6 tiếng làm việc liên tục của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Nguyễn Cường |

Hiếm có buổi làm việc nào kéo dài 6 tiếng đồng hồ từ sáng sang chiều mà không gây mệt mỏi như cuộc gặp gỡ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với chủ các doanh nghiệp ngày 29/4 tại TP.HCM.

Buổi sáng "nóng" tại TP.HCM

6h45’ngày 29/4 trước cổng Dinh Độc Lập, nơi 41 năm trước đang chứng kiến những giờ cuối cùng của chế độ Việt Nam Cộng Hòa, chật kín những chiếc ô tô hạng sang Mercedes, BMW, Lexus….

Khung cảnh lạ khiến đoạn đường qua đây ùn tắc nặng vì nhiều người đi đường ngoái nhìn.

Tới 7h, ngay sau cánh cửa sắt của Dinh Độc Lập là hàng trăm người ăn mặc sang trọng kiên nhẫn xếp hàng chờ đợi dưới cái nắng mỗi lúc một gay gắt.

Những thủ tục kiểm tra giấy tờ nghiêm ngặt hay việc buộc phải bỏ cả điện thoại, ví tiền để bước qua máy an ninh không hề làm các chủ doanh nghiệp khó chịu, bởi chỉ ít phút nữa họ sẽ gặp mặt Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Không những vậy đi cùng ông còn có 4 Phó thủ tướng, 10 bộ trưởng, Chủ tịch của 3 thành phố lớn nhất nước là Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng.

Cuộc gặp mặt lần này chính là để thực hiện lời hứa của Thủ tướng ngay sau khi ông tuyên thệ nhậm chức vào ngày 7/4.

Khi đó ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tới chúc mừng và trao tận tay ông bức thư có đề đạt đến nguyện vọng của giới doanh nghiệp và được ông vui vẻ nhận lời.

Hơn 8h, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bước lên bục phát biểu.

Lúc này căn phòng có sức chứa hàng trăm người đã chật kín, những người tới muộn buộc phải vào ngồi trong hai phòng nhỏ kế bên và xem qua màn hình trực tiếp, vài người đưa tay nới cà vạt và lau mồ hôi vì nóng.

“Ai là người xây dựng đất nước? Toàn dân, toàn quân xây dựng đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhưng tiên phong là đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam.

Doanh nghiệp giải quyết việc làm, tạo GDP… những người tiên phong đó phải được quan tâm, phải được lắng nghe” – Thủ tướng giải thích lý do tổ chức buổi gặp mặt doanh nghiệp.

Thủ tướng khẳng định: “Tinh thần lớn nhất, Chính phủ không hình sự hóa các quan hệ hành chính và kinh tế”. Khi vừa dứt câu nói ông đã phải dừng lại phút chốc vì những người tham dự đồng loạt vỗ tay tán thưởng.

Trong phần phát biểu sau đó Thủ tướng cho biết mình rất kỳ vọng kết quả của hội nghị sẽ tạo ra niềm tin cho doanh nghiệp vào hệ thống cơ quan nhà nước, tạo niềm tin vào xã hội – một niềm tin thị trường mới và niềm tin vào một chế độ tốt đẹp để mọi người hăng hái tham gia sản xuất kinh doanh nhanh hơn, nhiều hơn, hội nhập quốc tế vững vàng hơn.

“Mỗi đơn vị có 7 phút để phát biểu ý kiến, nếu quá thời gian này chúng tôi phải giành lại quyền cho người khác” – Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã phải “quán triệt” trước như vậy tại phần góp ý kiến vì số người đăng ký quá đông.

Tuy nhiên, đa số các nhân vật phát biểu sau đó đều “xin thêm vài phút” để trình bày. Dù vậy, những gì mà Ban tổ chức thu nhận được chắc hẳn gấp nhiều lần những gì họ chờ đợi.

Hàng chục ý kiến chất lượng, nói thẳng vào những bất cập không một chút né tránh, thậm chí có cả những câu hỏi gay gắt đến từ những doanh nghiệp, các hiệp hội trong và ngoài nước đã được đặt ra cho Chính phủ


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ các chủ doanh nghiệp bên lề hội nghị.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ các chủ doanh nghiệp bên lề hội nghị.

Buổi làm việc cho thấy quyết tâm của Chính phủ

Hơn 14h ngày 29/4, cuộc họp kết thúc thì chỉ gần 1 tiếng sau đó Thủ tướng đã họp ngay với các bộ trưởng cũng tại Dinh Độc Lập để tháo gỡ những khó khăn được các doanh nghiệp đặt ra trong buổi sáng. Đến gần 18h cùng ngày cuộc làm việc này mới kết thúc.

Tuy báo chí không được tham gia cuộc gặp này nhưng theo lời Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc thì trong cuộc họp này Thủ tướng đã đề nghị VCCI tập hợp các kiến nghị chuyển tới các bộ ngành địa phương và báo cáo với Thủ tướng.

“Các bộ ngành, địa phương phải giải quyết đến nơi đến chốn và không để tình trạng nước đổ đầu vịt” – ông Lộc nhắc lại lời kết luận của Thủ tướng.

Bằng giọng không giấu được vẻ vui mừng, ông Lộc cũng cho biết rằng ngay sau khi phiên làm việc buổi sáng kết thúc ông đã nhận được hàng chục cuộc gọi, tin nhắn của đồng nghiệp, bạn bè là chủ các doanh nghiệp chỉ để bày tỏ sự kỳ vọng vào thái độ quyết liệt của Thủ tướng.

“Bọn em nghe mà vui quá, dù không giải quyết ngay nhưng nó cho thấy thái độ cầu thị, quyết tâm của Chính phủ khi lắng nghe và giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp” – ông Lộc chia sẻ về một tin nhắn ông nhận được.

“Không! Tôi chắc chắn những kiến nghị của doanh nghiệp không thể giải quyết ngay được, phải có thời gian, nhưng điều đó với tôi không quan trọng! Quan trọng là chúng tôi được tới đây để trực tiếp nói với Thủ tướng những khó khăn của mình, thế là chúng tôi thỏa mãn rồi! Tôi muốn ông và Chính phủ thấy được mọi việc đã rất khẩn cấp.

Bạn thấy đó, với những phát biểu sáng nay tôi tin rằng mọi người đều hiểu” – Giám đốc một doanh nghiệp dệt may tại TP.HCM nói với phóng viên.

Trong khi đó, phía cơ quan quản lý cũng cho rằng họ đã thật sự kỳ vọng và cuối cùng đạt được kỳ vọng vào buổi gặp ngày 29/4.

“Cái được lớn nhất là chúng tôi thấy được thái độ, khát vọng của doanh nghiệp với đất nước.

Nếu họ đã dám nói thẳng, nói thật trước mặt Thủ tướng thì không có lý do gì họ không phản ứng lại những phiền hà đến từ cơ quan công quyền.

Đó là điều chúng tôi trông đợi, vì dù bản thân chúng tôi luôn cải cách nhưng nếu có sự trợ giúp đó thì thời gian sẽ giảm đi rất nhiều, cải cách sẽ triệt để hơn" – một vị lãnh đạo bộ tham gia buổi gặp nói.

Không chỉ dừng lại ở việc gặp gỡ giới chủ doanh nghiệp, ngay hôm sau, ngày 30/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã xuống Đồng Nai để đối thoại trực tiếp cùng 3.000 công nhân.

Gần 3 tiếng đồng hồ làm việc Thủ tướng đã giải đáp tất cả thắc mắc của công nhân bằng thái độ rất cởi mở, thân thiện.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại