Gan bị bệnh gây yếu gan hay tổn thương gan ở giai đoạn sớm thường không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Nhiều người chỉ phát hiện ra gan có vấn đề khi đi xét nghiệm, siêu âm để chẩn đoán các bệnh khác hay khám sức khỏe tổng quát.
Khi tình trạng yếu gan và tổn thương gan nặng hơn, người bệnh có thể có một số triệu chứng sau:
1. Mất cảm giác thèm ăn
Chán ăn, không còn cảm giác thèm ăn, cơ thể mệt mỏi là triệu chứng phổ biến và thường gặp nhất mà ai cũng đã từng trải qua. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến triệu chứng này, trong đó mệt mỏi chán ăn có thể cảnh báo bạn đang gặp vấn đề về gan. Trước tình trạng đó, đa số người bệnh chủ quan khiến triệu chứng càng một nặng thêm.
Thực tế cho thấy, gan là bộ phận quan trọng và đảm nhiệm nhiều chức năng khác nhau trong cơ thể. Khi gan bị bệnh (viêm gan, gan nhiễm mỡ, xơ gan, ung thư gan ...), các chức năng của nó bắt đầu suy giảm khiến cho việc chuyển hóa và tổng hợp chất dinh dưỡng cho cơ thể bị ảnh hưởng, từ đó năng lượng được phân giải cũng sụt giảm đáng kể dẫn tới tình trạng cơ thể bị mất nước, mệt mỏi, không còn cảm giác muốn ăn, thèm ăn và kiệt sức không thể làm bất cứ việc gì.
Do vậy, khi thấy có biểu hiện cảm giác chán ăn, không ngon miệng và kèm theo các biểu hiện khác như mệt mỏi kéo dài cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn.
2. Trướng bụng, đầy hơi hoặc đau bụng
Trướng bụng là một trong những dấu hiệu bệnh gan rõ ràng, khi chức năng gan bị suy giảm, sẽ gây tích nước nhiều khiến bụng đầy hơi, đau bụng. Tuy nhiên, đây cũng có thể là biểu hiện của các vấn đề khác của tiêu hoá như ăn thực phẩm nhiều đạm, nhiều dầu mỡ... Vì vậy, hãy kiểm tra lại các chế độ ăn hàng ngày của mình.
Thực tế cho thấy khi gan yếu ở giai đoạn sớm, bệnh không có biểu hiện cụ thể. Bệnh nhân vẫn làm việc bình thường, có thể chỉ đau nhẹ hạ sườn phải, trướng hơi nhẹ và giai đoạn này bệnh có thể kéo dài vài năm.
Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời bệnh sẽ bước vào giai đoạn muộn khi đó người bệnh thấy ăn không tiêu, đầy bụng, trướng hơi, mệt mỏi... Khi đã ở giai đoạn này thì hầu hết chức năng gan và tế bào gan khó được phục hồi do tổn thương gan quá nặng.
Vì vậy, nếu tình trạng trướng bụng, đầy hơi hoặc đau bụng xảy ra nhiều lần, kéo dài... người bệnh cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn.
Khi chức năng gan bị suy giảm, sẽ gây tích nước nhiều khiến bụng đầy hơi, đau bụng.
3. Buồn nôn và nôn
Khi gan bị thương tổn sẽ có biểu hiện buồn nôn và nôn. Vì khi gan yếu đi, hoạt động tiêu hóa sẽ không được đảm bảo từ đó dẫn đến chứng khó tiêu, đầy bụng khiến người bệnh chán ăn, buồn nôn, một số người còn xuất hiện tình trạng tiêu chảy.
Ngoài ra, người bệnh có biểu hiện đầy bụng, khó tiêu còn có thể đến từ thói quen ăn uống không lành mạnh, ăn nhiều món chiên xào, thức ăn nhiều dầu mỡ, uống nước có gas… Buồn nôn có thể do bệnh của dạ dày.
Tuy nhiên, để xác định chính xác vẫn cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và kiểm tra chính xác.
4. Nước tiểu có màu sẫm
Nước tiểu sẫm màu có thể là do uống không đủ nước mỗi ngày nhất là thời tiết nắng nóng như hiện nay khiến tình trạng ra mồ hồi nhiều, thiếu nước. Hoặc cũng có thể do đang sử dụng một loại thuốc nào đó khiến tình trạng nước tiểu sẫm màu. Tuy nhiên, nếu màu nước tiểu đậm hơn nhiều so với bình thường hoặc có thêm triệu chứng khác kèm theo như: đại tiện phân có màu trắng, thì rất có thể là dấu hiệu của bệnh gan.
Việc khắc phục nước tiểu có màu sậm này phụ thuộc vào nguyên nhân, nếu do thiếu nước hoặc thực phẩm thì chỉ cần thay đổi thói quen, uống nhiều nước lọc nhiều hơn mỗi ngày. Với người bình thường, uống đủ từ 1,5 - 2 lít nước hàng ngày sẽ không còn xuất hiện tình trạng nước tiểu bất thường. Người lao động nặng, ra nhiều mồ hôi nên uống nhiều nước hơn, nhất là nước bù điện giải, nước hoa quả.
Nếu tình trạng nước tiểu sẫm mầu không thay đổi, tốt nhất nên tới cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị vì có thể chức năng gan của bạn đã bị suy giảm nghiêm trọng.
5. Cảm thấy mệt mỏi, uể oải
Một trong những dấu hiệu tổn thương gan là cảm thấy mệt mỏi. Điều này là do mức độc tố trong máu tăng vì gan không thể loại bỏ độc tố thích hợp. Tuy nhiên, trên thực tế hầu hết người bệnh không tự phân biệt được tình trạng mệt mỏi thông thường với triệu chứng mệt mỏi do gan suy yếu.
Để đối phó với chứng mệt mỏi do bệnh gan gây ra, người bệnh nên giảm các áp lực công việc, lên kế hoạch nghỉ ngơi, thư giãn và sống tích cực. Nếu tình trạng không đỡ và kèm theo các biểu hiện cho thấy sự trầm trọng thì cần tới cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn cụ thể.
6. Có cảm giác đắng miệng khi ngủ dậy
Đắng miệng, ăn uống không ngon là cảm giác thường gặp ở người mới ốm dậy hay sau khi sốt cao. Tuy nhiên nếu tình trạng này kéo dài thì đó là dấu hiệu cảnh báo chức năng gan của đã có phần suy giảm. Lý do là gan suy giảm chức năng sẽ không đào thải được các độc tố, khiến chúng trào ngược làm bạn có cảm giác đắng miệng khi ăn hay uống.
Khi bị đắng miệng có thể chia làm nhiều bữa nhỏ trong ngày. Sau khi ăn xong không nên nằm ngay mà nên đứng thẳng hoặc ngồi, cũng không nên vận động mạnh, cần có thời gian để dạ dày hoạt động. Có chế độ ăn uống khoa học uống đủ nước, nên ăn nhiều rau xanh, không nên ăn các loại thực phẩm đồ uống có hại cho gan như rượu, bia, đồ đóng hộp, đồ ăn nhanh, thức ăn nhiều dầu mỡ….
Nếu thực hiện các biện pháp trên tình trạng không đỡ cần tới cơ sở y tế để kiểm tra sức khỏe định kỳ, kiểm tra chức năng gan, mật….
7. Hay bị ngứa da
Cơ thể hay bị dị ứng, mẩn ngứa mề đay do chức năng của gan kém, không thể thải các chất độc hại từ trong cơ thể ra ngoài. Khi mắc bệnh, chức năng của gan không còn được hoạt động tốt, bao gồm cả việc lọc và thanh thải các độc tố. Các chất có hại được tích tụ nhiều trong cơ thể, lâu dần biểu hiện thành các dấu hiệu bất thường trên lâm sàng như các sẩn ngứa trên da.
Triệu chứng ngứa trong bệnh sẩn ngứa do gan thường chỉ âm ỉ kèm theo cảm giác nóng ran khắp các vùng da của cơ thể, tăng lên khi nhiệt độ môi trường sụt giảm đột ngột như gặp mưa, trời nhiều gió. Đây cũng là đặc điểm gợi ý giúp phân biệt các tình trạng ngứa kèm nổi mẩn do gan với các bệnh lý da liễu khác.
Tuy nhiên, đây cũng có thể do biểu hiện của một số bệnh lý khác. Vì vậy khi bị ngứa da, dễ tái phát nhiều lần, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống cần tới cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn.
Tóm lại: Bệnh gan là kẻ giết người thầm lặng, bởi nó không có triệu chứng rõ ràng. Nhiều người cho rằng cứ vàng da, vàng mắt thì mới là biểu hiện bệnh viêm gan, tổn thương gan, yếu gan… Nhưng thường khi gan đã tổn thương trên 50% mới có biểu hiện. Đôi khi những biểu hiện này rất thầm lặng, như mệt mỏi, hay choáng váng, chóng mặt, ăn uống không ngon, hoặc sụt ký, phù chân, có chấm xuất huyết trên da, dễ chảy máu răng, chảy máu cam…
Những triệu chứng này là những triệu chứng của bệnh lý gan, nếu không lưu ý hoặc chủ quan dễ dẫn tới gan bị tổn thương quá nhiều. Vì vậy, bạn cần chú ý nhận biết, phát hiện sớm những dấu hiệu liên quan tới bệnh lý ở gan và đến các cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị kịp thời.