Vạn vật xung quanh ta luôn luôn biến đổi - điều này là chân lý.
Con người cũng vậy, qua nhiều năm tiến hóa và phát triển từ loài vượn cổ đã trở thành giống loài thông minh, cấp cao bậc nhất trên hành tinh.
Tuy nhiên, thay đổi cụ thể những gì, câu hỏi này chắc ít người trả lời được. Và thậm chí bạn sẽ còn ngạc nhiên hơn khi biết rằng con người đang dần "tiến hóa ngược", khi giữ lại những đặc tính không có lợi trong cuộc sống.
1. Xương yếu hơn
Khoa học đã chỉ ra rằng hiện nay chúng ta có bộ xương yếu hơn xương của những người tiền sử. Cụ thể, con người đã tiến hóa với một bộ xương nhẹ hơn khi chuyển từ săn bắt hái lượm sang trồng trọt chăn nuôi khoảng 12.000 năm trước.
Sau khi nghiên cứu hơn 200 mẫu xương, các chuyên gia đã phát hiện sự khác biệt trong mật độ xương của người tiền sử và hiện đại.
Người tiền sử có mật độ xương dày hơn, xương hông và đùi cũng to hơn. Ngược lại, kể từ khi không còn đi săn bắn hái lượm, con người đã có bộ xương nhẹ để tương thích với hoạt động cường độ thấp.
Mật độ xương thấp dẫn tới nguy cơ loãng xương và thiếu xương cao hơn ở tuổi già, đồng thời tăng nguy cơ gãy xương. Có thể nói rằng chúng ta đang tiến hóa… ngược bởi đười ươi cũng có mật độ xương cao hơn chúng ta tới 50 - 70%.
2. Cận thị nhiều hơn
Khoảng vài chục năm về trước, những người đeo kính cận chỉ chiếm số ít và được coi là "bầu trời tri thức" vì học nhiều nên mới gặp vấn đề về mắt.
Nhưng ngày nay, lối mòn đó đã không còn đúng 100% bởi đi đâu cũng thấy kính cận... Thật vậy, con người hiện đại mắc bệnh cận thị nhiều hơn so với thời những năm 60.
Gen di truyền là một yếu tố quyết định đến việc mắc bệnh về mắt nhưng không phải tối quan trọng. Cùng với việc học càng ngày càng áp lực, tỉ lệ trẻ em cận thị đã tăng nhanh chóng mặt. Riêng tại Trung Quốc, có gần 90% thanh thiếu niên cận thị - so với con số 20% của 60 năm trước.
3. Trẻ em ngày càng béo
Trẻ em hiện nay có tỉ lệ thừa cân, béo phì cao hơn hẳn trước kia. Lý giải cho điều này, các chuyên gia cho rằng sự phát triển của xã hội khiến trẻ em ít vận động, ăn nhiều đồ ăn nhiều chất béo, dành thời gian cho các hoạt động thụ động hơn.
Tính đến năm 2010 đã có 43 triệu trẻ em béo phì ở độ tuổi dưới 5. Những trẻ em này có xu hướng béo phì khi trưởng thành và có nguy cơ cao mắc các vấn đề sức khỏe về sau.
4. Mọc ít răng hơn
Chắc hẳn không ít người đã từng nếm trải cảm giác khi những chiếc răng khôn mọc lên. Chẳng những nó không giúp chúng ta khôn lên tí nào mà còn mang đến những cơn đau "ngất trời". Và tất nhiên, lựa chọn duy nhất là nhổ nó đi càng sớm càng tốt. Để lâu thật ngứa mắt!
Tuy nhiên, những chiếc răng khôn này thực chất là thứ rất cần thiết đối với tổ tiên của chúng ta. Chúng sẽ có nhiệm vụ thay thế khi những chiếc răng khác đã bị hao mòn.
Còn ngày nay, con người không còn cần đến răng khôn nữa. Một phần là vì chúng ta đã có... đủ răng để dùng rồi, phần nhiều là tại các phương pháp bảo vệ răng ngày nay chuẩn quá. Răng mãi không mòn thì thêm răng làm gì cho mắc công chải?
5. Não... ngắn lại
Cứ chê người khác não ngắn đi, trong khi thực sự ra tất cả chúng ta não đều ngắn, ít nhất là so với thời điểm cách đây 10.000 - 20.000 năm.
Christopher Stringer, nhà nghiên cứu về cổ nhân học đã khẳng định rằng não người đã trở nên nhỏ hơn. Đương nhiên không phải vì chúng ta thông minh đến nỗi não "quắt" lại mà là do kích thước cơ thể của chúng ta cũng đã giảm.
Người tiền sử vốn sống trong điều kiện khí hậu lạnh giá. Một cơ thể to lớn sẽ giúp họ giữ thân nhiệt tốt hơn, đi kèm một bộ não lớn tương thích để điều khiển nó.
6. Cưới muộn hơn
Không chỉ các nước phương Tây, độ tuổi kết hôn trung bình ở phương Đông cũng thay đổi đáng kể.
Nếu vào năm 1980, độ tuổi kết hôn trung bình ở nam là 24 và nữ là 22 thì con số đã thay đổi thành 28 đối với nam và 26 đối với nữ vào năm 2015. Theo đó, phụ nữ có xu hướng đợi sự nghiệp ổn định và chung sống để chọn ra người bạn đời phù hợp nhất.
Anh vẫn đến dù trời gió mưa giăng khắp lối...
7. Sinh ít con hơn
Cùng với việc kết hôn muộn hoặc thậm chí không kết hôn, phụ nữ ngày nay cũng sinh ít con hơn.
Kết hôn muộn khiến cho thời gian sinh nở của phụ nữ bị thu hẹp, dẫn đến số lượng trẻ sơ sinh khiêm tốn. Ngoài ra, những nguyên nhân khác như chi phí nuôi con, cơ hội việc làm khiến phụ nữ càng ngại sinh con.
Chính điều này đã khiến cho một số nước rơi vào tình trạng già hóa dân số - như Nhật Bản - khi số trẻ em sinh ra ít hơn số người chết đi, gây ảnh hưởng lớn tới sự phát triển kinh tế.
Theo số liệu thống kê năm 1800, trung bình một gia đình Mỹ có 7 – 8 con. Con số này giảm xuống 3,5 vào năm 1900 và 2,4 vào năm 2006.
Nguồn: Medicaldaily, Scientific American, Livescience, Cracked