Theo các chuyên gia răng miệng, đánh răng chăm chỉ mỗi ngày chưa đủ để giữ hàm răng cũng như khoang miệng khỏe mạnh. Thậm chí, không phải đánh răng càng nhiều thì răng miệng càng sạch, khỏe đẹp. Ngược lại, còn có thể gây hại cho răng miệng. Nha sĩ Liu Qinqin (Bắc Kinh, Trung Quốc) cho biết: “Đương nhiên, việc đánh răng hàng ngày, hai lần sáng và tối là rất quan trọng, nhưng còn có một điều quan trọng không kém là bạn cần đánh răng đúng cách”.
Vì vậy, ông đã liệt kê ra 6 sai lầm nhỏ nhưng có sức tàn phá rất lớn tới răng miệng mà nhiều người mắc phải nhất trong cuộc sống hàng ngày. Đó là:
1. Chải răng sai cách
“Sai lầm phổ biến nhất và cũng khó bỏ nhất khi đánh răng là chải răng sai cách. Theo quan sát của tôi cũng như nhiều thống kê có liên quan, rất nhiều người đặt bàn chải lên răng và đánh theo cảm tính, thường là theo chiều ngang kéo qua kéo lại trên bề mặt răng. Điều này vừa giảm hiệu quả làm sạch, bào mòn răng, gây ra khuyết tật ở cổ răng, tụt nướu vừa nhanh hỏng bàn chải” - Liu Qinqin nói.
Chải răng theo chiều ngang. lực quá mạnh dễ làm mòn răng và tụt lợi (Ảnh minh họa)
Theo ông, bạn cần đặt bàn chải đánh răng lên răng, sau đó nghiêng bàn chải một góc 45 độ so với nướu, rồi sử dụng chuyển động vòng tròn nhỏ, di chuyển đầu bàn chải từ răng này sang răng khác. Cách đánh này áp dụng cho các bề mặt bên ngoài của răng, các bề mặt bên trong và cả mặt trên hoặc mặt nhai. Để tiếp cận tốt hơn, hãy dùng tay trái để chải bên miệng phải và tay phải để chải bên trái.
2. Đánh răng quá mạnh
Cho dù bạn sử dụng bàn chải đánh răng bằng tay hay bằng điện, cách hiệu quả nhất để làm sạch răng là lặp đi lặp lại chứ không phải dùng lực. Bởi vì đánh răng quá mạnh không hề tăng thêm nhiều hiệu quả làm sạch mà còn dễ gây nhiều vấn đề răng miệng, bao gồm cả tổn thương khoang miệng.
Đánh răng mạnh hoặc dùng lực quá mạnh có thể gây tổn thương cho nướu và men răng. Men răng nếu bị mòn sẽ dẫn đến ê buốt răng, sâu răng và tăng nguy cơ sâu răng. Đánh răng quá mạnh cũng có thể gây kích ứng và làm hỏng nướu, dẫn đến tụt nướu, nhạy cảm nướu và thậm chí là bệnh nướu răng. Chưa kể điều này làm giảm tuổi thọ của bàn chải, khiến bạn tốn kém hơn.
Kỹ thuật tốt nhất là dùng bàn chải đánh răng có lông mềm, chuyển động nhẹ nhàng theo vòng tròn như nha sĩ Liu hướng dẫn ở trên. Ngay cả khi vội cũng đừng dùng lực quá mạnh, ghì bàn chải vào quá sát răng hay lợi.
3. Không chải lưỡi
Có nhiều nguyên nhân khiến nhiều người bỏ qua lưỡi khi đánh răng. Có thể là thói quen, do vội vàng, không nghĩ rằng lưỡi cũng bẩn hoặc đơn giản là ghét cảm giác khó chịu, buồn nôn khi chải lưỡi.
Tuy nhiên, trên lưỡi có rất nhiều vi khuẩn, thậm chí còn bẩn hơn cả răng. Một số vi khuẩn trên lớp phủ lưỡi có thể gây sâu răng, viêm nha chu và các bệnh khác, một số vi khuẩn có thể gây hôi miệng. Ngoài ra, nha sĩ Liu còn cảnh báo rằng việc không vệ sinh lưỡi thường xuyên còn ảnh hưởng tới vị giác, gây mất thiện cảm về mặt ngoại hình và dễ gây loét miệng.
Ông khuyên rằng: “Sau khi đánh răng xong, bạn có thể dùng dụng cụ cạo lưỡi hoặc bàn chải đánh răng có lông mềm để làm sạch bề mặt lưỡi một cách nhẹ nhàng. Một số loại bàn chải hiện nay còn trang bị mặt chải lưỡi ở thân rất tiện lợi. Sau khi chải lưỡi, hãy súc miệng kỹ và nhổ ra ngoài thay vì nuốt vào”.
4. Dùng quá nhiều kèm đánh răng
Nếu như cho rằng dùng càng nhiều kem đánh răng thì hiệu quả làm sạch sẽ càng tốt thì bạn đã sai lầm!
Không phải dùng càng nhiều kem đánh răng thì càng sạch (Ảnh minh họa)
Thông thường chúng ta nghĩ lượng kem đánh răng phải phủ lông bàn chải từ đầu đến cuối. Thế nhưng người lớn chỉ cần một lượng nhỏ bằng hạt đậu, hoặc bằng một nửa chiều dài của bàn chải đánh răng tiêu chuẩn. Không nên lạm dụng kem đánh răng bởi florua trong kem đánh răng là một khoáng chất, nếu dùng quá nhiều có thể làm thay đổi hình dạng và cấu trúc răng, tăng nguy cơ răng ê buốt.
Chưa kể, quá trình đánh răng khiến chúng ta dễ nuốt phải hoặc thẩm thấu qua da những chất làm trắng, thậm chí là chất độc hại cho cơ thể nếu kem đánh răng không uy tín. Dùng quá nhiều kem đánh răng thì thời gian tích tụ chúng càng nhanh, làm tăng nguy cơ mắc bệnh đau dạ dày và nhiễm độc gan, làm miệng lở loét, thậm chí là ung thư khoang miệng.
5. Đánh răng quá nhanh hoặc quá lâu
“Nghe có vẻ khó tin nhưng rất nhiều bệnh nhân của tôi nói rằng họ đánh răng như một nhiệm vụ. Vì vậy họ đánh răng rất nhanh, nhất là vào buổi tối khi đang buồn ngủ” - nha sĩ Liu chia sẻ.
Ông nhấn mạnh rằng, việc đánh răng quá nhanh hay qua slaau đều không tốt cho sức khỏe răng miệng. Đánh răng quá nhanh không đủ thời gian để làm sạch răng, còn đánh răng quá lâu lại không cần thiết và dễ làm mòn, tổn thương răng cũng như nướu. Chưa kể, đánh răng quá nhanh khiến bạn chưa kịp sử dụng, làm sạch hết lượng kem đánh răng và dễ nuốt vào cơ thể.
Theo khuyến cáo của Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ, chúng ta nên đánh răng tối thiểu 2 phút mỗi lần và không đánh răng quá 5 phút. Đối với những người đang có các thiết bị trong miệng, chẳng hạn như niềng răng, cầu răng hoặc cấy ghép… hãy dành thêm thời gian để nhẹ nhàng làm sạch xung quanh những khu vực thức ăn bị mắc kẹt. Với trẻ em, tốc độ đánh răng chậm hơn và dễ gián đoán nên cũng có thể cần nhiều thời gian hơn một chút.
6. Đánh răng ngay sau khi ăn
Một điều hầu hết mọi người tưởng đúng và sạch hóa ra lại sai đó là đánh răng ngay sau khi ăn uống.
Thay vì đánh răng ngay sau khi ăn, hãy súc miệng kỹ và chờ khoảng 20 - 30 phút (Ảnh minh họa)
Bởi trong 20 đến 30 phút đầu tiên sau khi ăn, miệng sẽ hơi chua và men răng yếu đi một chút. Nếu bạn đánh răng ngay sau khi ăn, có nguy cơ làm mòn men răng quá nhanh. Ít men răng hơn tạo cơ hội cho vi khuẩn dễ dàng định cư hơn và gây ra nhiều sâu răng và nhiễm trùng hơn. Đặc biệt là nếu bạn vừa ăn những món chứa axit, lên men thì càng không nên vội đánh răng.
Thay vào đó, nha sĩ Liu hướng dẫn hãy súc miệng sau khi ăn và nên chờ 20 - 30 phút sau đó mới đi đánh răng.