6 thói quen gây hại sức khỏe, ảnh hưởng từ tim đến gan

Mây |

Thói quen không lành mạnh có thể gây hại cho sức khỏe. Dưới đây, các chuyên gia y tế và chăm sóc sức khỏe sẽ chỉ ra 6 thói quen gây ảnh hưởng đến sức khỏe mà bạn cần tránh.

Thói quen không lành mạnh có thể gây hại cho sức khỏe. Dưới đây, các chuyên gia y tế và chăm sóc sức khỏe sẽ chỉ ra 6 thói quen gây ảnh hưởng đến sức khỏe mà bạn cần tránh.

1. Lạm dụng rượu, bia

Uống rượu thường xuyên là một trong những thủ phạm chính gây tổn hại đến sức khỏe tổng thể. Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng uống rượu quá mức cho phép có thể gây ảnh hưởng đến các cơ quan trong cơ thể.

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC), Mỹ, uống nhiều rượu có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe lâu dài như huyết áp cao, bệnh tim mạch, bệnh gan và các vấn đề về tiêu hóa. Ngoài ra, lạm dụng rượu bia cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư, khiến hệ thống miễn dịch suy yếu và gây ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần, suy giảm trí nhớ.

Thành phần chính của rượu là ethanol. Ethanol sẽ được chuyển hóa thông qua hệ thống enzym ADH và tạo thành acetaldehyde - một chất gây hại cho các cơ quan trong cơ thể. Sau đó, acetaldehyde sẽ được chuyển hóa tiếp thành các chất khác và thải ra bên ngoài. Tuy nhiên, uống quá nhiều rượu bia khiến gan không kịp tạo ra enzym để chuyển hóa acetaldehyde khiến chất này ứ đọng trong cơ thể và gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh, tim mạch, dạ dày và đặc biệt gây hại cho gan.

Thỉnh thoảng, bạn uống một hai ly rượu sẽ không gây ảnh hưởng quá lớn tới sức khỏe. Tuy nhiên nếu bạn có thói quen uống nhiều rượu với tần suất dày đặc thì bạn cần thay đổi ngay vì nó thật sự không tốt cho sức khỏe.

6 thói quen gây hại sức khỏe, ảnh hưởng từ tim đến gan - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

2. Không chú ý hàm lượng calo trên bao bì các loại đồ uống đóng chai

Đối với các loại đồ uống đóng chai, đóng hộp trong siêu thị, chuyên gia dinh dưỡng Amy Shapiro, người sáng lập và giám đốc của Real Nutrition cho biết, mọi người cần đọc kỹ thành phần và hàm lượng calo trên bao bì sản phẩm để cân nhắc liều lượng sử dụng. Như vậy, bạn sẽ tránh được tình trạng nạp quá nhiều calo hoặc đường vào cơ thể, từ đó hạn chế được nguy cơ thừa cân, béo phì và các vấn đề sức khỏe khác.

Theo chuyên gia dinh dưỡng Shapiro, các loại đồ uống như nước trái cây đóng hộp, nước ngọt,... đều cần phải uống với lượng vừa đủ, tránh uống quá nhiều để bảo vệ sức khỏe.

3. Thường xuyên uống đồ uống chứa caffeine

Nếu bạn nhận thấy cơ thể có một số triệu chứng như bứt rứt, bồn chồn khó chịu khi không dùng các loại đồ uống có chứa caffein trong ngày thì rất có thể bạn đang lạm dụng và dần phụ thuộc vào các loại đồ uống chứa caffeine. Đây là một thói quen không tốt cho sức khỏe.

“Thường xuyên uống các thức uống chứa caffein như cà phê và một số loại nước tăng lực có thể làm tăng nhịp tim, khiến tim hoạt động nhiều hơn mức cần thiết gây ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch”, Deena Adimoolam, bác sĩ Y khoa tại Summit Health cho biết.

Bác sĩ Adimoolam cho biết: “Nếu trái tim không khỏe mạnh thì sẽ không thể sản sinh và vận chuyển và cung cấp máu đến các cơ quan trong cơ thể, từ đó sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe”.

Bác sĩ Adimoolam giải thích: “Nếu bạn thường xuyên uống những loại đồ uống chứa caffeine, bạn cần chú ý đến các dấu hiệu cảnh báo cơ thể đang nạp quá nhiều caffeine”. Các dấu hiệu bao gồm tim đập nhanh, mất ngủ, luôn bồn chồn, lo lắng, tăng tiết mồ hôi, trào ngược dạ dày. Khi cơ thể xuất hiện các dấu hiệu này có nghĩa là bạn cần cắt giảm lượng caffeine nạp vào cơ thể. Nếu cơ thể vẫn tiếp tục xuất hiện các triệu chứng trên ngay cả khi đã dừng uống các loại đồ uống chứa caffeine, lúc này bạn cần đến gặp bác sĩ ngay lập tức để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

6 thói quen gây hại sức khỏe, ảnh hưởng từ tim đến gan - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

4. Không cung cấp đủ nước cho cơ thể

Lisa Moskovitz, chuyên gia dinh dưỡng, giám đốc điều hành của Tập đoàn Dinh dưỡng NY, cho biết: “Cung cấp đủ nước là biện pháp đơn giản giúp các cơ quan trong cơ thể đặc biệt là gan, thận hoạt động tốt hơn".

Tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng Châu Âu đã công bố một nghiên cứu cho thấy thường xuyên uống nhiều nước có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu đối với nam giới. Nghiên cứu được thực hiện trên hơn 16.000 người trưởng thành. Các nhà nghiên cứu báo cáo rằng những người đàn ông uống từ 4 đến 7 cốc nước mỗi ngày ít có nguy cơ mắc gan nhiễm mỡ không do rượu và nguy cơ này giảm đáng kể hơn nữa đối với những người đàn ông uống nhiều hơn 7 cốc nước mỗi ngày.

Gan nhiễm mỡ không do rượu được mệnh danh là "căn bệnh thầm lặng" bởi bệnh có ít hoặc gần như không có triệu chứng ban đầu. Khi bệnh tiến triển nặng hơn, bệnh nhân có thể xuất hiện tình trạng mệt mỏi, đau bụng, chán ăn, dễ bầm tím hoặc chảy máu thậm chí còn có thể gây nhiều biến chứng sức khỏe khác.

Do đó, chuyên gia Moskovitz cho rằng mọi người nên uống đủ nước (1,5 - 2 lít nước mỗi ngày) để giúp gan và các cơ quan khác của cơ thể luôn khỏe mạnh.

5. Thích uống đồ uống có đường

Theo một nghiên cứu trên tạp chí Clinical Gastroenterology and Hepatology, uống một hoặc nhiều loại đồ uống có đường hàng ngày trong vòng 5 - 7 năm có thể dẫn đến bệnh gan nhiễm mỡ. Hàm lượng đường cao thường được tìm thấy trong các loại nước ngọt, nước trái cây có đường, hoặc các loại nước uống thể thao được gan chuyển hóa thành chất béo. Chất béo tích tụ trong thời gian dài có thể gây ảnh hưởng tới chức năng gan.

Chuyên gia Moskovitz giải thích rằng hạn chế hoặc thay thế các loại đồ uống có đường như nước ngọt có gas, nước trái cây đóng hộp, nước uống thể thao và trà có đường bằng các loại đồ uống ít hoặc không đường sẽ giúp bạn bảo vệ chức năng gan luôn khỏe mạnh.

6 thói quen gây hại sức khỏe, ảnh hưởng từ tim đến gan - Ảnh 3.

Ảnh minh họa.

6. Chọn nước ép thay vì ăn rau củ quả

Các loại trái cây và rau củ chứa nhiều vitamin, khoáng chất và giàu chất xơ. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng ăn nhiều trái cây và rau củ có thể giúp hỗ trợ hoạt động của hệ tiêu hóa, tăng cường sức đề kháng và bảo vệ sức khỏe.

Tuy nhiên, nước ép trái cây lại loại bỏ hoàn toàn chất xơ có trong các loại rau củ quả, làm giảm đáng kể lợi ích của các loại rau củ quả. Chuyên gia dinh dưỡng Sarah Rueven cho biết: “Nước ép trái cây thiếu chất xơ vì trong quá trình ép lấy nước, chất xơ từ các loại rau củ quả đã bị loại bỏ hoàn toàn".

Nước ép trái cây chứa nhiều đường nhưng lại thiếu chất xơ, nếu uống quá nhiều có thể khiến lượng đường trong máu tăng lên. Chuyên gia chăm sóc sức khỏe Melissa Pfeister cho biết cả đường tự nhiên (đường trong các loại rau củ quả) và đường nhân tạo đều có tác động tiêu cực đến cơ thể, gây ảnh hưởng đến sức khỏe đường ruột và sức khỏe não bộ nếu tiêu thụ quá nhiều hoặc quá thường xuyên.

Do đó, bạn nên hạn chế uống quá nhiều nước ép trái cây, nếu uống hãy thêm đá hoặc pha loãng với nước để hạn chế lượng đường tiêu thụ. Ngoài ra, bạn cũng có thể ăn trực tiếp hoặc thử uống các loại sinh tố vì chúng vẫn giữ được hàm lượng chất xơ trong các loại rau củ quả, từ đó đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Nguồn: Eat this not that

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại