"Độc bước" trên chuyến hành trình đi dọc chiều dài đất nước, "không thể nằm yên chờ chết mà phải làm những điều không tưởng để thử giới hạn tuổi già, không thể để tuổi già trôi qua một cách nhàm chán như bao người khác được" - những lời chia sẻ đầu tiên của bác khiến tôi ngỡ ngàng.
Bởi một lẽ, ở độ tuổi ngoài 60 lại mang trong mình căn bệnh gout đã nhiều năm vậy mà bác Trần Ngọc Công, đang sống cùng gia đình tại Hà Nội lại chọn cách "thong rong" hòa mình với nhịp sống vô thường một cách lạc quan và đầy nghị lực qua chuyến phượt bộ xuyên Việt dài 2.000km.
Bác Trần Ngọc Công quyết định một mình "chinh phục" chiều dài đất nước bằng đôi chân
Và hành trang trên vai chỉ là chiếc balo nhỏ
Không quá khó khăn khi tìm hiểu và trò chuyện với bác. Tôi đã liên lạc khi bác vẫn đang "hành quân" trong cuộc "phưu lưu" của riêng mình, nhưng không vì vậy mà quên lời hẹn với tôi, bác rất đúng giờ - không sai một phút nào.
"Bây giờ thì thong rong rồi" – bác hồi âm cho tôi khi đã tìm được chỗ dừng chân. Chỉ thông qua một vài câu nói chào đầu của bác suy nghĩ thoáng lên trong đầu tôi ngay khi ấy đó là có thể tôi sắp được trò chuyện với một người rất đặc biệt - giống như chuyến hành trình ấy.
Dấu hiệu tuổi già ai trải qua cũng biết, nhưng không lẽ cứ nằm chờ chết?
Không ai là không hoảng hốt khi nhận thấy những dấu hiệu của tuổi tác bỗng dưng ập đến ngày một rõ ràng hơn. Những nếp nhăn không ngừng tăng lên, sức khỏe ngày càng tụt dốc, bệnh tật thay nhau "ghé thăm"...
Nhưng không phải vì thế mà bác chọn ngồi một chỗ gặm nhấm nỗi ám ảnh mơ hồ, đáng sợ về những căn bệnh ở tuổi xế chiều.
"Bác muốn thử giới hạn tuổi già, thử xem cái điều mà nhiều người nghĩ là không tưởng ấy có làm được bởi một ông già đã ngoài 60 hay không. Bạn bè, anh em cùng tuổi đã đổ bệnh và ra đi khá nhiều, chẳng lẽ mình cũng cứ vật vờ chờ chết sao?
Nhân tiện có câu chuyện về một nhân vật trên ti vi, anh ta đã đi khắp đất nước Tây Ban Nha, tự nhủ sao ta không đi được, họ khỏe ngày họ đi mỗi ngày đi 30km, còn mình chỉ cần đi 20km cũng được rồi. Và như vậy chỉ cần trích ra 100 ngày trong quỹ thời gian còn lại là có thể đi hết Việt Nam". Bác Công chia sẻ.
Bác Công đi tìm giới hạn của tuổi già trong chuyến hành trình dài 2.000km
Chính vì điều đó bác đã luyện tập và thử sức xem khả năng đi bộ của mình tới đâu "Hôm đầu tiên tập đi thử thì đi 1 mạch được 15km, ngày tiếp tiếp cố được 20km và ngày cuối đi được 35 km, cứ như vậy bác luyện tập trong vòng 1 tuần thế là nói với vợ rằng sẽ đi xuyên Việt ".
"Nước Việt Nam ta liền một dải, từ Ải Nam Quan tới Mũi Cà Mau"
Xuất phát từ câu nói quen thuộc về giới hạn lãnh thổ của Việt Nam, kế hoạch về chuyến hành trình của bác cũng "theo đó mà tiến" và được chia thành 2 đợt. Trước tết Nguyên Đán bác đi 6 ngày từ Lạng Sơn đến Hà Nội, sau tết từ ngày 2/2 bác sẽ xuất phát từ Hà Nội và đặt chân tới cực Nam đất nước - mũi Cà Mau dự kiến là 16-17/4.
Chi phí mà bác dự kiến cho chuyến đi được tính 10 nghìn đồng/1km, 2.000km tương đường với 20 triệu đồng.
Với một tinh thần cao hơn sức khỏe, dường như không gì có thể ngăn cản được đôi chân gầy rắn rỏi và sự quyết tâm của bác để có cơ hội tìm hiểu, khám phá những vùng đất giàu đẹp của Tổ quốc và tìm lại những năm tháng tuyệt vời thời trai trẻ.
Ở mỗi nơi từng đi qua, bác Công như được nhớ về hồi ức một thời làm lính
"Từng là lính, từng hành quân trên các chiến trường, vai khoác balo đạn dược nặng gấp nhiều lần còn lần này hành trang chỉ đơn giản có vài bộ quần áo, với một số loại thuốc phổ dụng, vài đôi tất và chiếc áo mưa". Bác Công cho biết.
Ngoài những vật dụng cần thiết kể trên bác còn mang bên mình chiếc túi đựng một số đồ lặt vặt rồi cả nước nước uống. Và một thứ không thể thiếu đó là chiếc Smartphone để ghi lại những khoảnh khắc đẹp và khi cần sẽ sử dụng để tra bản đồ.
Bác cũng nói thêm, ban đầu mọi trong gia đình chỉ nghĩ là bác nói đùa, cho rằng giỏi lắm bác sẽ đi được từ Lạng Sơn tới Hà Nội nhưng sau thấy bác quyết tâm và nghiêm túc mọi người quay sang hoảng sợ và lo lắng.
Dù vậy bác vẫn tỏ ra vui vẻ kể rằng "Các con bác chúng quân sư cho là phải mua giày xịn, trang bị sạc dự phòng và điện thoại đầy đủ. Nhưng đấy là cậu con trai nó ủng hộ nhiệt tình, cô con gái có gàn sợ ba không đủ sức"
Những cung đường đèo vừa quen vừa lạ đối với bác Công
Chưa kịp hỏi tới bác gái thì bác cũng kể luôn và điều duy nhất tôi cảm nhận được là tình cảm mà bác dành cho người vợ của mình, bác nhắc nhiều tới "bà ấy" một cách thân thương và đâu đó là chút nhớ nhung, là thấu hiểu sự lo lắng mà "bà ấy" dành cho mình.
"Còn vợ bác, bà ấy có buồn và thương chồng không muốn cho bác đi, nhưng bà ấy lại là người hiểu tính tình của bác nhất vì xưa nay nói 1 là 1, và đã nói là làm nên chỉ gàn khe khẽ.
Rằng thôi anh cứ đi tới nơi nào đẹp thì gọi em vào cùng chơi ở đấy rồi bà ấy hơi mếu máo. Bác phải dỗ rằng "tôi đi tập thể dục chứ có đi bộ đội đâu mà khóc".
Nói vậy thôi chứ bà ấy cũng không phải người ủy mị nên cũng không có vấn đề gì. Và cuối cùng cả nhà đều vui vẻ ủng hộ và giúp bác chuẩn bị đồ đạc, tư trang cho một chuyến đi dài".
Tinh thần của người lính tên lửa chống Mỹ năm nào
Trong suốt cuộc hành trình của mình qua mỗi một tỉnh, thành phố bác đều chụp những tấm ảnh kỉ niệm đánh dấu điểm đặt chân của mình và coi đó như một dấu mốc quan trọng. Nhưng đằng sau những tấm ảnh "thư thái" ấy là vô vàn những khó khăn…
Từ Bắc vào Nam thời tiết từng miền khác nhau, khi cơ thể chưa kịp thích nghi thì lại phải làm quen với khí hậu mới. Miền Bắc thì vẫn đang lạnh, miền Trung thì thêm cái nắng gắt dẫu vậy miền Nam thời tiết lại thất thường cùng với việc đi bộ nhiều ngày khiến đôi chân căng mỏi.
Và trong cuộc hành trình tưởng chừng chỉ gồm có gian khổ này cũng ẩn chứa những hiểm nguy liên quan tới mạng sống.
"Đoạn gần trưa, khi qua đèo Cổ Ngựa (Khánh Hòa) đường vắng tanh vắng ngắt, bất chợt có xe máy đi ngược chiều lại còn trái đường, hắn phi thẳng xe vào mình. Mình vẫn giữ được bình tĩnh nhìn thẳng vào mắt hắn và ra một đòn "nụ cười xoè " cầu thân.
Mặt hắn vẫn lạnh như tiền, hai mắt vằn tia máu. Mình thoáng nhận ra hắn là loại du côn xin đểu, hắn nhìn với ánh mắt gườm gườm, liếc từ đầu đến chân và dừng hơi lâu ở túi quàng trước ngực - cái túi mốc meo, bẩn thỉu vì mưa nắng bụi đường, miệng mở toang hoác còn chiếc ba lô thì chi chít kim băng vì bị đứt quai. Tới đó chắc hắn nghĩ mình là lão già tâm thần đi lang thang nên rồ ga bỏ đi". Bác chia sẻ
Không những luôn giữ được sự bình tĩnh và nhanh trí xử lý tình huống nguy hiểm khi gặp kẻ xấu bác còn tự "đúc kết" kinh nghiệm cho riêng mình một cách hài hước "Tênh hênh, toang hoác chẳng ai thèm. Kín kín đáo đáo lắm kẻ ham!".
Không chỉ có gian nản, hiểm nguy cũng luôn "chờ đợi" bác
Càng trò chuyện với bác nhiều, tôi nhận ra một điều bác không chỉ lạc quan, hài hước mà còn là người có cách kể chuyện rất hấp dẫn vì mỗi mẩu chuyện bác chia sẻ đều khiến tôi bị thu hút, cảm giác như mình được tận mắt chứng kiến vậy.
Khi tôi hỏi bác về những kỉ niệm thì bác thốt lên rằng "Kỉ niệm vui à? Quá nhiều! Bác đã gặp và giao lưu với rất nhiều các bạn trẻ phượt, trong đó phải kể đến là 3 lần chạm chán với nhóm phượt đến từ Nhật Bản.
Dọc đường, rất nhiều người ngỡ bác không có tiền đi ô tô và họ ngỏ ý cho tiền hoặc cho đi nhờ xe, nhưng bác đều từ chối. Có những người tốt bụng phóng xe gần chục cây số để đưa chứng minh thư cho bác khi thấy bác để quên ở khách sạn mà lại đi bộ.
Những người bạn Nhật mà bác Công gặp được trong cuộc hành trình
Cảnh đẹp, đồ ăn ngon thì nhiều vô kể, chỉ tiếc là phải kiêng khem nhiều thứ. Ấn tượng nhất phải nhắc tới là Nha Trang, khí hậu mát mẻ, thành phố hiện đại, con người lại hết sức thân thiện.
Cũng có nhiều chuyện "dở khóc dở cười" về ngôn ngữ vùng miền, như khi trời nắng bác vào quán uống nước kêu rằng "chủ quán cho xin trái dừa" họ đáp "dừa bán chứ không cho, 15 nghìn 1 quả", hóa ra họ tưởng bác là ăn xin".
Nói tới đây, tôi mới chợt nhớ ra từ đầu câu chuyện tới giờ bác không hề kêu than về tình hình sức khỏe của mình, cũng không một lần nhắc tới hai từ "nản lòng" mỗi khi gặp khó khăn. Thay vào đó luôn là những suy nghĩ theo hướng tích cực.
Nhưng bác không biết rằng, trong khi đợi bác theo giờ hẹn, tôi đã có cuộc trò chuyện ngắn với một người đã luôn theo sát chuyến đi của bác và cũng thấy rằng bác hay chụp hình rồi gắn tên chú ấy. Tôi được biết chú tên Duy là người thân trong gia đình bác Công, qua đó chú Duy có chia sẻ với tôi rằng bác Công đã phải ở lại Thanh Hóa những 5 ngày do bệnh gout tái phát.
"Chú Công thường xuyên facetime về cho cả nhà, không bao giờ kêu mệt, trừ khi chân đau do bệnh tái phát mới tạm dừng không vội đi tiếp. Chú ấy là người có ảnh hưởng rất nhiều tới từng người trong gia đình. Để nói về chú Công thì chỉ ngắn gọn thôi nghị lực, bản lĩnh, ưa phiêu lưu, và thâm thúy". chú Duy chia sẻ thêm.
Tôi còn được biết rằng bác Công đã đi Nhật, Dubai, Nga, tới các nước Đông Nam Á và cả châu Âu. Còn trước đây, khi đất nước chưa hòa bình, bác chính là một "người lính tên lửa chống Mỹ".
Có lẽ chính vì được tôi luyện trong kháng chiến mà tinh thần và ý chí của bác giúp bác trải qua mọi khó khăn để thẳng tiến tới những gì mình đang chinh phục.
Được nhiều hơn và không mất gì
Khi tôi trò chuyện với bác là khi bác đã đi tới Đồng Nai, qua 19 tỉnh thành, độ dài khoảng 1.600km. Tuy chưa là điểm đến cuối cùng nhưng bác chia sẻ rằng bác đã nhận được rất nhiều thứ qua chuyến đi này, và không có gì để mất.
"Tự thấy quá hài lòng vì sức khoẻ tốt lên, được giao lưu rộng rãi và nhất là thanh niên, được thấy đất nước ta quá tươi đẹp, nông thôn đổi mới nhiều, được thấy dân ta rất tốt, duy chỉ có về ý thức khi tham gia giao thông thì người miền Bắc cần học hỏi miền Nam nhiều". Bác hào hứng "khoe" những cái được sau hơn nửa chặng đường.
Cột mốc 1.600km và bác Công đã gần tới đích
Mặc dù trong 2 tháng rong ruổi trên khắp các con đường, bác vẫn luôn cập nhật thông tin đặc biệt là các chuyến đi phượt của giới trẻ gần đây bác được biết thường vì yếu tố thành tích và kỉ lụ.
Còn đối với bác đó là việc đi và trải nghiệm, đòi hỏi bác phải cố gắng chạy đua với "sức già" nhưng cũng không bởi vậy mà khiến bác phải vội vàng, "cứ từ từ vì mình còn sống".
"Đối với những người trẻ, việc phượt vì thành tích hay kỉ lục cũng hãy kệ họ, không nên cổ vũ nhưng cũng đừng ngăn cản vì đó là sự thử thách mà chính họ đề ra.
Hãy cứ để họ hết mình với niềm đam mê đó nhờ vậy mà họ sẽ trưởng thành và nhận biết được điều nên hay không nên, cho dù có không may là quá muộn vì nguy hiểm tới tính mạng thì khi đó cũng là bài học cho những người đi sau". Chia sẻ của bác dành cho các bạn trẻ.
Bác Công cũng đã được nhiều người bạn trẻ trong chuyến đi
Có thể nói ngưỡng mộ hay khâm phục không miêu tả được hết những gì tôi cảm nhận về con người bác, ví như bác là "1 tượng đài" hay là một "già gân" có lẽ bác đều không ưng vì con người giản dị ấy không thích hoa mĩ hay sự nổi tiếng như lời chú Duy chia sẻ "chú Công, chú ấy không muốn lăng xê chuyện này".
Chính vì vậy điều tôi muốn chia sẻ chính là những gì tôi cảm nhận được qua cuộc trò chuyện với bác, vì tôi e rằng tôi không thể hiểu và truyền đạt được hết những gì chân thực nhất, đúng đắn nhất và hay nhất về bác và chuyến đi kì diệu này.
Chỉ hy vọng phần nào đó sẽ đưa chuyến hành trình thách thức tuổi tác và bệnh tật của bác là nguồn động lực không chỉ cho những ai đã và đang gặp hoàn cảnh khó khăn, hay đang ở tuổi "xế tà" như bác mà cả các bạn trẻ, có thể nhìn vào đó để cố gắng và nỗ lực, luôn lạc quan, yêu đời, và sống có ích hơn.
Tôi đã nói với bác Công rằng sẽ xin dõi theo, trò chuyện với bác khi chuyến đi kết thúc hoặc khi bác quay trở lại Hà Nội. Và cầu mong bác luôn mạnh khỏe, giữ ý chí và tinh thần thép ấy chinh phục đoạn đường còn lại và cả con đường đời về sau mong bác sẽ luôn bình an.