Nghiên cứu cho thấy, hầu hết các nhà tuyển dụng chỉ dành khoảng 7 giây để lướt qua mỗi chiếc CV của ứng viên.
Vậy trong bối cảnh thị trường lao động vô cùng biến động do ảnh hưởng của dịch Covid-19 như hiện nay, làm thế nào để "đánh bóng" CV bản thân thật ấn tượng, đảm bảo sẽ "sống sót" qua vòng sàng lọc đầy khốc liệt đó?
Tham khảo ngay bài viết dưới đây về những lưu ý khi viết CV để chắc chắn ghi điểm với nhà tuyển dụng.
Đánh bại hệ thống lọc hồ sơ tự động
ATS (Applicant Tracking Systems – hệ thống sàng lọc ứng viên) đang dần được sử dụng rộng rãi, đặc biệt ở các công ty, doanh nghiệp tầm cỡ - nơi luôn có lượng CV ứng tuyển khổng lồ.
Hiểu đơn giản, nhà tuyển dụng dùng công cụ ATS để sàng lọc CV bằng cách tìm các từ khóa phù hợp, có liên quan đến bản mô tả công việc.
Điều này đồng nghĩa với việc khi nộp đơn vào bất kỳ vị trí nào, cần chú ý kỹ tới từ ngữ xuất hiện trong phần yêu cầu công việc.
Hãy đảm bảo liệt kê được các kỹ năng và kinh nghiệm làm việc chứa những từ khóa nổi bật vào CV của mình. Chỉ có vậy, bạn mới chắc chắn "sống sót" qua vòng sàng lọc hồ sơ.
Những CV được trình bày mới lạ, không theo quy tắc có thể thu hút sự chú ý trực tiếp nhưng thật không may, hầu hết các công ty lớn đều đã và đang tận dụng ATS nên điều này có thể phản tác dụng với ứng viên.
Làm nổi bật các kỹ năng thiết yếu
Nhiệm vụ chính của CV là tóm tắt các kỹ năng và kinh nghiệm làm việc cá nhân để chứng tỏ mình là ứng viên sáng giá nhất cho vị trí còn trống.
Chính vì vậy, hãy tập trung làm nổi bật các điểm mạnh của bản thân để nhà tuyển dụng cảm thấy bạn đủ năng lực đáp ứng được yêu cầu công việc mà họ đặt ra.
Phần đầu của CV nên là phần chia sẻ mục tiêu nghề nghiệp và dự định sẽ làm gì để hoàn thành tốt vai trò nếu trúng tuyển.
Mặt khác, những mục phía dưới lại nên nhấn mạnh vào giới thiệu bản thân và thành tựu đạt được để chứng minh trình độ của mình.
Tập trung vào trình độ học vấn
Đặc biệt với những người chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc trong các vị trí tương tự, liệt kê các chứng chỉ, bằng cấp, kỹ năng có liên quan đến yêu cầu công việc sẽ lấp đầy "khoảng trống" kinh nghiệm của bạn.
Những kỹ năng như giao tiếp, quản lý thời gian, quản lý dự án, làm việc nhóm, v.v luôn đóng vai trò quan trọng trong bất kỳ lĩnh vực nào.
Ngoài ra, nếu những vị trí bạn từng đảm nhiệm chủ yếu diễn ra trong môi trường học thuật, hãy liệt kê các chức danh cụ thể như trưởng nhóm chiến lược, đối tác nghiên cứu… tại một mục riêng biệt là "Kinh nghiệm liên quan".
Trích dẫn số liệu cụ thể
Trích dẫn số liệu cụ thể vào CV không chỉ thể hiện chiều sâu của thành tích mà còn nâng cao mức độ tin cậy trong mắt nhà tuyển dụng.
Bởi lẽ khó ai có thể phản bác lại những con số nên ngay cả nhà tuyển dụng khó tính nhất cũng sẽ hình dung được phần nào thành công và con người bạn.
Chính vì vậy, hãy thường xuyên cập nhật các dữ liệu liên quan đến những nhiệm vụ, dự án từng tham gia để tiết kiệm thời gian mỗi khi chuẩn bị ứng tuyển.
Tận dụng thư ứng tuyển
Thư ứng tuyển (cover letter) luôn được đính kèm với CV, là nơi bạn có thể thoải mái trình bày những điểm mạnh cá nhân.
Đặt mình vào vị trí nhà tuyển dụng, hãy bắt đầu từ việc gọi đúng chức danh của họ để thể hiện sự chuyên nghiệp của bản thân.
Đừng quên truy cập website chính thức của công ty và nghiên cứu kỹ sứ mệnh để có cái nhìn rõ hơn về nhu cầu, giá trị cũng như lợi ích chung của công ty.
Hi vọng rằng đến đây, bạn đọc đã có cho mình sự chuẩn bị tốt nhất để viết CV có sức nặng, gây ấn tượng mạnh với nhà tuyển dụng.