6 quy tắc trong gia đình vì tương lai con cái đầy hứa hẹn

Hiểu Đan |

Một gia đình có phép tắc và tình yêu thương là phước lành trong cuộc đời của một đứa trẻ.

Bất kỳ cha mẹ nào cũng sẽ gặp phải nhiều vấn đề khác nhau trong quá trình phát triển của trẻ. Khi con cái không nghe lời, cha mẹ thường được khuyên rằng, nên đặt ra một số quy tắc ngay từ khi trẻ còn nhỏ, như thế việc dạy dỗ sẽ phần nào dễ dàng hơn.

Theo các chuyên gia giáo dục, nếu cha mẹ có thể thiết lập được 6 quy tắc này cho con thì con sẽ trưởng thành rất tốt:

6 quy tắc trong gia đình vì tương lai con cái đầy hứa hẹn - Ảnh 1.

Một gia đình có phép tắc và tình yêu thương là phước lành trong cuộc đời của một đứa trẻ. Ảnh minh họa

1. Không lấy đồ của người khác khi chưa được phép

Từng có một chủ đề nóng trên mạng xã hội, nhận được nhiều bình luận của cộng đồng mạng, đó là: "Tại sao những người trẻ tuổi không thích tiếp đón khách khứa bà con ở nhà?". Dưới đây là một câu trả lời:

"Bạn đã bao giờ trải qua cảm giác tuyệt vọng khi bản vẽ thiết kế mất nửa tháng mới hoàn thành lại bị một đứa trẻ được người thân mang đến viết nguệch ngoạc trên đó chưa? Bạn đã bao giờ gặp phải trường hợp điện thoại di động, máy tính bảng hay thỏi son, kem dưỡng da,… bị phá hoại khi 'gấu con' đến nhà bạn chưa?".

Tất cả chúng ta đều không muốn con mình bị gán cho cái mác "thiếu giáo dục", nhưng bạn có bao giờ nghĩ rằng: dù con bạn có làm sai nghiêm trọng thì hầu như rất ít người nhắc nhở bạn rằng con bạn chưa lễ phép. Họ sợ mếch lòng, sợ thêm phiền phức.

Không muốn con cái bị chỉ trích, ghét bỏ sau lưng, cha mẹ nên đặt ra cho con những quy tắc tốt ngay từ khi còn nhỏ. Hãy nói với con không lấy đồ của người khác khi chưa được phép; không vứt rác xuống đất; không gây ồn ào nơi công cộng.

2. Khi gặp người lớn hơn, nên chào hỏi một cách lịch sự, tự tâm chứ không phải do bắt ép

Chào hỏi là điều nên làm, nhưng phần lớn, để chứng tỏ mình là bậc cha mẹ có tư cách, phụ huynh sẽ chỉ thúc giục, ép buộc con cái phải chào các cô, chú khi gặp mặt. Tất nhiên chúng ta nên dạy trẻ phép lịch sự, nhưng phép lịch sự không phải để "ra oai" cho người khác thấy. Lịch sự thực sự là sự chân thành từ trái tim, không chiếu lệ trên hình thức.

Điều này đòi hỏi sự kiên nhẫn hướng dẫn và tu dưỡng của cha mẹ, đồng thời cũng đòi hỏi cha mẹ phải dẫn dắt và làm gương cho con cái. Cha mẹ nên lịch sự với người khác trước, trẻ sẽ tự nhiên trở nên khiêm tốn và lịch sự.

3. Dạy con khi giao tiếp không ngắt lời người khác

Người ta thường nói rằng một đứa trẻ biết nói chuyện sẽ nắm một phần "thành công" trong cuộc đời. Thật vậy, mọi người có xu hướng thích những đứa trẻ hoạt bát, vui vẻ và dám thể hiện bản thân. Tuy nhiên, điều này cũng cần đúng dịp. Thật là thiếu tôn trọng khi ngắt lời ai đó ở mọi lứa tuổi.

Vì vậy, khi trẻ có biểu hiện này, cha mẹ phải nhớ dặn trẻ rằng khi giao tiếp với người khác không được ngắt lời. Nhắc trẻ thay đổi cách nói, dạy trẻ biết lắng nghe thực chất là dạy trẻ biết tôn trọng người khác. Chỉ có như vậy mới có thể tiến xa hơn trên đường đời.

4. Chịu trách nhiệm về những lỗi lầm của chính mình

Mọi đứa trẻ đều có thể phạm sai lầm, nhưng cha mẹ khác nhau xử lý rất khác nhau. Có một cậu bé ở Mỹ bị cha phạt không được đi xe buýt của trường trong một tuần mà phải chạy bộ vì bắt nạt các bạn cùng lớp. Trong tuần này, con chạy trước, bố chạy sau bất chấp thời tiết. Sau sự việc này, đứa trẻ nhận ra hai điểm: Thứ nhất, con người phải trả giá cho những sai lầm của mình. Thứ hai, bố sẽ không ngừng yêu thương mình chỉ vì mình phạm sai lầm.

Không ít những bậc cha mẹ, khi con làm sai điều gì, họ cứ lẽo đẽo theo sau để giải quyết. Khi đứa trẻ lớn lên, lỗi lầm ngày càng nghiêm trọng, cha mẹ không thể chịu đựng được nữa và bắt đầu hối hận. Thực ra, phạm lỗi không đáng sợ, đáng sợ là cha mẹ che đậy lỗi lầm, con cái biết lỗi mà không chịu sửa. Mỗi sai lầm thực sự là một cơ hội tuyệt vời để trẻ học cách chịu trách nhiệm.

Thể hiện trách nhiệm của mình bằng những hành động thiết thực hiệu quả hơn cả vạn câu "Tôi xin lỗi".

5. Đặt những thứ đã sử dụng và những cuốn sách đã đọc trở lại vị trí ban đầu của chúng

Thói quen rất mạnh mẽ, và những thói quen tốt có thể thúc đẩy trẻ tạo ra những thay đổi tích cực có lợi cho trẻ suốt đời. Nhưng việc hình thành thói quen không phải một sớm một chiều, cha mẹ cần giám sát hành vi của con ngay từ khi còn nhỏ.

Ngay cả những điều nhỏ nhặt như đặt những thứ đã sử dụng trở lại vị trí ban đầu cũng có thể giúp trẻ thiết lập ý thức về quy tắc và về trật tự trong quá trình phát triển thói quen. Giúp trẻ hình thành thói quen, suy cho cùng chính là giúp trẻ tìm ra con đường đúng đắn và tiến xa hơn trên đường đời.

6. Có ít nhất một sở thích thể thao

Chúng ta đều biết rằng điều quan trọng là phải có một cơ thể khỏe mạnh. Nhưng hiện nay hầu hết các em do bị tác động bởi môi trường Internet và mải mê học hành mà bỏ bê thể thao. Hãy thử tưởng tượng, một đứa trẻ lẽ ra tràn đầy sức sống lại yếu ớt và dễ bị bệnh khi còn nhỏ. Làm sao bờ vai đó có thể chịu đựng được thử thách trong tương lai?

Các chuyên gia tâm lý đã nhận thấy rằng mọi sự phát triển về trí tuệ và tâm lý của trẻ thực chất đều dựa trên sự phát triển về thể chất. Chỉ có một cơ thể khỏe mạnh mới có khả năng chống chọi với mưa gió.

Có người nói giáo dục con cái thực chất là dựa vào trình độ, tầm nhìn và thái độ của cha mẹ. Cha mẹ khác nhau nuôi dạy con cái rất khác nhau. Nhưng điều chắc chắn là trong một gia đình nề nếp, con cái lớn lên sẽ không "hư". Một gia đình có phép tắc và tình yêu thương là phước lành trong cuộc đời của một đứa trẻ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại