LTS: Nhân ngày ung thư thế giới (4/2), chúng tôi xin giới thiệu bài viết của TS.BS Phạm Thị Việt Hương hiện đang công tác tại Khoa Nhi, Bệnh viện K Trung ương. BS Việt Hương là người tâm huyết với nghề, với người bệnh và luôn mong muốn đem những kiến thức bổ ích về phòng chống và điều trị các căn bệnh ung thư đến cho cộng đồng.
Ngày ung thư thế giới là một sự kiện toàn cầu được tổ chức vào ngày 4 tháng 2 nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về căn bệnh ung thư, cách phòng chống, phát hiện và điều trị bệnh.
Ngày ung thư thế giới được Hiệp hội Phòng chống Ung thư Quốc tế (UICC) và Tổ chức Y tế Thế giới đề xuất làm ngày lễ quốc tế để hỗ trợ các mục tiêu của Tuyên bố Ung thư Thế giới năm 2008. Mục tiêu chính của ngày Ung thư Thế giới là làm giảm đáng kể số người tử vong và mắc các căn bệnh ung thư tới năm 2020.
Hiệp hội Phòng chống Ung thư Quốc tế điều hành tổ chức Ngày Ung thư thế giới, với sự tham gia của khoảng 300 tổ chức tại 86 quốc gia. Cho đến nay, trọng tâm của Ngày này là công tác phòng chống và kiểm soát bệnh ung thư ở trẻ em.
Theo thống kê tại Việt Nam, số trường hợp mắc mới ung thư tăng nhanh từ 68.000 ca năm 2000 lên 126.000 năm 2010 và dự kiến sẽ vượt qua 190.000 ca vào 2020. Thống kê cũng chỉ rõ hiện mỗi năm có hơn 70.000 người chết vì ung thư, tương ứng 205 người/ngày.
Trên thực tế, theo công bố của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 50 nước đứng đầu về tỷ lệ người chết vì ung thư và mắc bệnh ung thư được xếp vào top 1.
Việt Nam nằm trong 50 nước thuộc top 2 của bản đồ ung thư. Cụ thể, Việt Nam đang xếp ở vị trí 78/172 quốc gia, vùng lãnh thổ với tỷ lệ tử vong vì ung thư là 110/100.000 người, tương đương với các nước như: Phần Lan, Somalia, Turmenistan.
Không phải loại ung thư nào cũng gây chết người. Phần lớn ung thư có thể điều trị khỏi nếu phát hiện sớm, điều trị bài bản, kịp thời.
Một số bác sĩ đã bắt đầu tự tin sử dụng cụm từ "chữa khỏi" khi điều trị một số căn bệnh ung thư. Mặc dù không có gì bảo đảm về sự phục hồi sau khi bị ung thư, song giới khoa học đã tìm ra những phương pháp điều trị thành công cho một số loại bệnh.
Để xác định khả năng sống sót của từng bệnh ung thư, các bác sĩ thường đưa ra tỷ lệ sống thêm 5 năm. Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, con số sống trên 5 năm đã đủ đánh giá mức độ thành công của một phác đồ điều trị gần như 100%.
Dưới đây là 7 loại ung thư dễ chữa khỏi nhất với tỷ lệ sống thêm 5 năm cao.
1. Ung thư cổ tử cung: Tỷ lệ sống thêm 5 năm: Khoảng 100%
Được đánh giá là một trong những bệnh ung thư dễ điều trị nhất, ung thư cổ tử cung được chữa trị kịp thời nhờ những phương pháp phát hiện bệnh hiệu quả.
Xét nghiệm Pap nhanh sẽ phát hiện sự hiện diện của các tế bào bất thường ở cổ tử cung thậm chí trước khi chúng trở thành ung thư.
Một lí do nữa là các tế bào ung thư xuất hiện ở cổ tử cung thường phát triển với tốc độ rất chậm. Do đó, bệnh nhân thường được chẩn đoán ở giai đoạn tiền ung thư. Vì vậy, các bác sĩ kịp xử lý trước khi tế báo ác tính phát triển và lan rộng.
Ở Việt Nam, vì văn hóa kín đáo, sợ bác sĩ khám vùng kín của mình nên nhiều chị em mặc dù có triệu chứng nhưng đã không đi khám sớm, để khi bệnh giai đoạn muộn thì cơ hội sống sót đã giảm đi rất nhiều.
2. Ung thư vú (giai đoạn sớm 0 và 1): Tỷ lệ sống thêm 5 năm: 100%
Ở giai đoạn 0, ung thư vú được phần thành 2 loại:
- Ung thư biểu mô ống tuyến tại chỗ (DCIS), xảy ra khi các tế bào phát triển trong ống dẫn sữa.
- Ung thư biểu mô tiểu thùy tại chỗ (LCIS), xảy ra khi các tế bào bất thường phát triển ở các tiểu thùy.
Ở giai đoạn 1, khi bị chẩn đoán mắc ung thư vú, nếu khối u nhỏ hơn kích thước hạt lạc (2 cm hoặc nhỏ hơn), cơ hội điều trị và khả năng sống tốt sau điều trị của bệnh nhân là rất cao.
Theo Quỹ Ung thư vú quốc gia (Mỹ), tỷ lệ sống thêm tương tự như giai đoạn 0 là 100%.
Ung thư vú giai đoạn 3, 4 vẫn còn có cơ hội khỏi bệnh, sống thêm lâu dài khá cao nếu được điều trị bài bản.
3. Ung thư tinh hoàn: Tỷ lệ sống thêm 5 năm: 95,3%
Ở giai đoạn đầu khi khối u chưa di căn đến các bộ phận khác, các bác sĩ có thể chữa khỏi bệnh ung thư này bằng phẫu thuật cắt bỏ 1 hoặc cả 2 tinh hoàn có khối u.
Bếu bệnh nhân sẽ phải cắt một tinh hoàn, tinh hoàn còn lại vẫn đủ khả năng sản xuất đủ hoóc môn để có thể quan hệ tình dục và sinh sản.
Phẫu thuật và kết hợp xạ trị hay hóa trị sẽ có hiệu quả trong việc loại bỏ các tế bào ung thư.
Theo bệnh viện Cleveland, nhiều trường hợp bệnh nhân mắc ung thư tinh hoàn vẫn hồi phục đến 98% nếu được phát hiện sớm.
4. Ung thư tiền liệt tuyến: Tỷ lệ sống thêm 5 năm: Khoảng 100%
Nhiều khối u tiền liệt tuyến phát triển chậm hoặc không ảnh hưởng lớn đến mức cần điều trị. Các bệnh nhân ung thư này vẫn có cuộc sống bình thường.
Thế nhưng tỷ lệ tử vong vì ung thư tiền liệt tuyến xuất phát từ những lí do khác nhiều hơn là do bệnh ung thư.
Có hai cách chính để sàng lọc ung thư tiền liệt tuyến. Đó là thăm trực tràng hoặc xét nghiệm định lượng PSA trong máu.
5. Ung thư da
Tỷ lệ sống thêm 5 năm: 91,5%
Ung thư da được xem là có tỷ lệ sống thêm cao vì thường rất dễ phát hiện khi bệnh vẫn còn trong giai đoạn sớm. Dấu hiệu cảnh báo bệnh là một vệt lớn, sẫm màu, có hình dạng không đều, hoặc nổi gồ lên trên mặt da.
Nếu không điều trị sớm, ung thư da có nhiều khả năng lây lan sang các bộ phận khác của cơ thể. Khi đó, việc điều trị sẽ rất khó khăn. Khả năng sống trên 5 năm chỉ còn 15-20% hoặc gây tử vong.
Hãy quan tâm tới những biểu hiện bất thường trên da như kích thước, màu sắc, hình dáng bất thường ở da và sự gia tăng của các nốt ruồi. Đặc biệt bạn cần kiểm tra ở lưng, da đầu, bìu và ở các kẽ chân.
6. Ung thư tuyến giáp: Tỷ lệ sống thêm 5 năm: Gần 100%
Ung thư tuyến giáp phổ biến nhất là thể nhú, phát triển chậm. Thậm chí, ngay cả khi khối u lớn và bắt đầu phát triển sang các mô lân cận thì bác sĩ vẫn có thể điều trị, thậm chí có thể chữa khỏi bệnh bằng việc cắt bỏ tuyến giáp.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân phải dùng thuốc thay thế hormone tuyến giáp trong suốt cuộc đời còn lại.
7. Ung thư hạch (U lympho Hodgkin): Tỷ lệ sống thêm 5 năm: Khoảng 95%
Thông thường, một số dạng u lympho không đáp ứng tốt với điều trị, nhưng loại u lympho Hodgkin, đặc trưng bởi các tế bào Reed-Sternberg lại khá dễ chữa trị.
Bệnh nhân ung thư hạch có chẩn đoán giai đoạn sớm có thể được chữa khỏi khoảng 90 - 95%, vì bệnh đáp ứng tốt với phác đồ hóa trị và xạ trị.
Tuy nhiên, những người được chẩn đoán ở giai đoạn sau vẫn có một cơ hội phục hồi tốt. Bệnh nhân vẫn còn sống 15 năm sau khi điều trị nhiều khả năng sau này sẽ chết vì nguyên nhân khác hơn là bệnh Hodgkin.
Ung thư ở trẻ em có cơ hội khỏi bệnh cao hơn ở người lớn. Điều trước tiên cần khẳng định là tỷ lệ sống thêm trong việc chữa trị ung thư trẻ em là rất cao, trung bình trên 70 %, có những bệnh có tỉ lệ sống thêm tới 95 %.
Cụ thể là đối với các bệnh như Bạch cầu lym phô cấp: 83,1%, Bệnh Hodgkin: 95.1%; U hệ thống thần kinh trung ương 65,4%; U nguyên bào võng mạc: 95.3, U nguyên bào thận: 83.6%;
Các khối u tế bào mầm sinh dục ở trẻ trai là 98,9% và ở trẻ gái là 90,2%... Như vậy có thể nói việc chữa trị ung thư trẻ em có kết quả sống thêm rất khả quan.
Hiện nay ở Việt Nam, chúng ta đang cố gắng bắt kịp với các nước phát triển trên thế giới, nhưng một trong những nguyên nhân khiến kết quả điều trị còn hạn chế phải kể đến việc bệnh nhân đến bệnh viện quá muộn, trong tình trạng sức khỏe đã quá yếu, không tham gia vào điều trị triệt để được, bỏ dở điều trị vì nhiều lý do, áp dụng các phương pháp điều trị không đúng, phản khoa học.
Vì vậy chúng ta phải thay đổi nhận thức ngay hôm nay: Ung thư không phải là vô phương cứu chữa.