Lời tuyên bố sẽ xây dựng lại nhà thờ Đức Bà Paris sau vụ hỏa hoạn chỉ trong vòng 5 năm của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho thấy, dù có bị phá hủy bởi thiên tai (động đất, hỏa hoạn) hay địch họa (chiến tranh, tấn công khủng bố) thì những công trình kiến trúc nổi tiếng sẽ vẫn có thể khôi phục lại nhanh chóng.
Dưới đây là một số công trình kiến trúc ấn tượng nhất từng được xây dựng lại trong lịch sử cận đại.
1. Nhà Trắng
Tòa Nhà Trắng mà chúng ta biết ngày nay không phải hình mẫu nguyên gốc. Nhà Trắng, ban đầu được gọi là Dinh Tổng thống, đã bị thiêu rụi vào năm 1814.
Một bức tranh vẽ cảnh Dinh Tổng thống đang cháy và Nhà Trắng vào cuối những năm 1800. Ảnh: Getty
3 tổng thống đầu tiên của Mỹ - George Washington, John Adams và Thomas Jefferson - đã không sống trong Nhà Trắng. Thay vào đó, họ sống trong Dinh Tổng thống. Đó là ngôi nhà lớn nhất nước Mỹ vào thời điểm đó. Khi ông James Madison nhậm chức Tổng thống, nước Mỹ đã tham gia Cuộc chiến năm 1812 với Vương quốc Anh.
Trong thời gian chiến tranh, quân đội Anh đã xâm chiếm Washington DC và đốt cháy một số tòa nhà, bao gồm cả Dinh Tổng thống, vào năm 1814 .
Trong ba năm sau đó, kiến trúc sư James Hoban đã chịu trách nhiệm xây dựng lại tòa nhà này. Năm 1817, Tổng thống James Monroe chuyển đến Nhà Trắng mới, nhưng phải mất nhiều năm sau nó mới được chính thức hoàn thành. Kể từ đó, Nhà Trắng đã liên tục được tu sửa nhiều lần.
2. Sàn giao dịch Hoàng gia ở London, Anh
Sàn giao dịch Hoàng gia (Royal Exchange) ở London, Anh đã bị phá hủy và xây dựng lại hai lần.
Sàn giao dịch Hoàng gia vào những năm 1700 và ngày nay. Ảnh: Getty Sàn giao dịch Hoàng gia khai trương lần đầu tiên vào năm 1571 và hoạt động như một trạm giao dịch thương mại ở London. Nó đã bị phá hủy bởi trận đại hỏa hoạn năm 1666, nhưng được xây dựng lại chỉ vài năm sau đó. |
Tiếp đến năm 1838, nơi đây lại bị phá hủy do xảy ra một trận hỏa hoạn nữa. Năm 1844, Nữ hoàng Anh Victoria đã cho khai trương Sàn giao dịch Hoàng gia thứ ba, được xây dựng lại gần giống với thiết kế từ thế kỷ 16, bao gồm một sân trong, ảnh hưởng của kiến trúc La Mã và nghệ thuật Phục hưng Ý.
Ngày nay, sàn giao dịch Hoàng gia có hơn 30 cửa hàng bán lẻ xa xỉ.
3. Khách sạn Fairmont
Khách sạn Fairmont ở San Francisco, Mỹ đã từng bị tàn phá bởi hỏa hoạn sau trận động đất nổi tiếng năm 1906, nhưng chỉ được xây dựng lại một năm sau đó.
Khách sạn Fairmont sau trận động đất và Khách sạn Fairmont đã được tu sửa lại vài thập kỷ sau đó. Ảnh: George Rinhart / Getty & Paul Sakuma / AP |
Năm 1906, San Francisco đã trải qua một trong những trận động đất tồi tệ nhất được ghi nhận, khiến 3.000 người thiệt mạng và phá hủy 28.000 tòa nhà. Điều đáng ngạc nhiên là khách sạn Fairmont tuy nằm trên đỉnh đồi Nob, nhưng lại vẫn đứng vững dù bị hư hỏng nặng do hỏa hoạn gây ra.Tuy nhiên, người ta đã chỉ mất một năm để xây dựng lại và tu sửa lại khách sạn nổi tiếng này. Vào đêm khai trương năm 1907, một bữa tiệc khổng lồ ăn mừng khách sạn khai trương lại đã được diễn ra vô cùng xa hoa. |
4. Nhà thờ St. Paul ở London
Nhà thờ St. Paul ở London đã bị phá hủy vài lần trong suốt lịch sử tồn tại, nhưng đáng chú ý nhất là lần được xây dựng lại sau sự tàn phá của Phát Xít Đức vào London năm 1940.
Nhà thờ St Paul sau khi bị không kích và ngày nay. Ảnh: AP |
Nhà thờ St. Paul đã phải được xây dựng lại nhiều lần do hỏa hoạn, các cuộc tấn công của người Viking và các cuộc nội chiến. Kiến trúc sư nổi tiếng Christopher Wren đã sửa chữa lại nhà thờ và hoàn thành kiệt tác của mình vào năm 1710, khiến nó trở thành một trong những tòa nhà dễ nhận biết nhất ở London cho đến ngày nay. |
Nhà thờ này bị tấn công một lần nữa vào năm 1940 trong đợt không kích London vào Thế chiến II. Khi người Đức thả bom xuống thành phố, các tình nguyện viên đã cố gắng bảo vệ nhà thờ.
Vào thời điểm đó, Thủ tướng Winston Churchill cho biết nhà thờ "phải được cứu bằng mọi giá". Chỉ chịu thiệt hại nhỏ, St. Paul đã trở thành một biểu tượng cho sự kiên cường của người dân Anh trong thời chiến. Năm 1945, nhà thờ được sửa chữa đã thắp sáng để chào mừng sự kết thúc của Thế chiến II.
5. Thủ đô Warsaw, Ba Lan
Warsaw cũng bị tàn phá bởi các vụ đánh bom trong Thế chiến II, và phần lớn thành phố phải xây dựng lại từ đống tro tàn.
Các đường phố Warsaw sau Thế chiến II và các đường phố được xây dựng lại của Warsaw ngày nay. Ảnh: Getty |
Sau Thế chiến II, Warsaw gần như bị phá hủy hoàn toàn: 85% trung tâm lịch sử của thành phố bị hủy hoại. Cư dân Warsaw ngay lập tức phải xây dựng lại thành phố của họ bằng cách sử dụng những bức tranh nổi tiếng của Warsaw từng chụp trước đó. Họ thậm chí đã sử dụng cả những vật liệu còn sót lại từ đống đổ nát vào việc tái kiến thiết thành phố. |
Đến năm 1955, hầu hết khu Phố cổ của Warsaw đã được xây dựng lại và công việc này còn kéo dài đến tận thập niên 80. Ngày nay, Warsaw là một trong những thành phố thịnh vượng của châu Âu mà người ta cho rằng có thể nhờ vào những dấu ấn từ quá khứ của nó.
6. Nhà hát opera Barcelona
Nhà hát opera nổi tiếng của Barcelona, Gran Teatre del Liceu, đã bị thiêu rụi vào năm 1994, nhưng một bản sao chính xác của nó đã được xây dựng và cho mở cửa trở lại vào năm 1999.
Kiến trúc bên trong của Gran Teatre del Liceu Barcelona sau vụ cháy và ngày nay. Ảnh: Getty |
Gran Teatre del Liceu đã trở thành một biểu tượng văn hóa và xã hội ở Barcelona trong hơn 150 năm, nơi trình diễn những vở opera nổi tiếng nhất. Khi bị thiêu rụi vào năm 1994, nó đã khiến người dân Tây Ban Nha vô cùng đau đớn. Tuy nhiên, chỉ sau 5 năm và 95 triệu USD, nhà hát opera này được xây dựng lại chính xác như bản gốc. |
7. Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York, Mỹ
Trung tâm Thương mại Thế giới tại Thành phố New York được xây dựng để thay thế Tòa tháp đôi bị phá hủy sau cuộc tấn công khủng bố năm 2001.
Đá vụn sau vụ khủng bố 11/9 và Trung tâm Thương mại Một Thế giới mới. Ảnh: Porter Gifford & Gary Hershorn / Getty |
Vào sáng ngày 11/9/2001, hai chiếc máy bay đã đâm vào Tháp đôi ở Manhattan trong cuộc tấn công khủng bố tàn khốc khiến 2.753 người thiệt mạng. Cả hai tòa nhà đã bị phá hủy hoàn toàn. |
Sau nhiều năm lên kế hoạch và thiết kế, thành phố New York bắt đầu xây dựng một tòa tháp mới vào năm 2006. Nó chính thức khai trương vào năm 2014 khi người thuê đầu tiên chuyển vào tòa nhà. Tòa nhà chọc trời, mà một số người gọi là Tháp Tự do, cao 541,32 m, là tòa nhà cao nhất ở bán cầu tây và thứ ba trên thế giới.