1. Căn hầm của Coca-Cola trong bảo tàng ở Atlanta (Mỹ)
Công thức của Coca-Cola được coi là một trong những bí mật gây chú ý nhất trên thế giới - nó được giữ trong một hầm bảo mật kiên cố. Kể từ khi được tạo ra vào năm 1886 bởi John Pemberton ở thành phố Atlanta, công thức này đã được bảo vệ trong sự ganh ghét đố kỵ của rất nhiều người.
Từ năm 1920, bản ghi công thức Coca-Cola được niêm phong và chìa khóa cất giữ tại một ngân hàng ở New York. Năm 1925, nó được chuyển đến Ngân hàng Trust Company ở Atlanta.
Vào năm 2011, công ty đã quyết định chuyển công thức Coca-Cola về tầng hầm thuộc bảo tàng ở Atlanta. Bảo tàng này thì mở cửa rộng rãi cho khách tham quan nhưng căn hầm luôn được canh phòng cẩn thận, hoàn toàn bí ẩn.
2. Đảo Queimada Grande ở Brazil - còn gọi là Đảo Rắn
Ngày nay, chỉ có hải quân Brazil và một số nhà nghiên cứu khoa học mới có thể tiếp cận hòn đảo nguy hiểm này. Nằm cách bờ biển São Paulo khoảng 100 km, đảo Queimada Grande có vẻ là địa điểm lý tưởng để "quẩy" hết mình nhưng sự thật là trong nhiều thập kỷ, nơi này bị rắn xâm chiếm hoàn toàn.
Trên hòn đảo, cứ mỗi mét vuông lại có từ 1-5 con rắn sinh sống. Và nếu điều đó không đủ đáng sợ, thì xin bật mí rằng những con rắn sống ở đây thuộc hàng kịch độc, nguy hiểm nhất nhì thế giới.
Rắn hổ lục đầu vàng là loài tiêu biểu của "xà đảo". Nó có thể dài tới nửa mét và mang trong mình nọc độc mạnh, tác dụng nhanh, có thể làm nát thịt xung quanh vết cắn. Vì lý do này, chính phủ Brazil cấm người dân bén mảng tới đảo.
3. Đảo North Sentinel (Ấn Độ Dương)
Đảo North Sentinel thuộc quần đảo Andaman ở Ấn Độ Dương
Đảo North Sentinel có rừng ngập mặn che phủ, lại còn được san hô bao quanh, gần như không bị thế giới bên ngoài tiếp cận. Bên cạnh vị trí địa lý biệt lập, khó tiếp cận, hòn đảo còn là nơi sinh sống của nhiều bộ lạc từ xa xưa. Họ hầu như không tiếp cận với thế giới hiện đại.
Lịch sử ghi nhận từng có tình trạng bạo lực xảy ra khi người bên ngoài chạm trán với bộ lạc - nhất là tộc người Sentinelese bản địa. Năm 2006, thổ dân Sentinelese đã giết chết hai ngư dân khi thuyền của họ bị dòng nước đẩy trôi đến đảo.
Mặt khác, chính phủ Ấn Độ cũng nỗ lực bảo vệ North Sentinel khỏi sự xâm phạm bên ngoài. Lí do vì các bộ lạc có thể bị xóa sổ bởi những căn bệnh truyền nhiễm đáng sợ do người từ các vùng đất xa lạ mang vào.
4. Pháo đài Bhangarh (Ấn Độ)
Pháo đài Bhangarh được mô tả là nơi bị nguyền rủa đáng sợ nhất ở Ấn Độ. Ảnh: Shutterstock
Giữa thành phố Jaipur và Alwar ở tiểu bang Rajasthan (Ấn Độ) là những tàn tích của một vương quốc từng vô cùng lộng lẫy.
Pháo đài Bhangarh được xây dựng bởi người cai trị Amber Kachwaha, là món quà dành cho con trai út vào năm 1573. Thế nhưng dần dần dân số của vùng lãnh thổ xung quanh bị suy giảm, cho đến năm 1783 thì nạn đói lớn đã xảy ra, buộc những người dân làng nào còn bám trụ cũng phải tháo chạy. Truyền thuyết địa phương nói rằng lý do khiến vương quốc rơi vào cảnh hoang tàn là do pháo đài bị nguyền rủa.
Là nơi bị nguyền rủa "được công nhận hợp pháp" duy nhất ở Ấn Độ (theo tờ Times of India), bất kì ai cũng cần có giấy phép của chính phủ để vào trong pháo đài. Lưu ý, giới chức cũng hạn chế thời gian tham quan là trước bình minh hoặc sau hoàng hôn.
Lí do ư? Người ta đưa ra nhiều nguyên nhân rất rõ ràng, ví dụ như các loài động vật hoang dã sống về đêm và việc thiếu nguồn điện thắp sáng trong khu vực sẽ gây nguy hiểm. Thế nhưng thực tế còn đáng sợ hơn, không ai biết điều gì khác có thể ẩn nấp trong đống đổ nát của pháo đài lúc màn đêm buông xuống.
5. Đảo North Brother (Mỹ)
Đảo North Brother đã bị bỏ hoang hơn 55 năm trước.
Mỗi năm New York đón hàng triệu lượt khách du lịch háo hức đến khám phá mọi ngõ ngách của thành phố - ngoại trừ một địa điểm.
Mọi hành động tiếp cận đảo North Brother mà không có sự cho phép trước đều bị nghiêm cấm, vì tất cả các tòa nhà trên đảo đang ở trong tình trạng xuống cấp nguy hiểm. Thiên nhiên tiếp tục "nuốt chửng" những công trình và tàn tích bị bỏ hoang của nơi đây - vốn là bệnh viện kiểm dịch của thành phố.
Lịch sử đảo North Brother lần đầu được ghi chép vào năm 1614, đan xen giữa hàng loạt cái chết và bệnh tật. Vào những năm 1880 và giai đoạn từ những năm 1940, địa điểm này đã được dùng để cách ly người mắc bệnh truyền nhiễm. Người chết thì được đưa về nhà xác trên đảo.
Từ năm 1951, nơi này phục vụ như một trung tâm phục hồi chức năng cho người nghiện ma túy. Năm 1963, đảo North Brother bị bỏ hoang, trở thành tài sản của Sở Công viên và Giải trí Thành phố New York. Tổ chức này hiện đang quản lý hòn đảo "u ám" như một khu bảo tồn chim muông.
6. Tòa nhà của Câu lạc bộ White’s (Vương Quốc Anh)
CLB White's đặc quyền đến nỗi ít ai từng lẻn vào bên trong và tìm hiểu những gì thực sự diễn ra ở đó.
Vẫn còn những nơi nhất định trên thế giới mà phụ nữ bị cấm bước vào, trong đó có tòa nhà của CLB White's. Nó được dựng nên vào năm 1693 và tọa lạc tại số 37 đường St. James. Câu lạc bộ White’s gồm các thành viên xuất thân từ tinh hoa giới thượng lưu Anh Quốc, và tất cả đều là nam giới.
Phụ nữ không được bước vào nơi này, chỉ có Nữ hoàng Elizabeth là ngoại lệ. Theo Telegraph, năm 2013 cựu Thủ tướng Anh - David Cameron đã tự nguyện rời khỏi câu lạc bộ này và nói rằng: "Tôi mất tinh thần vì câu lạc bộ không chấp nhận phụ nữ là thành viên. Tôi thực sự thấy điều này không thể hiểu được, nhất là trong thời đại ngày nay".
7. Đảo Surtsey (Iceland)
Hòn đảo Surtsey ở Iceland được hình thành vào năm 1963, trong một vụ phun trào núi lửa.
Hòn đảo Surtsey ở Iceland được hình thành chỉ 55 năm trước trong một vụ phun trào núi lửa. Điều này giúp các nhà khoa học có cơ hội hiếm để quan sát sự ra đời và tiến hóa của một hệ sinh thái ngay từ khi bắt đầu. Điều này chính lý do tại sao thế giới bên ngoài bị hạn chế đặt chân lên đảo.
Vi khuẩn, nấm và nấm mốc là những "cư dân" đầu tiên xuất hiện trên hòn đảo. Sau đó, số lượng các loài động vật và thực vật đã tăng lên theo cấp số nhân. Theo UNESCO, hiện tại ước tính có khoảng 89 loài chim và 335 động vật không xương sống cư trú trong khu vực đảo Surtsey. Để không làm méo mó sự phát triển này, chỉ có các nhà nghiên cứu được phép đến thăm hòn đảo.
(Theo Business Insider)