6 sát thủ "nhỏ nhưng có võ" của tự nhiên: Có cả loài giết người nhiều nhất trong lịch sử

Vũ Huế |

Những loài vật này có hình thể bé nhỏ thôi, nhưng không ai có thể coi thường chúng.

Chúa sơn lâm to khỏe, oai dũng, hay báo, gấu, cá sấu... hung tợn mới là mối nguy hiểm lớn nhất với sự sống còn của loài người giữa tự nhiên ư?

Nhầm rồi! Từ thuở sơ khai khi còn quanh quẩn trong cái nôi Châu Phi, con người đã quen với việc phát hiện nguy cơ nhãn tiền và biết được rằng phải nhanh chân chạy đi rồi. Cái giết được con người thực ra lại là những sát thủ nhỏ bé và gần gũi hơn bạn tưởng rất nhiều.

1. Muỗi – sát thủ hàng đầu lịch sử

Muỗi (tên khoa học là Culicidae) là loài côn trùng đông đảo nhất trên thế giới. Chúng sinh trưởng ở khắp mọi nơi, thích nghi với mọi kiểu môi trường. Dù có đi đến đâu đi nữa, bạn cũng vẫn phải đối mặt với nỗi phiền phức mang tên "có muỗi".

6 sát thủ nhỏ nhưng có võ của tự nhiên: Có cả loài giết người nhiều nhất trong lịch sử - Ảnh 1.

Muỗi cũng nhỏ xíu, yếu nhớt. Chúng chỉ nặng 2-2,5 mg, căng sức mà bay mới được 2,5km/h. Nếu nhanh tay một chút thì ngay cả con nít cũng vỗ trúng muỗi đang bay.

Nhưng khổ nỗi chí ít thì thế giới cũng có tới 3.500 loài muỗi. Trung bình mỗi năm, chúng cướp đi sinh mạng của 725.000 người. So với chó sói hay cá mập ư? Chúng chỉ lấy đi tối đa là 10 mạng trên một năm.

Theo thống kê y tế, hơn 50% dân số thế giới luôn trong khả năng bị nhiễm bệnh từ muỗi - bao gồm sốt xuất huyết, sốt vàng, viêm não... Chỉ riêng bệnh sốt rét thôi đã khiến 600.000 người/năm phải từ bỏ cuộc sống.

2. Ruồi tse-tse - sát thủ ru ngủ

Ruồi xê xê còn được gọi là ruồi tse-tse hay ruồi tsetse. Nó có tên khoa học là Glossina, được ghi nhận là loài côn trùng nguy hại nhất Châu Phi vì khả năng gây ra "bệnh ngủ".

6 sát thủ nhỏ nhưng có võ của tự nhiên: Có cả loài giết người nhiều nhất trong lịch sử - Ảnh 2.

Nếu bị ruồi xê xê tấn công, nạn nhân sẽ rơi vào trạng thái mệt mỏi, sốt cao, buồn ngủ, và rồi dẫn đến ngủ mê man đến chết.

Khu vực hoạt động của ruồi xê xê khá lớn, bao gồm 36 nước ở Châu Phi. Mỗi năm, chúng khiến khoảng 500.000 người tại Lục địa Đen mắc phải bệnh ngủ.

Việc điều trị bệnh ngủ rất phức tạp và tốn kém thời gian. Không chỉ thế, căn bệnh này còn có khả năng gây ảnh hưởng lên hệ thống thần kinh dù đã được chữa chạy.

Mục tiêu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hiện nay là cho đến năm 2020 sẽ hoàn thành việc xóa sổ bệnh ngủ tại Châu Phi. Họ đang có thành công nhất định ở một số nước, ví dụ Cộng hòa Dân chủ Congo.

3. Dơi – sát thủ âm thầm lây bệnh dại

Không khó để tiêu diệt dơi nhưng loài người không thể làm như vậy. Hệ sinh thái toàn cầu cần đến dơi, vì dơi ăn quả giúp lây lan hạt giống, còn dơi ăn thịt giúp triệt côn trùng gây hại, ví dụ như muỗi.

6 sát thủ nhỏ nhưng có võ của tự nhiên: Có cả loài giết người nhiều nhất trong lịch sử - Ảnh 3.

Giống như loài chó, dơi có khả năng lây bệnh dại, nhưng không phải con nào cũng bị dại. Khổ nỗi, chúng ta không thể phân biệt dơi mắc bệnh dại và dơi không mắc bằng mắt thường.

Khổ hơn nữa là dơi có thể cắn người đang ngủ mà không khiến họ bị đánh thức. Và dù là động vật có vú, dơi lại biết bay. Nó có thể lây bệnh dại cho ai đó rồi thản nhiên bay mất, còn nạn nhân vẫn cứ điềm nhiên an giấc, đến lúc mở mắt dậy thì... chuyện đã rồi.

4. Ếch độc phi tiêu vàng - lấy mạng tức khắc

Đừng quá lo lắng, ếch độc phi tiêu vàng (Phyllobates terribilis) tuy cực độc nhưng tuyệt đối không sống ở đâu khác ngoài Colombia. Nó cũng chỉ quanh quẩn ở các khu vực rừng mưa nhiệt đới cực kỳ nóng ẩm.

Colombia có nhiều loại ếch độc, nhưng ếch độc phi tiêu vàng là đáng ngại hơn cả. Nó chỉ dài có 1,3-1,5 cm thôi, nhưng một con cũng đủ lấy mạng cỡ 20 đàn ông khỏe mạnh. Chất độc của loài ếch này còn có thể ngấm qua da mà không cần có vết thương hở. Nên nếu lỡ dại động vào loài ếch này, bạn có thể còn chẳng có cơ hội để mà hối hận.

6 sát thủ nhỏ nhưng có võ của tự nhiên: Có cả loài giết người nhiều nhất trong lịch sử - Ảnh 4.

Dữ dằn là vậy, ếch độc phi tiêu vàng đang ở ngưỡng cửa tuyệt chủng. Trong rừng mưa Colombia cũng có một loại rắn có thể ăn cả ếch độc phi tiêu vàng. Chúng là rắn leimadophis epinephelus.

Cái lạ là rắn I. epinephelus chỉ tích cực săn ếch phi tiêu vàng con. Người bản địa cho rằng đó là vì ếch con chưa phát triển hết độc tố, còn rắn thì có thể hóa giải chất độc chưa hoàn thiện này bằng nước bọt của nó.

5. Bạch tuộc đốm xanh - độc nhất họ bạch tuộc

Không nhiều bạch tuộc có độc, nhưng khi đã có thì thuộc dạng kịch độc. Đó chính là bạch tuộc đốm xanh (Hapalochlaena).

Loài bạch tuộc này có thân mình chỉ dài từ 4-6 cm, còn xúc tu thì dài từ 7-10cm. Nó khá hiền lành, chỉ khi gặp nguy hiểm mới phát ra những vòng sáng màu xanh dương trên cơ thể để cảnh báo.

6 sát thủ nhỏ nhưng có võ của tự nhiên: Có cả loài giết người nhiều nhất trong lịch sử - Ảnh 5.

Nọc độc của bạch tuộc đốm xanh thuộc vào hàng kịch độc, có thể gây suy hô hấp cấp. Dù vậy, nếu được cấp cứu bằng cách hô hấp nhân tạo kịp thời, tỷ lệ sống sót gần như là 100%.

Cái nguy hiểm nằm ở chỗ vết cắn của bạch tuộc đốm xanh quá nhẹ. Nó thậm chí không đủ để khiến người bị cắn nhận ra. Trong khi đó, sự phát tác lại quá nhanh. Chỉ 1mg độc của bạch tuộc đốm xanh cũng đủ khiến một người tắt thở tức thì.

Độc khiếp như vậy nhưng nếu muốn, bạn vẫn có thể xơi được loài bạch tuộc này. Bởi thế mới nói kích thước nhỏ bé hóa ra lại là may mắn lớn với chúng, vì người ta chẳng thèm bắt nó.

6. Ốc nón địa lý - chưa có huyết thanh chữa độc

Như mọi loại ốc, ốc nón địa lý (Conus geographus) cũng chậm rù. Nhưng khác ở chỗ chúng ăn thịt chứ không ăn chay, và chúng có độc.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, độc của ốc nón địa lý là tổng hợp của hàng trăm loại độc tố, và chúng ta vẫn chưa chế ra được loại huyết thanh có thể hóa giải độc của chúng. Các bác sĩ chỉ có thể kéo dài thời gian sống cho nạn nhân, chờ chất độc tự tiêu tán.

Tuy chậm chạp nhưng ốc nón địa lý sở hữu hai phương pháp săn mồi độc đáo. Cách thứ nhất là phun nọc độc vào nước, khiến con mồi mất khả năng di chuyển. Cách thứ hai là nằm rình con mồi bơi ngang qua, lao đầu lên đớp bằng hàm răng giống như lao móc.

Một người khỏe mạnh cũng có thể mất mạng sau khi bị ốc nón địa lý cắn chỉ 2 - 3 phút, nhưng bạn không cần phải quá lo lắng. Rất dễ để phân biệt ốc nón địa lý với các loài ốc khác. Chúng dài trung bình 15cm, vỏ có hai màu nâu và trắng, họa tiết vô cùng rõ nét.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại