6 năm cung cấp bí mật hạt nhân của Mỹ cho Liên Xô mà FBI không biết: Điệp viên này là ai?

Trang Li |

Tiết lộ bí mật quốc gia của cả Anh và Mỹ cho Liên Xô, điệp viên gốc Đức được The Times (Anh) công nhận là điệp viên thành công nhất lịch sử hiện đại!

6 năm cung cấp bí mật hạt nhân của Mỹ cho Liên Xô mà FBI không biết: Điệp viên này là ai? - Ảnh 1.

Cách đây 70 năm có lẻ, thế giới chính thức bước vào kỷ nguyên vũ khí nguyên tử sau khi Mỹ sản xuất và cho nổ thử nghiệm thành công quả bom hạt nhân mang mật danh "Trinity" vào ngày 16/7/1945.

Để có được "quân bài chiến lược" là vũ khí mạnh nhất trong lịch sử loài người trong tay, ngay trước khi Thế chiến 2 kết thúc, Mỹ đã phải bí mật thực hiện rất nhiều dự án nhằm sản xuất bằng được siêu vũ khí có thể đưa Mỹ lên vị trí dẫn đầu trong cuộc chạy đua mới mang tên Chiến tranh Lạnh sau này với Liên Xô.

Dự án Manhattan (Manhattan Project), "cái nôi" cho ra đời quả bom nguyên tử đầu tiên trong lịch sử nhân loại "Trinity", chính là nỗ lực không ngừng nghỉ của người Mỹ trong những năm Thế chiến 2 đang diễn ra ác liệt.

Trước khi Chiến tranh Thế giới thứ 2 bùng nổ, các nhà khoa học Đức đã có phát hiện quan trọng làm thay đổi mãi mãi sức mạnh vũ khí tương lai: Nguyên tử hóa học Uranium khi bị bắn phá mạnh có thể giải phóng một nguồn năng lượng hủy diệt rất lớn. Phát hiện này đặt nền tảng cho ý tưởng sản xuất một loại bom có sức công phá vô cùng lớn.

Năm 1939, sau khi hay tin tình báo các nhà khoa học Đức đang bí mật nghiên cứu nhằm chế tạo vũ khí áp dụng công nghệ hạt nhân, nguy hiểm hơn, Adolf Hitler đặt rất nhiều hy vọng vào loại vũ khí hủy diệt này cho những nước cờ của hắn, thì Tổng thống Mỹ thời bấy giờ là Franklin D. Roosevelt ra sắc lệnh khởi động "quân bài chiến lược" nhằm đáp trả lại những mối nguy hiểm tiềm tàng từ dự án của Adolf Hitler.

Đầu tiên, Tổng thống Roosevelt thành lập Ủy ban Tư vấn về Uranium. Ủy ban gồm các nhà khoa học và quan chức quân sự có trọng trách tìm hiểu vai trò của Uranium trong sản xuất vũ khí hủy diệt.

Dựa trên những phát hiện của ủy ban, chính phủ Mỹ bắt đầu tài trợ cho nghiên cứu của Enrico Fermi và Leo Szilard thuộc Đại học Columbia, nhằm tập trung vào các phương pháp tách đồng vị phóng xạ (còn gọi là làm giàu urani) và phản ứng dây chuyền hạt nhân.

Năm 1940, Ủy ban Tư vấn về Uranium đổi tên thành Ủy ban Nghiên cứu Quốc phòng, trước khi được đổi tên thành Văn phòng Nghiên cứu và Phát triển Khoa học (OSRD) vào năm 1941 và bổ sung Fermi vào danh sách các thành viên.

Cũng trong năm đó, sau cuộc tấn công của Nhật Bản tại Trân Châu Cảng, Tổng thống Roosevelt tuyên bố, nước Mỹ sẽ bước vào Thế chiến 2 và sẽ cùng với Anh, Pháp và Liên Xô chống lại người Đức ở châu Âu và người Nhật Bản ở khu vực Thái Bình Dương.

Công binh Lục quân Mỹ gia nhập OSRD năm 1942 dưới sự chấp thuận của Tổng thống. Dự án chính thức trở thành sáng kiến quân sự, với vai trò chủ chốt của các nhà khoa học tài năng.

Khi Thế chiến 2 đang nổ ra mạnh mẽ, nhiều nhà khoa học châu Âu chạy tị nạn sang Mỹ, trong đó có nhà bác học nổi tiếng người Đức Albert Einstein, người về sau đã đề nghị Mỹ hỗ trợ công cuộc nghiên cứu phân tách hạt nhân của Uranium.

Cuối cùng, vào ngày 28//12/1942, Tổng thống Roosevelt thành lập Manhattan Project để kết hợp những nỗ lực nghiên cứu khác nhau trước đó với mục tiêu vũ khí hóa năng lượng hạt nhân.

Các cơ sở nghiên cứu và thử nghiệm vũ khí được xây dựng tại các địa điểm xa xôi ở bang New Mexico, Tennessee và Washington, cũng như các địa điểm của Canada.

Nhà vật lý lý thuyết người Mỹ J. Robert Oppenheimer, một trong những "cha đẻ của vũ khí nguyên tử", là người lãnh đạo Manhattan Project.

Là nơi tập hợp của hàng trăm nhà bác học đại tài cùng số kinh phí khổng lồ, Dự án Manhattan nhanh chóng "hái quả ngọt". Ngày 16/7/1945, tại một địa điểm trên sa mạc xa xôi gần Alamogordo, bang New Mexico, quả bom nguyên tử đầu tiên của nhân loại đã được phát nổ thành công - Trinity Test - tạo ra một đám mây nấm khổng lồ cao khoảng 12.000m. Trinity Test chính thức mở ra kỷ nguyên nguyên tử của thế giới.

6 năm cung cấp bí mật hạt nhân của Mỹ cho Liên Xô mà FBI không biết: Điệp viên này là ai? - Ảnh 2.

"Trinity" tạo ra một đám mây nấm khổng lồ cao khoảng 12.000m. Nguồn: Rare Historical Photos

Các nhà khoa học làm việc dưới quyền của J. Robert Oppenheimer đã phát triển hai loại bom riêng biệt: Một quả bom lấy nhiên liệu là Uranium có tên là "The Little Boy - Cậu Bé", quả bom thứ hai lấy nhiên liệu là Plutonium có tên là "The Fat Man - Gã Béo".

Cả "The Little Boy" và "The Fat Man" đều là những vũ khí chiến lược mà Mỹ dùng để chấm dứt chiến tranh nhanh chóng. Giới lãnh đạo quân đội của Dự án Manhattan xác định, thành phố Hiroshima của Nhật Bản, là mục tiêu lý tưởng để thả bom.

Nói là làm, ngày 6/8/1945, "The Little Boy" nổ tung trên bầu trời Hiroshima (cách mặt đất khoảng 600m), tạo nên sự tàn phá chưa từng có trong lịch sử. Ba ngày sau, ngày 9/8/1945, Mỹ tiếp tục thả "The Fat Man" xuống thành phố Nagasaki của Nhật, phá hủy toàn bộ nhà cửa, con người trên một vùng rộng hơn 3 dặm vuông.

Hai quả bom nguyên tử của Mỹ đã giết chết hơn 100.000 người và san bằng hai thành phố của Nhật. Kết quả, ngày 14/8/1945, Nhật đầu hàng, trước đó khoảng 3 tháng, Đức cũng xin hàng. Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc. Kết thúc luôn "giấc mộng" sử dụng vũ khí hạt nhân của trùm phát xít Đức Adolf Hitler.

Tạm gác những diễn biến của cuộc chiến tranh lớn trong lịch sử nhân loại sang một bên. Trở lại với Dự án Manhattan. Trong số hàng trăm nhà khoa học góp công cho dự án khổng lồ, có một nhà bác học mang tên Klaus Fuchs - người sau này bị truy nã vì đã tiết lộ "bí mật quốc gia" về bom nguyên tử cho Liên Xô.

6 năm cung cấp bí mật hạt nhân của Mỹ cho Liên Xô mà FBI không biết: Điệp viên này là ai? - Ảnh 3.

16 năm sau khi Mỹ cho nổ qua bom đầu tiên trong lịch sử nhân loại, người Liên Xô đáp trả bằng một quả "bom vua" - bom Sa Hoàng - có sức hủy diệt mạnh nhất trong lịch sử vũ khí hạt nhân tính đến thời điểm hiện nay.

Mặc dù đi sau Mỹ nhưng thứ mà Liên Xô đạt được khiến cho chính Mỹ phải nể sợ! Nhờ đâu mà Liên Xô nhanh chóng phát triển được loại bom có sức công phá khủng khiếp đến vậy? Phải chăng, những bí mật trong Dự án Manhattan đã bị rò rỉ?

-------

Trong cuốn sách "The Spy Who Changed the World" (tạm dịch: Chuyện về điệp viên làm thay đổi thế giới, viết về điệp viên Klaus Fuchs) của tác giả nổi tiếng người Anh Mike Rossiter, có đoạn miêu tả công việc nghiên cứu và chế tạo bom nguyên tử của các nhà khoa học cho Mỹ trong Dự án Manhattan là công việc "bí mật nhất thế kỷ 20".

Đối với riêng nước Mỹ, để chế tạo thành công siêu vũ khí khiến cả thế giới bàng hoàng, tất yếu cần sự bí mật. Đó là lý do họ đặt bí danh cho dự án (là Manhattan Project) và đặt tên cho quả bom nguyên tử đầu tiên trong lịch sử nhân loại là "Trinity".

Bí mật xây dựng. Bí mật nghiên cứu và chế tạo. Rồi cũng bí mật thả hai quả bom xuống hai thành phố của Nhật Bản... cuối cùng, người Mỹ cũng phải trả một cái giá không hề nhỏ: Những "bí mật quốc gia" về chương trình vũ khí hạt nhân lọt đến tai người Liên Xô.

Và người tiết lộ không ai khác chính là Klaus Fuchs - nhà bác học gốc Đức làm việc cho chính Manhattan Project!

6 năm cung cấp bí mật hạt nhân của Mỹ cho Liên Xô mà FBI không biết: Điệp viên này là ai? - Ảnh 4.

Chân dung Klaus Fuchs chụp năm 1940. Ảnh: Gizmodo

Ông là ai mà The Times (UK) phải công nhận rằng: "Klaus Fuchs là điệp viên thành công nhất lịch sử hiện đại!"?

Klaus Fuchs là một nhà khoa học người Anh gốc Đức. Năm 1933, ông cùng gia đình rời bỏ quê hương (Đức), chạy tị nạn đến Anh để tránh sự tàn bạo của Đức Quốc xã. Tại Anh, Klaus Fuchs có được tấm bằng Tiến sĩ Vật lý trong tay sau nhiều năm chuyên tâm học tập, nghiên cứu.

Nhờ tài năng, Klaus Fuchs được chính phủ Anh mời tham dự vào chương trình phát triển vũ khí nguyên tử mang mật danh "Tube Alloys".

Khi công cuộc nghiên cứu đang diễn ra suôn sẻ, Klaus Fuchs bắt đầu cảm thấy khó hiểu khi cả Mỹ, Anh và Canada thường xuyên trao đổi với nhau về các dự án phát triển vũ khí hạt nhân mà lờ đi một đồng minh khác là Liên Xô. Từng là thành viên của Đảng Cộng sản Đức, Klaus Fuchs cho rằng bản thân mình cần giúp đỡ đồng minh Liên Xô.

Ông đến đại sứ quán Liên Xô tại Anh và gặp được đúng người. Đúng lúc Klaus Fuchs được nhập quốc tịch Anh là lúc ông bắt đầu sự nghiệp tình báo của mình. Sau khi dự án "Tube Alloys" bắt đầu, Klaus Fuchs bí mật gửi các tài liệu nghiên cứu nguyên tử của Anh cho điệp viên Liên Xô.

Cuối năm 1943, Klaus Fuchs nằm trong danh sách những nhà bác học tài năng người Anh sang Mỹ phục vụ cho Dự án Manhattan. Dự án được chính phủ Mỹ đầu tư hàng tỷ đô này nhanh chóng thành công với sự ra đời lần lượt của "Trinity", đến "The Little Boy" và "The Fat Man".

Nhờ đó, những tài liệu bí mật mà Klaus Fuchs truyền cho phía Liên Xô có ý nghĩa hơn bao giờ hết. Liên Xô tất yếu nắm được nguyên liệu cơ bản để chế tạo bom nguyên tử.

Sau sự kiện Mỹ thả hai quả bom nguyên tử xuống Nhật Bản, nhận thấy thứ vũ khí này mang đến sự hủy diệt khủng khiếp, Klaus Fuchs tin mình đã hành động đúng khi tiết lộ bí mật cho Liên Xô.

Sau khi Chiến tranh Thế giới thứ 2 kết thúc, Klaus Fuchs trở về Anh, tiếp tục công việc của mình trong dự án phát triển bom nguyên tử của nước này.

Vào năm 1949, cả Cục tình báo Anh (MI5) và Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đều nghi ngờ Klaus Fuchs. Cuối cùng, FBI xác định, Klaus Fuchs là gián điệp cho Liên Xô.

Ngày 3/2/1950, Scotland Yard bắt giữ Klaus Fuchs và buộc tội tiết lộ bí mật quốc gia. Sau khi bị bắt giữ, Klaus Fuchs nhanh chóng nhận tội và kể lại toàn bộ quá trình làm gián điệp của mình cho Liên Xô. Phiên tòa xét xử Klaus Fuchs diễn ra trong 90 phút. Cuối cùng, ông nhận bản án 14 năm tù giam và bị tước quốc tịch Anh.

Vài tháng sau khi Klaus Fuchs bị bắt, Liên Xô lên tiếng phủ nhận toàn bộ sự việc và cho rằng câu chuyện mà Klaus Fuchs đưa ra là hoàn toàn bịa đặt!

Sau 9 năm thụ án, nhờ cải tạo tốt, Klaus Fuchs được thả tự do. Ông nhanh chóng đến Đông Đức, nhập quốc tịch, sống cùng cha mình đến hết đời. Klaus Fuchs mất năm 1988.

Nguồn: The Guardian, History, Gizmodo, The Times (UK)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại