Căng thẳng bất thường
Hồi cuối tháng 6, chiến đấu cơ của Trung Quốc đã 7 lần tiến vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan, không quân Đài Loan sau đó đã điều các máy bay ra để ngăn chặn.
Trong khi số lần xâm nhập của Trung Quốc vào Đài Loan trong năm nay vẫn tương đương so với các năm trước đó, những căng thẳng diễn ra trong vài tuần qua lại khá là bất thường và có nguy cơ leo thang nếu còn tiếp diễn.
Sự xuất hiện của các chiến đấu cơ một lần nữa phủ bóng đen nguy cơ chiến tranh đối với Đài Loan khi Trung Quốc vẫn duy trì quan điểm cứng rắn về việc có thể sử dụng sức mạnh quân sự để bảo vệ chủ quyền nếu cần thiết.
Trung Quốc vẫn luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời và phải quay trở lại dưới sự kiểm soát của Bắc Kinh. Đã một thời gian Trung Quốc sử dụng các ưu đãi về kinh tế như "củ cà rốt" nhằm đạt được mục tiêu trên, nhưng sau đó đã xóa bỏ mọi quan hệ với Đài Loan sau cuộc bầu cử vào năm 2016 với chiến thắng của bà Thái Anh Văn.
Việc bà Thái Anh Văn tái đắc cử với thế áp đảo vào tháng 1 vừ aqua cho thấy thực tế 2 bên sẽ khó có thể xích lại gần nhau trong tương lai. Cùng với đó, Đài Loan đang tương cường hợp tác kinh tế với Mỹ.
"Việc bà Thái Anh Văn tiếp tục nắm quyền có thể sẽ củng cố quan điểm của Bắc Kinh rằng việc đưa hòn đảo này trở lại với Trung Quốc bằng các biện pháp hoà bình đã không còn thực tế", Michael Mazza, chuyên gia tại Viện Doanh nghiệp Mỹ có trụ sở ở Washington, nói. "Có thể một cuộc khủng hoảng mới trên eo biển Đài Loan sẽ xảy ra trước khi thập kỉ này kết thúc".
Một trong những lần xâm nhập của phía Trung Quốc diễn ra chỉ vài giờ sau khi một máy bay quân sự của Mỹ bay qua hòn đảo vào ngày 9/6. Đến nay, đã có 17 tàu chiến của Trung Quốc hoạt động quanh hoặc di chuyển gần Đài Loan, trong khi con số này vào năm 2019 là 29.
"Chúng ta sẽ tuân thủ những nguyên tắc và chính sách chính liên quan đến Đài Loan, cũng như kiên quyết phản đối bất cứ hành vi nào muốn thúc đẩy một Đài Loan độc lập", Thủ tướng Lý Khắc Cường phát biểu tại cuộc họp Lưỡng viện Trung Quốc vào tháng trước.
Đài Loan: yếu tố cốt lõi trong quan hệ Mỹ - Trung
Vào lúc này, tuy nhiên, rủi ro đó là rất thấp. Qiao Liang, một chiến lược gia quân sự theo quan điểm cứng rắn, nói với tờ South China Morning Post vào tháng trước việc tấn công Đài Loan sẽ là thảm hoạ đối với Trung Quốc: Kể cả khi Mỹ không can thiệp, điều này sẽ dẫn tới các lệnh trừng phạt, qua đó gây tác động tiêu cực tới nền kinh tế, cũng như các kế hoạch phát triển lâu dài của Trung Quốc.
"Vấn đề Đài Loan thực chất là một yếu tố cốt lõi trong mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, kể cả khi chúng ta luôn coi đó là vấn đề nội bộ của Trung Quốc", Qiao Liang nói. "Nói cách khác, vấn đề này không thể được giải quyết triệt để trừ khi sự đối đầu giữa Bắc Kinh và Washington được xoá bỏ".
Trả lời câu hỏi tại cuộc họp báo vào thứ tư về hoạt động của Mỹ quanh Đài Loan, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã gọi Đài Loan là "một phần không thể tách rời của Trung Quốc". Đồng thời cho biết quân đội Trung Quốc có đủ năng lực và lòng tin để đảm bảo sự toàn vẹn lãnh thổ và duy trì hòa bình, ổn định trên eo biển Đài Loan.
Trong khi Mỹ vẫn công nhận chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc đối với Đài Loan, nước này vẫn phản đối mọi hành vi sử dụng vũ lực của Trung Quốc đối với Đài Loan. Dẫu cho việc Mỹ đã hủy Hiệp ước phòng thủ chung với Đài Loan khi công nhận chính quyền Bắc Kinh, vẫn có khả năng cao quân đội Mỹ sẽ can thiệt khi xung đột xảy ra.
Tổng thống Donald Trump đã có động thái đẩy mạnh quan hệ với Đài Loan bằng việc sau hơn 3 thập kỉ đã phê chuẩn bán máy bay chiến đấu cho Đài Loan, đồng thời thúc đẩy việc đưa Đài Loan tham dự Hội đồng Y tế thế giới trong năm nay sau thành công của hòn đảo trong việc kiểm soát Covid-19, dù sau đó nỗ lực này đã không thành công.
Tuy nhiên, cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton đã đặt dấu hỏi về những cam kết của ông Trump trong cuốn hồi ký gần đây. Những áp lực từ giới đầu tư tại Phố Wall và từ lãnh đạo Trung Quốc đang khiến ông Trump khó có thể toàn tâm ủng hộ Đài Loan, trong đó có sự lưỡng lự về việc liệu Mỹ có nên bán các hệ thống vũ khí nâng cấp cho Đài Loan hay không.
"Khi Trump từ bỏ người Kurds ở Syria, đã có những đồn đoán rằng ai sẽ là đối tượng bị bỏ lại tiếp theo", Bolton viết. "Đài Loan đã ở ngay gần đầu danh sách này, và có thể sẽ tiếp tục ở vị đó cho đến khi nào ông Trump còn tại vị, một triển vọng không mấy vui vẻ".
Ngành công nghệ Đài Loan, đặc biệt là công ty sản xuất chip lớn nhất thế giới Taiwan Semiconductor Manufacturing (TSMC), là yếu tố quan trọng để Mỹ có thể tìm nguồn cung thay thế cho các công ty Trung Quốc, ví như Huawei, trong lĩnh vực 5G và ô tô tự lái.
Mỹ đã yêu cầu TSMC, gần đây công bố kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất chip trị giá 12 tỷ USD ở Arizona, cắt quan hệ đối tác với Huawei với cáo buộc công ty này có mối quan hệ không minh bạch với chính quyền Trung Quốc, Kung Ming-hsin, Bộ trưởng Hội đồng Phát triển quốc gia Đài Loan, nói.
Đài Loan dưới thời bà Thái Anh Văn đã thúc đẩy các nỗ lực nhằm giảm sự phụ thuộc vào kinh tế đối với Trung Quốc, xu hướng sẽ càng được đẩy mạnh sau khi dịch Covid-19 bùng phát. Trong 5 tháng đầu năm, Trung Quốc và Hong Kong chiếm 41,5% xuất khẩu của Đài Loan so với chỉ 14,5% tới Mỹ.
"Khi các cấu phần của chuỗi sản xuất quay trở về Đài Loan, điều này có thể sẽ giúp tạo dựng chuỗi cung ứng mà không dính dáng tới Trung Quốc", Kung nói. "Trong giai đoạn này chúng tôi đang xem xét đưa việc sản xuất sản phẩm công nghệ cao cũng như những sản phẩm có nguy cơ an ninh mạng cao quay trở lại Đài Loan".
Bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, một vấn đề quan trọng khác đối với an ninh của Đài Loan là năng lực của quân đội Mỹ, Mazza từ Viện Doanh nghiệp Mỹ nói.
"Việc bảo vệ Đài Loan sẽ ngày càng trở thành một thách thức khi quân đội Trung Quốc đang ngày càng đẩy mạnh việc hiện đại hoá và nâng cao năng lực. Nhưng dù không đưa ra một cam kết rõ ràng về bảo vệ Đài Loan, Mỹ có thể đưa ra những hành động cụ thể hóa cam kết đó bằng việc thực thi những hành động cần thiết để đảm bảo Mỹ có thể bảo vệ thành công Đài Loan".