Và có một sự thật đáng sợ là chúng ta dễ dàng gắn cuộc sống của mình với những sản phẩm đã mua, để rồi trở nên "nhạy cảm" tới mức coi những những đánh giá không tốt về sản phẩm ta đang dùng trở thành những lời lẽ công kích cá nhân nhắm vào khả năng lựa chọn của bản thân ta.
Nhưng thật sự thì bạn cũng đừng quá buồn, vì không chỉ riêng bạn đâu, chuyện so kè, không chịu thua kém nhau này đã bắt đầu từ thời đại của Tesla và Edison, thậm chí là trước đó.
Dưới đây là những cặp "kỳ phùng địch thủ" nổi tiếng nhất trong làng công nghệ; chúng không chỉ nổi tiếng về thương hiệu mà còn cả về "lực lượng" fan hâm mộ sẵn sàng chiến đấu để "bảo vệ danh dự" cho cái tên mà mình đã chọn.
Windows và Mac
Đây là một trong những cuộc chiến lâu đời nhất trong giới công nghệ. Apple còn không ít lần tận dụng cuộc chiến này để triển khai chiến dịch quảng cáo . Bạn chọn Windows hay là Mac?
Giống với những gì người ta vẫn hay so sánh giữa Android và iOS, cuộc đấu giữa Mac và PC thực chất ra chính là sự đấu tranh giữa hai lập trường: "dễ sử dụng" và "khả năng cá nhân hóa".
Người dùng Windows 10 không chỉ có khả năng truy cập bề nổi của hệ điều hành này, mà họ hoàn toàn có quyền truy cập sâu hơn vào phần hệ thống cốt lõi sâu bên trong. Ngược lại, Mac lại được thiết kế để khiến cho mọi thành phần của hệ thống trở nên trực quan, dễ dàng sử dụng và dễ tiếp cận hơn.
Song để có thể chạm tới mục tiêu trên, hệ điều hành macOS sẽ giới hạn khả năng truy cập vào phần hệ thống lõi của người dùng. Nhưng theo nhiều người thì ở khoản cài đặt và xóa bỏ một phần mềm trên macOS sẽ dễ dàng hơn trên Windows.
Mà thật vậy, nếu muốn xóa ứng dụng, bạn có thể tìm và xóa ứng dụng đó ngay trên thanh tìm kiếm luôn chứ không… mà thôi, có lẽ không nên đổ thêm dầu vào lửa.
Tổng thể mà nói thì sẽ có những nhóm người cảm thấy dòng máy Mac phù hợp với mình. Đó là nhóm người bao gồm những người hoạt động chuyên nghiệp trong ngành sáng tạo, học sinh, sinh viên,…
Đây là nhóm đối tượng cảm thấy hình thức quan trọng hơn số lượng chức năng. Tất nhiên, PC cũng có nhóm đối tượng riêng của mình. Đó có thể là những lập trình viên, game thủ, những người có sở thích tự ráp cho mình dàn máy theo ý muốn. Ít nhất thì chẳng mấy ai trong số chúng ta lại muốn bỏ thời gian và công sức ra để tự tay ráp một dàn máy chạy macOS cả.
Trong những năm trở về đây, mức độ căng thẳng của những cuộc đấu khẩu này đã có phần hạ bớt, một phần là bởi điện thoại thông minh đang dần đóng vai trò là một chiếc "máy tính" chính trong nhu cầu hàng ngày của nhiều người.
Chưa kể, cộng đồng fan ruột của hai dòng máy này cũng đã dần tôn trọng những điểm mạnh và điểm yếu riêng của cả hai dòng sản phẩm. Chính bởi vậy, dù cả hai hệ điều hành đang dần trở nên hoàn hảo thì các fan ruột của mỗi dòng sản phẩm đa số vẫn sẽ giữ nguyên lập trường của mình.
iOS và Android
Đa số chúng ta đều cho rằng điện thoại thông minh là một trong những mảnh ghép quan trọng nhất trong bức tranh về các sản phẩm công nghệ mà chúng ta sở hữu. Điện thoại thông minh là công cụ chính giúp ta liên lạc, là thứ mà chúng ta sẽ nghĩ tới đầu tiên khi muốn kết nối với cả thế giới.
Nhưng thật không thể hiểu tại sao người ta lại phải có những cuộc chạm trán nảy lửa về giá trị mà hai nền tảng điện thoại thông minh phổ biến nhất mang lại: iOS của Apple, hệ điều hành được dùng trên iPhone và iPad, và Android của Google, thứ đang xuất hiện trên hầu hết những mẫu điện thoại thông minh khác.
Cốt lõi của cuộc khẩu chiến giữa iOS và Android cũng xoay quanh hai đặc tính: dễ sử dụng và khả năng cá nhân hóa. Android được cho là linh hoạt hơn, hệ điều hành này cho phép người dùng tự tùy biến theo ý thích.
Ngược lại, người dùng hệ điều hành iOS sẽ không bao giờ hiểu được vui thú của những thử nghiệm nho nhỏ nêu trên bởi iOS được thiết kế để khiến cho trải nghiệm người dùng trở nên đơn giản hơn. Nhiều người sẽ không coi đây là một nhược điểm lớn, nhưng tất nhiên vẫn sẽ có những người luôn cảm thấy tù túng trong cái khu vườn được giới hạn bởi Apple.
Một lí do người dùng Android hay lấy ra để chỉ trích bên đối thủ của mình chính là việc Apple luôn là kẻ đi sau trong việc áp dụng những công nghệ mới hay những cải tiến rõ rệt về mặt phần cứng. Chúng ta có thể lấy màn hình OLED làm một ví dụ, hoặc là cả công nghệ cảm biến vân tay đặt dưới màn hình.
Và gần đây nhất chính là câu chuyện về chức năng hai SIM mới được Apple mang lên các mẫu iPhone năm nay bao gồm iPhone Xs, XS Max và XR. Apple có lẽ sẽ được nhiều người khen ngợi nếu họ cho ra mắt tính năng này từ tám năm trước. Đây chính là một ví dụ cực kì điển hình về sự chậm trễ của Apple.
Nhưng bên cạnh việc chê bai vì sự chậm trễ, người ta lại tin rằng Apple sẽ chỉ thêm chức năng mới lên các mẫu iPhone khi và chỉ khi họ tin rằng nó sẽ hoạt động trơn tru và có khả năng để sản xuất hàng loạt.
Và để đổi lại cho tính tù túng của iOS thì hệ điều hành này được ca ngợi về tính bảo mật cao. Không chỉ vậy, kho ứng dụng iOS App Store được Apple quản lí chặt chẽ, đảm bảo chất lượng và sự an toàn của các ứng dụng hoạt động trên các thiết bị iOS.
Apple và Samsung
Nhắc tới sự đối đầu giữa Apple và Samsung, người ta sẽ nghĩ ngay tới hai sản phẩm là đối địch của nhau cả về kích thước lẫn thông số: các mẫu iPhone và sản phẩm thuộc dòng máy Galaxy.
Trong 5 năm trở lại đây, các mẫu điện thoại thông minh Galaxy đã bước lên vị trí nổi bật nhất trong thế giới điện thoại Android. Trong các chương trình quảng cáo của mình, Samsung còn tự tin cho rằng dòng Galaxy S đã hoàn toàn đủ khả năng để trở thành một lựa chọn thay thế cho các mẫu iPhone của Apple.
Samsung Galaxy: Growing Up
Và với vai trò là hai ông lớn trong lĩnh vực sản xuất điện thoại thông minh, Samsung và Apple đã không ngừng bám đuổi lẫn nhau, tìm cách để không bị thua kém về các thông số phần cứng và chức năng.
Bằng chứng là khi mà Apple lần đầu tiên thêm cảm biến Touch ID trên mẫu iPhone 5S vào năm 2013, ngay lập tức chức năng này cũng xuất hiện trên mẫu Galaxy S5 năm sau đó.
Song có một điểm "hơi lệch pha" so với kịch bản đó là phải mất tới 3 năm sau khi Samsung tích hợp khả năng sạc không dây lên mẫu Galaxy S5 thì chức năng này mới được Apple tích hợp lên thế hệ iPhone 2017.
Những điểm hơn thua nho nhỏ này chính là mồi lửa cho những cuộc khẩu chiến giữa cộng đồng fan của hai bên. Cộng đồng người dùng Galaxy thì châm chọc người dùng iPhone về việc Apple "lạc hậu" như thế nào, và đặc biệt là về cái jack tai nghe xấu số đã sớm bị Apple loại bỏ.
Ngược lại, trước những công kích từ phía bên kia chiến tuyến, người dùng iPhone chỉ biết tìm chút tự hào về những thành quả lớn nhất mà iPhone đã đạt được.
Dù vậy, những kèo một đấu một giữa hai bên chỉ là một "tiết mục nhỏ" trên khán đài của trận đấu giữa hai hệ điều hành iOS và Android.
Chính những chức năng được thêm vào để đánh dấu điểm khác biệt giữa iPhone và Galaxy đang làm cho trận chiến iOS và Android trở nên sôi động. Nói một cách ngắn gọn, nếu iPhone là cánh cổng dẫn đến thế giới điện thoại thông minh thì Galaxy chính là cánh cổng dẫn tới "vương quốc" Android.
Sony và Microsoft
Có một sự thật không thể phủ nhận, game thủ là một trong những cộng đồng fan tuyệt vời nhất trên thế giới này. Nhưng sự thật này vẫn không thể giúp chúng ta tránh khỏi một cuộc nội chiến trong dòng máy chơi game console, thứ đã được hãng Sega nhóm lên khi họ tự hào khẳng định rằng dòng máy Genesis có thể làm được những gì mà Nintendo không thể (What Nintendon't).
Chọn mua một mẫu máy console trong vô vàn các sản phẩm khác nhau chính là bạn đang cân nhắc giữa các yếu tố như thiết kế tay điều khiển, những tựa game độc quyền, và khả năng chơi game với nhiều người chơi khác, bởi đa số các tựa game nhiều người chơi đều không cho phép người chơi kết nối đa nền tảng với những người sử dụng mẫu máy console khác (Mới đây, Sony đã chấp nhận "mở cửa" với tựa game Fortnite đình đám).
Những lựa chọn trên chính là những cân nhắc hết sức "nhạy cảm" của mỗi game thủ.
Ngày nay thì cuộc nội chiến console đã chia bờ chiến tuyến thành hai phe: PlayStation của Sony và Xbox của Microsoft.
Tuy rằng Nintendo vẫn còn sản xuất dòng máy console nhưng công ty này không trực tiếp đối đầu với Sony và Microsoft Và ngày nay thì hầu hết các tựa game đều cùng được phát hành trên cả hai nền tảng nên sự khác biệt họa chăng chỉ còn nằm ở một số nhỏ tựa game độc quyền.
Nhiều người cho rằng bức tranh về tương lai của dòng máy console đang rất ảm đạm. Nhưng dù vậy thì ông Phil Spencer, người đứng đầu bộ phận Xbox của Microsoft khẳng định rằng, thế hệ Xbox mới chắc chắn vẫn sẽ được ra mắt.
Và chúng ta cũng có thể dễ dàng đoán trước rằng Sony cũng sẽ cho ra mắt mẫu console mới quanh thời điểm dòng Xbox mới được công bố. Rồi tới lúc đó, bạn sẽ lại sớm được đọc một đống bài viết về "PS5 vs Xbox 4" cho mà xem.
AMD và Nvidia
Cuộc chiến không hồi kết về nền tảng xoay quanh việc lựa chọn card đồ họa từ xa xưa đã chia cộng đồng game thủ thành hai phe riêng biệt. Card đồ họa chính là thiết bị phần cứng được nhiều người bàn tán về nhất, bởi nó đóng vai trò quan trọng trong trải nghiệm chơi game của mỗi người.
AMD và Nvidia là hai nhà sản xuất card đồ họa lớn nhất thế giới. Dù rằng lựa chọn của bạn ngả về bên nào thì nó sẽ không ngăn cản bạn trong việc chơi game với bạn bè, chọn card đồ họa chỉ giúp bạn thỏa mãn được mong muốn tự hoàn thiện dàn máy nhanh, mạnh mẽ nhất có thể. Đây chính là lí do khiến cộng đồng fan của hai hãng ngày chia làm hai ngả đối lập nhau.
Nhiều người cũng tin rằng trong những năm trở lại đây, cuộc chiến giữa hai bên chiến tuyến đã có phần dịu bớt. Dù rằng AMD đang là đối tác cung cấp card dồ họa cho những sản phẩm bao gồm cả PS4 và Xbox One, song kẻ nắm giữ thị trường chính là Nvidia.
Người ta cũng đánh giá rằng các sản phẩm của Nvidia cho hiện năng cao hơn so với card đồ họa của AMD, nhưng để đổi lại Nvidia hoàn toàn có thể "hét" lên những mức giá "trên trời".
Rồi cũng có nhiều trang báo thì lại cho rằng ở phân khúc phổ thông và trung cấp thì card đồ họa của AMD sẽ tốt hơn về mặt giá thành so với đối thủ Nvidia, còn với những game thủ muốn đạt được mức FPS hoàn hảo nhất trong cả những tựa game mới được phát hành thì họ chắc chắn sẽ ưu tiên lựa chọn Nvidia.
Tình hình này có thể sẽ sớm được phục hồi lại khi mà dòng card đồ họa 20- của Nvidia đã phá vỡ mọi kỉ lục về giá với mức giá lên tới 1200 USD cho mẫu sản phẩm cao cấp nhất. Mức giá này có lẽ sẽ khiến những ai đang cân nhắc chọn mua card đồ họa Nvidia sẽ phải đắn đo hơn trước rất nhiều.
Và trước tình trạng người người đổ xô đi mua card đồ họa về để đào tiền ảo, cộng đồng fan hai bên đã ra quyết định "đình chiến" để cùng hướng mũi giáo về một bên – những "thợ mỏ" đào tiền ảo.
Trong 2-3 năm trở lại đây, các sản phẩm card đồ họa cao cấp bán ra bởi cả hai công ty đều trở nên cực kì khó mua bởi lòng tham không thể thỏa mãn được của những thợ mỏ đào tiền ảo. Song, may mắn thay là ngay cả Nvidia cũng tin rằng cuộc chạy đua tiền ảo sắp tới hồi kết, vì vậy cộng đồng fan hai bên lại có thể sớm tiếp tục khẩu chiến để tìm ra chiếc card đồ họa mạnh mẽ nhất.
Chrome và Firefox
Dù rằng cuộc đấu này chỉ thường xuất hiện trên những góc nhỏ của thế giới Internet nhưng điều này không có nghĩa là chẳng ai còn quan tâm đến việc chọn ra trình duyệt web tốt nhất cho bản thân. Hầu hết ai cũng biết là Google Chrome và Firefox không phải là hai trình duyệt web duy nhất, nhưng đây chính là những công cụ được đánh giá cao nhất về tốc độ và hiệu năng.
Khác với những cuộc khẩu chiến nêu trên, trận chiến giữa những trình duyệt web bắt đầu và kết thúc bằng câu hỏi về hiệu năng (đôi khi còn là về có nên tin tưởng Google không nữa).
Chrome và Firefox thực chất khá giống nhau, song Chrome lại có điểm yếu chính là trình duyệt này ngốn bộ nhớ khủng khiếp. Nhiều người dùng trình duyệt Firefox khẳng định rằng Firefox về tổng thể sẽ nhanh hơn Chrome, nhưng thực tế ra thì sự khác biệt đó sẽ chỉ rõ rệt trong trường hợp Chrome đã ngốn sạch bộ nhớ của bạn từ trước.
Nhưng vấn đề ngốn bộ nhớ đôi khi không thể khiến người ta quay lưng lại với Chrome, một số người thích cách mà Chrome được tích hợp, liên kết với những công cụ, dịch vụ khác của Google, họ cũng có thể truyền tải video từ Chrome lên những thiết bị khác như Google Chromecast.
Tuy nhiên sự tích hợp này lại là một điểm yếu trong mắt những người quan tâm tới tính bảo mật. Giữa những công cụ bao gồm Google Search, Chrome, Gmail, Android và Google Assistant, họ không thích lượng thông tin mà Google đang thu thập về mình thông qua mọi cách thức mà họ giao tiếp với Internet.
Còn ngược lại, Molliza Firefox hoàn toàn phản đối việc theo dõi thông tin online của người dùng.