỷ XX, với một linh kiện bảo mật đặc biệt trên các thiết bị NES, và sau này là cả máy chơi game Super Nintendo. 

Những ‘chiêu trò' này gần đây mới được nhiều công ty học tập và áp dụng rộng rãi. Hiện tại, Nintento sử dụng loại ốc vít ba điểm trên các thiết bị phần cứng của họ, trong khi Amazon sử dụng vít ba cạnh đối với các sản phẩm Fire TV, còn Sony sử dụng loại ốc vít bảo mật đầu Torx trên chiếc máy chơi game PlayStation 4.

"Vít bảo mật đầu Torx là một trong những loại vít gây ra nhiều sự khó chịu nhất, bởi rất nhiều người có tua vít đầu Torx trong hộp dụng cụ của mình," Suovanen cho hay. "Nhưng các nhà sản xuất lại tiến thêm một bước nữa bằng cách bổ sung thêm một chi tiết nhằm "bảo mật" loại vít này. 

Về mặt kĩ thuật, chi tiết này chẳng có tác dụng gì, ngoài việc khiến bạn nản lòng nếu cố tìm cách tháo chúng ra." Nhiều nhà sản xuất khác không áp dụng những biện pháp "cực đoan" như vậy, song họ thường giấu ốc vít bên dưới những tấm đệm cao su hoặc các miếng bảo vệkhác.

Dùng keo dính thay cho ốc vít

7 “mánh lới” phổ biến của các hãng công nghệ nhằm ngăn người dùng tự sửa thiết bị  - Ảnh 3.

Máy tính bảng "lai" Surface 3 Pro là một trong số rất nhiều thiết bị liên kết các linh kiện với nhau bằng keo dính thay cho ốc vít.

Trong thời đại của những thiết bị công nghệ với thiết kế nguyên khối, mượt mà, không có những mối nối "nổi" giữa các linh kiện với nhau, rất nhiều nhà sản xuất đã chọn sử dụng keo dính thay cho ốc vít để ráp nối các linh kiện lại. Tất nhiên, các hãng có những lí do chính đáng để làm điều này, chẳng hạn như để giúp thiết bị có khả năng chống nước. 

Tuy nhiên, cũng có những cách làm khác thích hợp hơn, chẳng hạn như dùng ốc vít kết hợp với những miếng đệm mút hay gioăng.

Nhưng tại sao họ lại chọn keo dính? Bởi việc tháo và sửa chữa các thiết bị dính bằng keo khó khăn hơn rất nhiều so với các linh kiện truyền thống. Bạn sẽ khó lòng có thể mở một thiết bị được dính bằng keo mà không làm hỏng một vài linh kiện, và việc thay thế chúng là một việc vô cùng vất vả. 

Và với một thiết bị được thiết kế dạng nguyên khối, liền mạch, người dùng sẽ có cảm giác như thiết bị này không thể mở được và do đó, họ cũng sẽ phần nào cảm thấy nản lòng, không "nuôi" hy vọng dùng tua-vít hay búa để "hí hoáy" với sản phẩm nữa.

Hàn các linh kiện quan trọng với nhau, khiến cho việc nâng cấp hay sửa chữa trở nên "bất khả thi"

7 “mánh lới” phổ biến của các hãng công nghệ nhằm ngăn người dùng tự sửa thiết bị  - Ảnh 4.

Dell XPS 13 là một trong những chiếc máy tính xách tay có bộ nhớ RAM được hàn "chết" vào bo mạch chủ

Ngày xửa ngày xưa, đã từng có một thời bạn có thể tháo tung chiếc máy tính xách tay của mình ra, cắm một thanh RAM mới hoặc một chiếc ổ cứng có dung lượng lớn ơn, rồi thoải mái sử dụng chiếc máy tính thân yêu của mình thêm một vài năm nữa. Nhưng giờ đây, quá khứ huy hoàng ấy đã lùi xa. 

"Chúng ta buộc phải chấp nhận một sự thật rằng ngày nay, đa số các bộ xử lý (CPU) di động được hàn "chết" vào bo mạch chủ, và đó thường là tuỳ chọn duy nhất mà hãng sản xuất cung cấp cho chúng ta - và đó là lý do vì sao chúng ta thường chọn Intel," Suovanen nói.

Nhưng gần đây, ngay cả bộ nhớ RAM và các chip nhớ SSD cũng thường được hàn "chết" vào bo mạch chủ một cách không cần thiết, khiến cho việc nâng cấp thiết bị trở nên bất khả thi. 

"Chẳng có lý do gì họ lại không thể sản xuất ra một thiết bị vừa mỏng nhẹ, vừa có bộ nhớ RAM dạng module và ổ SSD tháo rời được. Chúng ta đã từng nhìn thấy điều đó ở các thiết bị như LG Gram và đặc biệt là dòng máy tính HP EliteBook, một dòng laptop rất thân thiện với việc sửa chữa.

Khi bạn nhìn thấy miếng dán với dòng chữ "không có linh kiện nào có thể tự thay thế được bởi người dùng", bạn hiểu rằng nhà sản xuất đã hàn chặt mọi thứ lại với nhau và không cho bạn cơ hội để kéo dài "tuổi thọ" thiết bị của mình thêm một vài năm nữa khi nó bắt đầu hoạt động chậm chạp dần đi.

Làm cho thiết bị khi bị tháo ra đồng nghĩa với việc bị phá huỷ hoặc hỏng luôn

7 “mánh lới” phổ biến của các hãng công nghệ nhằm ngăn người dùng tự sửa thiết bị  - Ảnh 5.

Chúc bạn may mắn với việc "lắp lại" chiếc máy này nhé!

Trong những trường hợp cực đoan nhất, nhà sản xuất sẽ thiết kế theo cách khiến cho việc tháo thiết bị (chứ chưa nói đến sửa) sẽ gây ra những hỏng hóc không thể khắc phục được đối với sản phẩm. 

"Máy tính xách tay Surface Laptop là một trong những thiết bị hiếm hoi mà iFixit chỉ chấm 0 trên 10 điểm về khả năng sửa chữa, bởi nó được thiết kế theo cách khiến cho việc mở chúng hay sửa chữa là điều không thể - ngay cả đối với các chuyên gia," Suovanen cho hay. "Nói ngắn gọn, Microsoft sử dụng công nghệ hàn siêu âm để hàn phần khung máy rồi sau đó dùng keo dính phần top case bằng vải đè lên các linh kiện. 

Không có cách nào để tháo bộ phận này ra mà không phá hỏng chiếc máy. Bạn có thể sử dụng một cuộn băng dính để dính mọi thứ lại như cũ, nhưng trông sẽ thật là nhem nhuốc và không duy trì được vẻ đẹp nguyên bản của chiếc máy nữa."

Điều này có nghĩa rằng nếu chiếc laptop của bạn bị hỏng, bạn hoàn toàn hết sạch các phương án sửa chữa – nhà sản xuất có thể sẽ cung cấp cho bạn một chiếc máy mới nếu thiết bị của bạn còn hạn bảo hành, còn nếu không, bạn buộc phải "rút hầu bao" ra cho một sản phẩm khác.

Không chịu bán các linh kiện thay thế

7 “mánh lới” phổ biến của các hãng công nghệ nhằm ngăn người dùng tự sửa thiết bị  - Ảnh 6.

Tạo ra những thiết kế "khó nhằn" không phải là cách duy nhất mà các nhà sản xuất sử dụng để ngăn người dùng tự sửa chữa thiết bị. Chẳng hạn, nhiều công ty không bán các linh kiện thay thế chính thức cho người dùng cá nhân hoặc các cửa hàng chuyên sửa chữa đồ công nghệ. 

Chúng ta đã quen với việc có thể mua các linh kiện cho xe hơi và đồ điện tử gia đình thông dụng và tự sửa chữa chúng tại nhà; nhưng không thể làm điều đó với những chiếc điện thoại thông minh hay laptop hiện đại. 

Và khi các nhà sản xuất từ chối bán những linh kiện thay thế OEM chính hãng, các cửa hàng cung cấp dịch vụ sửa chữa và người dùng buộc phải tìm đến những công ty sản xuất linh kiện bên thứ ba, vốn có thể ẩn chứa các nguy cơ gây lỗi.

"Rất khó để tìm được những linh kiện tốt khi thị trường tràn ngập hàng nhái chất lượng thấp, hoạt động không ổn định. Chẳng hạn như pin, một số loại pin của bên thứ ba có thể gây nguy hiểm cho người sử dụng. Các loại pin giá rẻ có thể phá hủy thiết bị của bạn hoặc thậm chí là làm cháy nhà bạn."

Ngay cả khi bạn tìm được linh kiện chính hãng (OEM) để thay thế, một số nhà sản xuất thậm chí còn giới hạn không cho phép bạn sử dụng đầy đủ các tính năng của linh kiện đó. "Nếu bạn thay thế màn hình iPhone – ngay cả khi sử dụng màn hình chính hãng của một chiếc iPhone khác giống y hệt chiếc điện thoại của bạn – thì một số tính năng cụ thể như TrueTone sẽ không hoạt động đúng," Suovanen cho biết. 

Điều này buộc người dùng phải tới thẳng nhà sản xuất để sửa chữa, bất kể mức giá sửa chữa chính hãng có "chát" như thế nào.

Nói rằng thiết bị của khách hàng không thể sửa được hoặc đưa ra mức giá sửa chữa quá cao

7 “mánh lới” phổ biến của các hãng công nghệ nhằm ngăn người dùng tự sửa thiết bị  - Ảnh 7.

Dữ liệu trên chiếc iPhone của bạn thực tế có thể khôi phục được, nhưng Apple vẫn không chịu giúp bạn

Cuối cùng, trong một số trường hợp, nhà sản xuất sẽ nói với người dùng rằng thiết bị của họ không thể sửa được, ngay cả khi các cửa hàng bên thứ ba hoàn toàn có thể làm được điều đó. 

"Nhiều người dùng tới quầy Genius (chăm sóc và dịch vụ khách hàng) ở Apple Store, mang theo thiết bị gặp phải những lỗi rất phổ biến mà cộng đồng và các công ty chuyên sửa chữa thiết bị của bên thứ ba như iFixit hoàn toàn có thể làm được. Nhưng Apple lại nói là không," Suovanen cho hay. 

Chẳng hạn, Apple sẽ không giúp người dùng khôi phục dữ liệu từ một chiếc iPhone đã bị vào nước, và họ cũng không cung cấp cho người dùng địa chỉ của bên thứ ba có thể làm được điều này. Trong một số trường hợp khác, nhà sản xuất sẽ đưa ra mức giá "trên trời" mà đa số người dùng chỉ biết nản lòng và thà mua một chiếc máy mới còn hơn!

Quyền được sửa chữa thiết bị là một trong những quyền cơ bản của người dùng. Khi bạn có thể sửa chữa một vài linh kiện nhỏ mà không cần phải hoàn toàn thay thế chúng, thiết bị của bạn sẽ hoạt động được lâu hơn, góp phần giảm thiểu lượng rác thải điện tử và tiết kiệm được một khoản tiền không nhỏ. 

Các nhà sản xuất thì luôn muốn chúng ta phải mua sản phẩm mới, nhưng chúng ta có thể làm được nhiều hơn thế. Một số nhà lập pháp ở các bang của Mỹ như California và Oregon đã và đang thảo luận để luật hoá các điều khoản của quyền được sửa chữa thiết bị, và nhận được sự hưởng ứng lớn của cộng đồng người dùng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại