Tương tự khái niệm hướng nội, hướng ngoại là một dạng tính cách mà nhiều người biết đến nhưng lại thường bị hiểu sai. Người ta thường nghĩ rằng người hướng ngoại là tuýp người chỉ thích đi chơi, giao tiếp và nói nhiều. Tuy vậy, tính cách này phức tạp hơn thế.
Theo tạp chí Tâm lý hôm nay (Psychology Today), hướng ngoại là trạng thái mà người ta nạp năng lượng, hay là lấy năng lượng từ người khác thay vì dành thời gian một mình. Đa số mọi người mà tự nhận mình là người hướng ngoại thì đều thích giao tiếp với người khác, tụ tập thành nhóm và tìm kiếm nhiều trải nghiệm khác nhau.
Nhà tâm lý học Carl Jung là người đầu tiên đề ra khái niệm hướng nội và hướng ngoại, với mô tả hướng ngoại là những người hoạt bát, năng động, quyết đoán.
Tuy nhiên, nếu chỉ dùng những khái niệm này thì đang đơn giản hóa vấn đề. Nhiều chuyên gia cho rằng hướng nội và hướng ngoại cũng có nhiều mức độ. Khó mà tìm được ai chỉ hướng ngoại hoặc nội. Người hướng ngoại có thể biểu hiện một số đặc trưng tính cách vốn thường thấy ở người hướng nội và ngược lại.
Dưới đây là một số đặc điểm chỉ ra con bạn là người hướng ngoại.
Trẻ hướng ngoại dạn dĩ khi giao tiếp với các bạn
1. Bé không hay xấu hổ
Một số trẻ trải qua giai đoạn sợ bị tách khỏi ba mẹ, đặc biệt là khi xung quanh có những người bé không quen và chỉ mới gặp lần đầu tiên. Tuy nhiên có những trẻ mà lại thấy thoải mái khi xung quanh là người lạ. Các bé sẵn sàng thám hiểm và trải nghiệm những điều mới mẻ. Những trẻ hướng ngoại cũng thích là trung tâm của sự chú ý và thích thể hiện cho mọi người xem.
2. Bé nói rất nhiều
Những bé hướng ngoại thích tương tác với những người khác theo những cách khác nhau, ví dụ như là nói chuyện. Bé thích giao tiếp - đôi khi không mệt mỏi - và háo hức khi xung quanh có nhiều người để nói chuyện cùng. Người hướng ngoại cũng có xu hướng vừa nói vừa nghĩ, và các bé có thể xử lý thông tin và cảm xúc tốt hơn nếu có thể được nói về những chủ đề này.
3. Trẻ thích hoạt động nhóm
Trái với những người hướng nội thích làm các hoạt động một mình, người hướng ngoại thích ở bên nhiều người khác. Bạn có thể thấy rằng ở trường con bạn thích và làm việc hiệu quả hơn trong những hoạt động nhóm so với khi hoạt động cá nhân, và thích tham gia các câu lạc bộ cũng như các môn thể thao đồng đội.
Trẻ hướng ngoại thường thích tham gia hoạt động nhóm
4. Trẻ năng động trong những sự kiện cộng đồng
Với người hướng ngoại, hoạt động cộng đồng là thiên đường - đây là nơi họ nạp năng lượng và thấy tràn đầy cảm hứng. Nếu bạn quan sát thấy con thích tham gia những hoạt động cộng đồng thay vì ngồi một mình, có thể bé là người hướng ngoại. Kể cả khi hoạt động kết thúc, trẻ vẫn khó mà bình tĩnh lại được bởi vì đang tràn đầy năng lượng.
5. Trẻ dễ chán khi ở một mình
Người hướng nội nạp năng lượng bằng cách dành thời gian cho riêng mình, người hướng ngoại thấy ở một mình buồn chán và mệt mỏi. Bé cảm thấy không có mục đích, bị cô lập khi không có người tương tác, có nghĩa là một đứa trẻ có những đặc điểm này sẽ làm việc năng suất hơn khi có người để nói chuyện, dù là cha mẹ hay là anh chị em.
6. Bé không ngại thể hiện bản thân
Người hướng ngoại thường dễ mở lòng với người khác và diễn đạt cảm xúc của mình, trở thành người khiến người khác dễ nói chuyện cùng.
7. Bé thích lãnh đạo
Bạn có thể nhận thấy con mình luôn giữ vai trò dẫn dắt, lãnh đạo khi làm việc nhóm. Người hướng ngoại cũng được người xung quanh yêu thích và có thể ảnh hưởng đến cảm xúc của người khác một cách tích cực.
Nguồn: Smart Parent