Trong văn hóa ẩm thực châu Á, ăn một ít canh trong bữa cơm là thói quen để bổ sung dinh dưỡng. Nhưng ở mỗi địa phương khác nhau lại có cách lựa chọn tuần tự ăn khác nhau. Có nơi sẽ ăn cơm xong rồi mới ăn canh, có nơi ăn canh trước khi ăn cơm, rồi có nơi lại vừa ăn cơm vừa ăn canh.
Người Trung Quốc có câu thành ngữ quen thuộc, "Ăn canh trước bữa cơm, người khỏe mạnh mảnh mai. Ăn canh sau bữa ăn, càng ăn càng béo". Vậy, ăn canh lúc nào là tốt nhất, phù hợp nhất?
Ăn canh trước khi ăn cơm có khỏe mạnh đẹp dáng hơn không?
Ăn canh trước bữa ăn có thể làm tăng cảm giác no, vì vậy thông thường khi ăn canh xong chúng ta sẽ ăn ít thức ăn hơn sau đó, do vậy sẽ có tác dụng nhất định trong việc giúp giảm cân và kiểm soát năng lượng ăn vào.
Tuy nhiên, nếu đó là một món canh có nhiều chất béo, ví dụ như canh hầm móng giò chẳng hạn, thì lại khiến cơ thể hấp thụ nhiều chất béo hơn, không có lợi ích trong việc giảm béo.
Ăn canh sau bữa ăn liệu có bị béo hơn không?
Nếu rõ ràng là bạn đã ăn đủ no rồi, lại tiếp tục ăn thêm canh, đặc biệt là những món canh chứa lượng dầu mỡ và đường hoặc giàu calo thì chắc chắn ăn nhiều loại canh này sẽ gây béo, tăng cân nhanh hơn.
Nhưng nếu bạn chỉ ăn canh với những thực phẩm thanh đạm, đơn giản ví dụ như canh rong biển, canh mướp, bầu bí các loại, thì đa phần không có vấn đề gì lớn.
Ăn canh như thế nào là hợp lý nhất?
Đối với những người bình thường, khỏe mạnh, việc ăn canh trước hay sau bữa ăn, hoặc vừa ăn cơm vừa ăn canh, thực ra đều không phải là vấn đề quan trọng. Quan trọng là ở chỗ, bạn sẽ ăn canh gì và ăn bao nhiêu.
Đối với những trường hợp cụ thể thì việc ăn canh thời điểm nào cũng cần có sự cân nhắc.
Ví dụ, nhóm người thể trạng yếu ớt, chức năng tiêu hóa kém thì không nên ăn nhiều canh trong khi ăn cơm hoặc ăn sau bữa ăn, tránh làm tăng gánh nặng cho dạ dày. Tương tự, những người ăn uống không ngon miệng, thì cũng không nên ăn canh trong bữa ăn, vì như vậy sẽ ảnh hưởng đến số lượng thực phẩm ăn vào.
Những người có chức năng tiêu hóa kém, không muốn ăn uống, ăn không ngon miệng thì có thể ăn một chút canh trước bữa cơm. Trong bát canh nên có các thành phần đa dạng gồm chất axit amin, peptide, những loại chất dinh dưỡng dễ dàng hấp thu, không tạo gánh nặng cho hệ tiêu hóa và có thể giúp tăng sự thèm ăn.
Ngược lại, đối với những người muốn giảm cân, trước bữa ăn nên ăn một bát canh loãng, có thể có tác dụng khống chế cân nặng.
Những người có thể trạng gầy muốn tăng cân, thì nên tránh việc ăn canh quá nhiều trước khi ăn cơm, để tránh ảnh hưởng đến số lượng thực phẩm cần ăn.
6 lời khuyên về sức khỏe khi ăn canh
1. Chế biến món canh hợp lý
Khi nấu canh, cố gắng lựa chọn những thực phẩm ít chất béo, ví dụ như các loại cá, thịt nạc, thịt động vật loại bỏ da (bì), xương, sườn…
Trước khi nấu canh cá, tốt nhất là không nên rán cá, tránh việc dầu mỡ ngấm quá nhiều vào cá làm tăng chất béo trong món canh.
Nấu canh hạn chế cho nhiều muối, mì chính. Nếu là canh tôm rong biển hay canh sườn thì không nên cho thêm nhiều muối.
Nấu canh có chứa đậu xanh, đậu đỏ, canh nấm trắng hoặc một số loại canh có vị ngọt thì có thể cho thêm vào chút hoa quả khô, ví dụ như táo tàu khô chẳng hạn thì bạn không cần cho thêm đường.
Bạn không nhất thiết phải nấu canh hầm thật lâu với mong muốn các thực phẩm tiết ra chất dinh dưỡng, bởi dù nấu lâu để các chất dinh dưỡng tiết ra nhiều hơn vào nước, nhưng cũng không hẳn tốt hơn khi chúng nằm lại ở thịt trong canh.
2. Phải ăn canh cả nước cả cái
Các chất dinh dưỡng không hẳn là nằm trong nước canh, vì nước canh chủ yếu chứa một số thành phần hòa tan, chẳng hạn như một số protein, axit amin, peptide, vitamin B2, kali. Nhưng chất béo, các chất dinh dưỡng khác (ví dụ như hầu hết các protein) thì vẫn chủ yếu còn ở trong thịt (phần cái).
Vì vậy, nếu muốn ăn canh bổ dưỡng nhất, có thể hấp thụ đầy đủ chất dinh dưỡng trọn vẹn thì cần phải ăn cả nước cả cái.
3. Khi canh có quá nhiều dầu mỡ thì nên hớt bỏ bớt phần váng
Các món canh nấu từ gà hoặc xương sườn lợn thường chứa nhiều chất béo, vì vậy trước khi ăn tốt nhất là nên nhẹ nhàng hớt bỏ bớt váng mỡ trên mặt bát canh. Nếu trong bữa ăn đã có món canh quá nhiều dầu mỡ, thì các món còn lại nên lựa chọn thực phẩm thanh đạm, nhẹ nhàng.
4. Đừng ăn/uống canh khi còn quá nóng
Cơ quan Nghiên cứu Quốc tế về Ung thư (IARC) công bố trên tạp chí uy tín The Lancet Oncology nhấn mạnh rằng, nếu uống nước hoặc ăn canh với nhiệt độ khoảng 65°C có thể làm tăng nguy cơ ung thư thực quản. Vì vậy, khi canh vẫn còn quá nóng thì không nên ăn vội vàng.
5. Hạn chế ăn kiểu cơm chan lẫn canh
So sánh với cách ăn thông thường, cơm riêng và canh riêng, thì nếu ăn cơm chan lẫn canh sẽ khiến cho khả năng nhai của răng và tiết nước bọt của khoang miệng giảm đi, từ đó không có tác dụng tốt cho quá trình tiêu hóa.
Thói quen ăn này sẽ làm tăng gánh nặng cho dạ dày. Vì vậy, nếu không có vấn đề gì về sức khỏe thì nên hạn chế thói quen ăn cơm chan canh.
6. Những nhóm người nên thận trọng khi ăn canh
- Bệnh nhân huyết áp cao: Nhóm người này nên hạn chế ăn canh có nhiều muối và nhiều dầu mỡ. Nên chọn ăn các loại canh hoặc cháo loãng, thanh đạm từ ngũ cốc hoặc rau củ quả.
- Bệnh nhân cholesterol cao: Tránh ăn các loại canh chứa nhiều dầu mỡ, nhiều đường. Phù hợp với các món canh có chứa ngũ cốc, thực phẩm thô.
- Bệnh nhân tiểu đường: Ngoài việc xem xét lượng dầu, muối, đường có trong canh, cần chú ý đến các phản ứng của đường huyết khi ăn canh. Gợi ý uống thêm trà, nước sẽ tốt hơn.
- Bệnh nhân bị tăng acid uric máu, bị gút: Hạn chế ăn các món canh đặc nấu từ thịt, canh hải sản và các món canh, cháo, chè nấu với nhiều đường.
*Theo Health/Sohu
Xem thêm:
Cách chế biến món canh gà gia truyền.