Vấn đề doping lại dấy lên đầy nhức nhối sau SEA Games 31
Trước thông tin 6 vận động viên (VĐV) của thể thao Việt Nam vừa tham gia thi đấu tại SEA Games 31 có mẫu thử dương tính với chất cấm (doping), ngày 15-9, Tổng cục TDTT đã có buổi làm việc cùng lãnh đạo Bộ VH-TT-DL để báo cáo cụ thể các vấn đề liên quan.
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục TDTT kiêm Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 31, cho biết: “Hiện tại, chúng tôi chưa có kết quả chính thức của Tổ chức Phòng chống doping thế giới (WADA) gửi về Việt Nam”.
Trong khi đó, Tiểu ban Y học và Kiểm tra doping của SEA Games 31 cũng chưa đưa ra bất cứ khẳng định và thông báo chính thức nào về việc này. Vì thế, theo ông Trần Đức Phấn, danh tính của 6 tuyển thủ nghi dính doping chưa thể công bố. Tuy nhiên, ông Phấn nhấn mạnh, nếu cá nhân nào bị xác định sử dụng chất cấm để mưu cầu thành tích, Tổng cục TDTT sẽ áp dụng các chế tài nghiêm khắc theo quy định.
Hồi tháng 4, trước khi SEA Games 31 diễn ra, môn thể hình đã tổ chức lấy mẫu kiểm tra doping ngẫu nhiên, kết quả có 6 mẫu thử cho kết quả dương tính, dẫn tới bị loại khỏi cuộc tranh tài. Tại SEA Games 31 vừa qua, dự kiến ban tổ chức lấy hơn 1.000 mẫu thử đối với các VĐV giành huy chương ngay trong thời điểm diễn ra đại hội. Tuy nhiên, Tiểu ban Y tế và Kiểm tra doping chỉ thực hiện lấy tổng cộng 908 mẫu.
Trong lịch sử, khi đứng ra tổ chức SEA Games 22 vào năm 2003, các VĐV của Việt Nam Phạm Toàn Thắng, Phạm Thị Dịu (môn lặn), Hoàng Hồng Anh (môn canoeing), Nguyễn Mai Quỳnh (môn điền kinh) đã giành huy chương, sau đó mẫu thử của họ có kết quả dương tính. Sau thời gian chịu án phạt, các VĐV này phải rất nỗ lực mới được trở lại thi đấu trước khi giải nghệ.