60 tỷ USD đấu 200 tỷ USD: Vì sao Trung Quốc trả đũa dưới thực lực?

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Trung Quốc đã áp mức thuế mới lên 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ. Tuy nhiên, đây là con số thấp hơn rất nhiều so với 200 tỷ USD hàng hóa bị Washington đánh thuế.

Sự đáp trả của Trung Quốc không để chờ đợi lâu nhưng không quyết liệt. Nó đủ để phía Mỹ ngay lập tức có biểu hiện dịu giọng. Mỹ và Trung Quốc lại một lần nữa cho thấy quyết chí leo thang xung khắc thương mại với nhau nhưng chơi sát ván với nhau cũng như giữa tuyên bố công khai và hành động thực tế luôn có khoảng cách. Họ vừa làm găng nhau cừa dè chừng nhau.

Thuế quan bảo hộ thương mại 25% được Trung Quốc quyết định áp cho 60 tỷ USD giá trị hàng hoá xuất khẩu của Mỹ vào thị trường Trung Quốc, thấp hơn nhiều so với 200 tỷ USD giá trị hàng hoá xuất khẩu của Trung Quốc bị Mỹ áp thuế quan bảo hộ thương mại cao tới 25% khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ, nhưng cũng đã xấp xỉ một nửa toàn bộ giá trị xuất khẩu của Mỹ vào thị trường Trung Quốc.

Rõ ràng là Trung Quốc chủ ý dành dư địa cho những biện pháp đáp trả tiếp theo, đặc biệt là trong trường hợp Tổng thống Mỹ Donald Trump thực hiện lời đe doạ sẽ áp thuế quan 25% đối với thêm 325 tỷ USD giá trị hàng hoá của Trung Quốc xuất khẩu vào thị trường Mỹ - tức là đối với toàn bộ xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ.

Vừa đấu vừa dè chừng

60 tỷ USD đấu 200 tỷ USD: Vì sao Trung Quốc trả đũa dưới thực lực? - Ảnh 1.

Trung-Mỹ làm găng với nhau nhưng luôn lưu ý để luôn sẵn sàng có thể nhanh chóng hoà giải và thoả hiệp với nhau. Ảnh: CNN

Điều đáng chú ý nữa ở cả hai phía thời điểm các biện pháp chính sách của họ trên thực tế bắt đầu có hiệu lực đều không phải ngay lập tức, không áp dụng cho những lô hàng hoá của bên này đang trên đường cung ứng cho bên kia, như thế đâu có khác gì hạn chế thiệt hại cho nhau và để cho có thêm thời gian đàm phán.

Ông Trump đã cho biết ngay là mới chỉ tính đến chứ đâu đã quyết định dứt khoát sẽ áp thuế quan bảo hộ thương mại 25% đối với thêm 325 tỷ USD giá trị hàng hoá của Trung Quốc xuất khẩu vào thị trường Mỹ.

Phía Mỹ còn tung tin là đang dàn xếp cuộc gặp mới giữa ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị cấp cao của nhóm G20 diễn ra ở Osaka (Nhật Bản) trong tháng 6 tới.

Thông điệp của cả hai đều là xung khắc thương mại dẫu có leo thang mức độ quyết liệt đến mấy thì rồi đàm phán thương mại vẫn sẽ được tiếp tục, hai bên vẫn thiện chí thoả thuận và chiến tranh thương mại song phương sẽ không xảy ra.

Từ đó có thể thấy diễn biến tiếp theo của xung khắc thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này lại bị chi phối và dẫn dắt bởi ba điểm giống nhau giữa hai bên. Nghe qua tưởng nghịch lý và mâu thuẫn, nhưng trên thực tế lại đúng như vật.

60 tỷ USD đấu 200 tỷ USD: Vì sao Trung Quốc trả đũa dưới thực lực? - Ảnh 2.

Thứ nhất, cả hai đều trù liệu là chuyện cọ sát và xung khắc lợi ích còn kéo dài chứ không sớm chấm dứt, còn bộc lộ trên cả những lĩnh vực hợp tác khác nữa chứ không chỉ có trong trao đổi thương mại, không xảy ra chỉ có một lần mà sẽ còn lặp đi lặp lại.

Vì thế, việc sử dụng những con chủ bài làm trụ cột cho đối sách phải dè xẻn chứ không được phung phí, phải được kết hợp với nhau thành "gói những biện pháp chính sách" chứ không riêng rẽ và lẻ tẻ, vận dụng theo bài bản thì mới có thể có được tác động và hiệu ứng cộng hưởng.

Thứ hai, cả hai đều ý thức được trước mắt có thể được lợi nhất định từ xung khắc thương mại nhưng về lâu dài thì chỉ lợi bất cập hại nên chỉ khuấy động xung khắc thương mại khi cần đến tác động của nó về chính trị đối nội và phải chấm dứt nó khi tác động của nó chuyển từ tích cực sang tiêu cực mà muốn khắc phục nó thì phải thương thảo với nhau.

Họ làm găng với nhau nhưng luôn lưu ý để luôn sẵn sàng có thể nhanh chóng hoà giải và thoả hiệp với nhau.

Thứ ba, bên này chủ ý làm cho bên kia không biết đâu mà lần với mình, kết hợp dương đông kích tây với chơi đòn gió và tung hoả mù, luôn có thể nhanh chóng và dễ dàng chuyển trạng thái quan hệ song phương từ xung khắc sang hài hoà, từ dị biệt sang đồng thuận, từ đối kháng sang đồng hành.

Cho nên cần phải nhìn nhận mọi diễn biến trong mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc trong tính tương đối của chúng. Hai đối tác này không thể chỉ đối đầu nhau mà không hợp tác với nhau, nhưng hợp tác với nhau không đủ để lấn át ganh đua lẫn nhau và đồng thời cạnh tranh chiến lược với nhau cũng không làm huỷ hoại quan hệ hợp tác với nhau.

Xung khắc thương mại lần này giữa hai bên rồi đây vì thế sẽ không nghiêm trọng như lo ngại chung hiện tại trên thế giới.

Tiêu đề do toàn soạn đặt lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại