Trưởng thành về mặt cảm xúc không phải lúc nào cũng dễ dàng - đặc biệt nếu bạn có những hành vi trẻ con được hình thành từ khi còn nhỏ. Khi tranh cãi với bạn bè hoặc người yêu, bạn có thể dễ dàng quay lại những hành vi thiếu chín chắn như chửi bới, la hét và rơi vào trạng thái phòng thủ.
Nhưng có thể bạn đã có nhiều nỗ lực để trở nên trưởng thành hơn. Vậy bây giờ, bạn có phải là người trưởng thành về mặt cảm xúc không?
Tiến sĩ Lindsay C. Gibson, một nhà tâm lý học lâm sàng người Mỹ, nói với Insider rằng không có người nào trưởng thành về mặt cảm xúc một cách hoàn hảo và luôn giữ được trạng thái như vậy. Tuy nhiên, có một số dấu hiệu cho thấy bạn đang trở nên trưởng thành hơn về mặt cảm xúc.
1. Tích cực lắng nghe và tiếp thu những quan điểm khác nhau
Biết lắng nghe là một dấu hiệu của trưởng thành về mặt cảm xúc.
Tiến sĩ Gibson nói rằng một trong những cách để biết liệu bạn đã trở thành một người trưởng thành hơn về mặt cảm xúc hay chưa là tự hỏi bạn có quan tâm đến việc lắng nghe người khác hay không.
Cô nói: “Ý tôi không phải là sự chú tâm quá mức khiến người khác ngộp thở mà là cho người khác không gian và thời gian để bày tỏ suy nghĩ của họ”.
Những người chưa trưởng thành về mặt cảm xúc có thể khiến người khác cảm thấy không được lắng nghe. Nhưng nếu bạn là một người trưởng thành về mặt cảm xúc, người đối diện bạn sẽ có cảm giác được là chính mình khi ở cạnh bạn, và cả hai đều tham gia trò chuyện và lắng nghe người kia.
2. Cân bằng việc chăm sóc bản thân với việc chăm sóc người khác
Mặc dù vị tha và đồng cảm là dấu hiệu của sự trưởng thành về mặt cảm xúc, nhưng Gibson nói rằng điều này cũng cần có ranh giới.
Cô nói: “Bạn có thể vừa tự bảo vệ mình, vừa quan tâm đến người khác, đồng cảm với họ”.
3. Nghĩ đến việc lời nói của mình ảnh hưởng đến mọi người như thế nào, ngay cả khi bạn đang buồn
Tiến sĩ Gibson nói rằng những người trưởng thành về mặt cảm xúc "cũng rất ý thức về việc lời nói của họ sẽ tác động đến người khác như thế nào”.
Ngay cả khi bạn tức giận hoặc khó chịu, bạn sẽ suy nghĩ kỹ trước khi gửi một tin nhắn dài hoặc nói những điều đầu tiên xuất hiện trong đầu khi bạn nổi nóng. Bạn biết cách điều chỉnh cảm xúc của mình.
4. Coi tranh luận là sự hợp tác chứ không phải tranh cãi
Trong một cuộc tranh luận, những người trưởng thành về mặt cảm xúc sẽ suy nghĩ trước khi nói.
Bởi vì những người trưởng thành về mặt cảm xúc sẽ suy nghĩ trước khi nói nên các cuộc tranh luận có xu hướng diễn ra suôn sẻ hơn.
Tiến sĩ Gibson nói: “Họ không tìm cách hạ gục đối phương. Thay vào đó, họ muốn có một cuộc thảo luận và chia sẻ thông tin”.
Cô nói rằng một nguyên tắc nhỏ để đánh giá sự trưởng thành về mặt cảm xúc của bạn là chú ý đến cảm giác của bạn trong một cuộc cãi vã.
Những người chưa trưởng thành về mặt cảm xúc thường cảm thấy cứng nhắc và khép kín, có xu hướng phòng thủ và buộc tội hơn khi mọi người không đồng ý với họ. Nhưng nếu bạn đang tích cực cố gắng ‘giảm nhiệt’ và có một cuộc thảo luận hiệu quả thì đó là dấu hiệu của sự trưởng thành về mặt cảm xúc.
5. Nhận thấy mình hành động thiếu chín chắn
Một phần quan trọng của việc trở nên trưởng thành hơn về mặt cảm xúc là nhận ra khi nào bạn đang hành động thiếu chín chắn.
Nếu bạn lớn lên với cha mẹ chưa trưởng thành về mặt cảm xúc hoặc trong một gia đình có mâu thuẫn, bạn có thể vô thức lặp lại một số hành vi không lành mạnh đó hoặc phải vật lộn với chứng rối loạn điều hòa cảm xúc.
Tiến sĩ Gibson nói một phần quan trọng của việc trở nên trưởng thành hơn về mặt cảm xúc là nhận ra khi nào bạn đang hành động thiếu chín chắn.
Cô nói: “Khi bạn có những phản ứng non nớt về mặt cảm xúc, bạn sẽ không cảm thấy dễ chịu. Có cảm giác như bạn đang căng thẳng và cứng nhắc, và người kia phải thay đổi, nếu không bạn sẽ không ổn”.
Để trưởng thành về mặt cảm xúc, điều quan trọng là phải thành thật với chính mình khi bạn phản ứng hoặc cố gắng kiểm soát người khác.
6. Học từ những người trưởng thành về mặt cảm xúc
Tiến sĩ Gibson nói rằng một dấu hiệu khác của sự trưởng thành về mặt cảm xúc là quan sát cách người khác giải quyết xung đột.
Cô nói: “Bạn sẽ nhận thấy những người khác dường như xử lý những tình huống khó khăn này một cách suôn sẻ hoặc hiệu quả”.
Cho dù đó là một thành viên khác trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp hay người yêu, bạn đều ghi nhớ khi thấy ai đó xử lý các tình huống khó khăn một cách thành thạo và sau đó áp dụng những công cụ đó vào cuộc sống của chính mình.
7. Không cảm thấy hoàn hảo nhưng vững vàng hơn
Người trưởng thành về mặt cảm xúc sẽ không đánh mất chính mình nếu ai đó không đồng ý với họ.
Mọi người đều dao động trong cảm xúc của mình. Tiến sĩ Gibson nói: “Nếu chúng ta bị ốm, mệt mỏi hoặc căng thẳng, mức độ trưởng thành về mặt cảm xúc của chúng ta có xu hướng giảm xuống”.
Nhưng một dấu hiệu nhất quán của sự trưởng thành về mặt cảm xúc là có ý thức mạnh mẽ hơn về bản thân. Bạn có nhận thức rõ ràng và không cần được mọi người xác nhận để cảm thấy an toàn.
Tiến sĩ Gibson nói: “Họ sẽ không đánh mất chính mình nếu ai đó không đồng ý với họ. Họ không bị đe dọa giống như những người chưa trưởng thành về mặt cảm xúc”.
(Theo Insider)