Ai trên đời chẳng có lúc phải khóc. Đến cá sấu đôi khi còn chảy nước mắt cơ mà. Nhưng bạn có bao giờ nghĩ: Vì sao bạn lại khóc, và nước mắt từ đâu ra? Có phải chỉ có lúc khóc bạn mới có nước mắt không?
Thực ra, nước mắt của bạn ẩn chứa nhiều sự thật thú vị hơn bạn nghĩ rất nhiều. Hãy xem những sự thật đó là gì?
1. Có tới 3 loại nước mắt
Và chúng có tác dụng khác nhau. Theo Robert Provine - giáo sư thần kinh sinh học và tâm lý học tại ĐH Maryland (Mỹ), thứ nước mắt phổ biến nhất là "nước mắt cơ bản" - basal tear - loại nước luôn tồn tại trong mắt chúng ta. Nó giúp duy trì độ ẩm cho mắt, cải thiện chức năng của mắt, và ngăn chặn khả năng nhiễm khuẩn.
Tiếp theo là "nước mắt kích ứng" - irritation tears - loại nước mắt tuôn ra khi mắt của bạn gặp tác nhân nào đó, kiểu như lúc thái hành hoặc khi mắc các bệnh về mắt chẳng hạn. Nó giúp xoa dịu cảm giác đau nhức, kèm theo một số chất diệt khuẩn để mắt bạn nhanh lành hơn.
Và cuối cùng chính là nước mắt cảm xúc - emotional tear - thứ nước mắt bạn nhận được khi khóc. Đây cũng chính là loại nước mắt bí ẩn nhất, vì các chuyên gia đến nay vẫn chưa thực sự hiểu hết về nó.
2. Nước mắt cảm xúc là cách con người giao tiếp với nhau
Theo Provine, nước mắt cảm xúc là thứ còn sót lại trong quá trình tiến hóa của con người, giúp chúng ta sinh tồn trong quá khứ.
Cụ thể hơn, Provine đã từng thực hiện một thí nghiệm về nước mắt. Kết quả cho thấy, nước mắt khiến một gương mặt trở nên buồn thê lương hơn, trở thành một dấu hiệu cho thấy một người đang cần sự giúp đỡ.
Và chắc bạn cũng hiểu, sự kết nối và nương tựa giữa người với người chính là thứ giúp nhân loại tồn tại đến ngày hôm nay.
3. Nước mắt cảm xúc, nhưng không phải lúc nào cũng sử dụng đúng mục đích
Vì đó còn là cách con người kiểm soát người khác, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ. Theo Kalu Singh - cựu cố vấn tại ĐH Cambridge (Anh), trẻ con khóc suốt ngày nhưng không phải vì chúng buồn, mà đó là cách để gia tăng sự chú ý của người lớn và tạo dựng lợi thế cho mình.
Ông cho biết: "Khóc, bất kể là khóc to hay khóc thút thít, là cách để trẻ con đạt được những gì chúng muốn - sự chú ý, quan tâm chăm sóc từ người lớn, đồ ăn, hay thậm chí chỉ là cách để chúng... trả thù ai đó".
Mà không chỉ trẻ con, người lớn cũng có thể khóc để giải quyết các tình huống khó khăn. Theo Singh: "Khi khóc, chúng ta chẳng thế nghĩ được gì, thậm chí đến thở cũng khó. Vì thế, khóc giống như một cách xả hơi, câu giờ để khỏi phải giải thích điều gì hết".
4. Nước mắt có thể chữa bệnh
Người ta thường nói cứ khóc to lên, khóc hết đi rồi mọi chuyện sẽ ổn thôi. Quan niệm này thực ra có vẻ đúng.
Theo Ruthie Smith - chuyên gia tâm lý trị liệu của Anh thì những bệnh nhân của cô sau khi khóc đều cảm thấy tâm trạng khá hơn.
Smith cho biết: "Khi con người quá căng thẳng hoặc đang bị tổn thương tâm lý, họ tự tách bản thân ra khỏi cảm xúc của mình, vì phản ứng của cơ thể lúc này là tập trung để tồn tại. Nếu như có thể khiến họ khóc thật to, năng lượng cơ thể sẽ được giải phóng và bệnh nhân sẽ cảm thấy bình tĩnh, cân bằng hơn".
5. Nước mắt rơi không chỉ vì buồn
Rõ ràng! Vì người ta còn khóc vì vui nữa.
"Có vẻ như những giọt nước mắt khi vui là hệ quả của việc cảm xúc quá trào dâng" - Oriana Aragón - nhà tâm lý học tại ĐH Yale (Mỹ) cho biết. "Lúc này người ta khóc là để tự cân bằng lại cảm xúc bên trong".
Aragón cũng tin rằng những giọt nước mắt kiểu này nhằm mục đích đưa ra một tín hiệu với người khác, rằng họ cần giúp đỡ để cân bằng lại cảm xúc. Một cái ôm, vỗ nhẹ trên lưng sẽ là phản ứng cực kỳ tuyệt vời.
Tuy nhiên, có khá nhiều tranh cãi về việc rơi nước mắt khi vui thực sự tồn tại, hay đó là nỗi buồn mà ngay bản thân người khóc cũng không nhận ra. Theo Aragón: "Một số chuyên gia cho rằng khóc vì vui thực ra là phản ứng của nỗi buồn, dù người khóc cũng không nhận ra điều đó".
Sự thật như thế nào thì chưa rõ, nhưng cũng có khá nhiều báo cáo cho thấy người khóc có cảm xúc tích cực, thay vì tiêu cực. Vậy nên, cảm nhận về nước mắt như thế nào tạm thời vẫn tùy thuộc vào bạn thôi.
6. Không chỉ loài người biết khóc
Thật vậy! Theo Kim Bard - giáo sư tâm lý học tại ĐH Portsmouth (Anh): "Các bằng chứng cho thấy không chỉ loài người biết khóc theo cảm xúc. Rất nhiều loài linh trưởng có khả năng thể hiện nỗi buồn bằng cách kêu khóc. Có điều, chúng không chảy nước mắt thôi".
Nhưng thậm chí, một số loài động vật còn biết khóc thực sự. Ví dụ điển hình là vào năm 2014, các chuyên gia bảo tồn động vật hoang dã cho biết họ đã nhìn thấy một chú voi rơi nước mắt khi được giải thoát sau 50 năm sống trong cảnh gông cùm.
Bằng chứng là vậy, còn thực ra vì động vật không biết nói, nên chúng ta cũng chưa thể kết luận hẳn được rằng chúng có khóc thật hay không. Có điều, các xét nghiệm và nghiên cứu đang dần chứng minh điều này là sự thật.
Nguồn: BuzzFeed