Khi quả bắt đầu chín trong khu vườn 180 cây sầu riêng, Vipavadee Teplasamee tin rằng mình sắp có một mùa bội thu vào tháng 5. Sầu riêng ở Chanthaburi – một tỉnh ở phía tây nam Bangkok được xem như là "vàng xanh".
Nói như vậy bởi Vipavadee biết người Trung Quốc - khách hàng "sộp" của bà rất "nghiện" sầu riêng, thói quen cho đến giờ vẫn không thay đổi.
Ngay cả khi dịch Covid-19 đã khiến chuỗi cung ứng gặp một vài trục trặc, đội quân những người trung gian Trung Quốc vốn thường đi khắp các vùng Thái Lan để mua hoa quả trực tiếp từ các vườn cây trong suốt mùa thu hoạch đã tìm ra cách thức mới.
Năm nay, họ ghé thăm những người nông dân như Vipavadee từ tháng 3 để đặt quả, sau đó bay về nhà trước khi Thái Lan công bố lệnh đóng cửa với các chuyến bay quốc tế.
Vipavadee cũng giống như những người nông dân trồng quả khác ở Thái Lan – doanh thu của họ được bảo đảm mặc cho sự sụp đổ kinh tế.
"Những người mua Trung Quốc đã xây dựng một mạng lưới rộng khắp và biết khi nào chúng tôi sẵn sàng thu hoạch quả. Năm nay cũng có một mùa thành công", theo Vipavadee. Nhờ bán sầu riêng mà thu nhập những năm trước đã giúp bà trả được khối nợ 600.000 baht (18.500 US) và mua thêm được một chiếc xe tải Mazda phục vụ thu hoạch.
Chanthaburi chính là tỉnh sản xuất sầu riêng lớn nhất Thái Lan.
Mức giá bán buôn với sầu riêng tại vườn mùa thu hoạch này giao động từ 105 – 115 baht/kg. Trong khi đó, giá bán lẻ tại các thị trường Thái lúc đầu mùa vào tháng 3 là 150 baht.
Năm ngoái, giá bán lẻ là 80 -90 baht. Giá đã tăng lên trong năm nay vì lũ lụt liên miên trong mùa và đầu mùa thu hoạch vì vậy sẽ có ít quả hơn được cung cấp đến thị trường.
Năm nay, vẫn có rất nhiều lái buôn từ Trung Quốc đặt các đơn hàng sầu riêng - không khác gì năm ngoái. Năm nay, ông trời có phần ủng hộ người nông dân Thái bởi ngay khi họ bắt đầu thu hoạch sầu riêng cũng là lúc Trung Quốc được nới lỏng giãn cách xã hội, giúp họ vẫn bán được hàng và chuyển được những đơn hàng đã đặt trước.
"Rất khó để theo dõi những vườn sầu riêng mới bởi nông dân Thái Lan chuyển từ trồng cao su sang trồng sầu riêng mỗi ngày", theo Somnuck Jongmeewasin – một nhà môi trường học tại Đại học Bangkok.
Lượng cao su trồng ở Chanthaburi đã lên tới 89.782 hecta, từ mức 177.736 hecta vào năm 2012. Trong khi đó, vườn sầu riêng đã mở rộng và hiện đạt 30.400 hecta.
"Giá cao su đã giảm 5 năm trước và nó khuyến khích người nông dân chuyển san trồng sầu riêng - loại quả có lãi cao hơn. Một nửa diện tích nông nghiệp ở Chanthaburi hiện đang trồng sầu riêng".
Việc mở rộng trồng sầu riêng đã khiến nhu cầu ở Trung Quốc tăng cao và mức giá theo đó cũng cao hơn khiến nhiều tỉnh thành khác ở Thái Lan cũng mở rộng trồng loại quả này, tăng lên 152.000 hecta năm 2019 từ mức 96.000 hecta vào năm 2012.
Giá thu mua tại vườn cũng tăng lên 100 baht/kg năm 2019 từ mức 35 baht/kg 7 năm trước.
Các chuyên gia phân tích chỉ ra sự chuyển dịch thị trường là điều không có gì bất ngờ.
"Với những người nông dân thì điều này khá tự nhiên, giá cao hơn thì họ sẽ chuyển sang trồng loại hoa quả đó, đặc biệt là với những nông dân vừa và nhỏ".
"Vua hoa quả"
Bộ trưởng Thương mại Thái Lan cũng rất khuyến khích xuất khẩu các loại quả như sầu riêng sang Trung Quốc, coi đây là cách thúc đẩy doanh thu ngoại tệ.
Những loại quả này chiếm gần 6,5% xuất khẩu Thái Lan trong năm 2019. Thái Lan sản xuất 600.000 tấn sầu riêng vào năm 2018, hầu hết là xuất khẩu và 70% lượng xuất khẩu là tới Trung Quốc.
Nhằm đáp ứng nhu cầu, một nhà máy ở tỉnh Songkhla thành lập vào giữa năm 2019 còn da dạng hóa các sản phẩm khác nhau để đa dạng gồm cả kẹo sầu riêng.
Giữa năm 2018, người trồng sầu riêng ở Thái đã "trúng số" khi Jack Ma – đồng sáng lập Alibaba giúp bán hàng tấn hoa quả trên nền tảng kỹ thuật số này. Trong 60 giây, 80.000 quả sầu riêng, nặng 200 tấn đã được bán hết sạch.
Những quốc gia cạnh Thái Lan cũng được hưởng lợi từ thị trường Trung Quốc khi họ rất nghiện sầu riêng, coi đây như "vua hoa quả" ở khu vực. Malaysia đã xuất khẩu sầu riêng đông lạnh tới Trung Quốc kể từ năm 2019.
Trong nửa đầu năm ngoái, Trung Quốc nhập khẩu 358.000 tấn sầu riêng, trị giá 963 triệu USD, tăng gấp đôi sản lượng và giá trị hoa quả nhập khẩu trong cả năm 2018.
Người nông dân ở Chanthaburi không bất ngờ khi Trung Quốc trở thành nhà nhập khẩu sầu riêng lớn nhất thế giới.
"Người Trung Quốc tin rằng sầu riêng là một loại quả đặc biệt và cần ăn thường xuyên. Nhu cầu với sầu riêng lớn là rất tốt cho chúng tôi. Chúng tôi vui khi những lái buôn Trung Quốc đến đặt đơn hàng ngay cả trước khi thu hoạch", Savarat Nangsangian – một nông dân 56 tuổi nói.