Trong suốt chiều dài lịch sử của loài người, có rất nhiều điều được cho là sự thật luôn luôn đúng.
Nhưng đôi khi những điều này đều bị sai lệch, hoặc bị hiểu lầm. Dưới đây là 1 vài những nhầm tưởng mà hẳn bạn đã tin sái cổ bấy lâu nay mà không hề hay biết.
1. Con người tiến hóa từ tinh tinh
Ý tưởng này thực sự là 1 quan niệm sai lầm phổ biến về sự tiến hóa. Bạn hãy nhớ rằng, tổ tiên của ta không phải là 1 con khỉ, hay tinh tinh. Thuyết tiến hóa chỉ ra rằng, con người, khỉ và vượn đều bắt nguồn từ một loài. Chúng chỉ là họ hàng gần gũi với chúng ta mà thôi.
Con người chia sẻ nhiều hơn 90% chuỗi gene với tinh tinh nhưng ta không tiến hóa từ tinh tinh.
2. Mèo và chó hoàn toàn bị mù màu
Có 1 huyền thoại dai dẳng mà nhiều người tin rằng, những chú chó và mèo chỉ có thể nhìn thấy màu đen và trắng. Huyền thoại này xuất hiện sau 1 thử nghiệm vào năm 1915 khi chúng cho thấy mèo không phân biệt được giữa giấy màu và xám.
Thí nghiệm sau đó cho thấy mèo nhìn thấy màu sắc nhưng không nhìn được màu đỏ. Cùng với đó, chó chỉ bị mù màu 1 phần, không phân biệt được màu đỏ, da cam... còn những màu khác thì vẫn "nhìn" tốt.
Tuy vậy, khả năng nhìn vào ban đêm của chúng lại vượt trội so với chúng ta. Do vị trí của mắt, chúng cũng có tầm nhìn xa và khả năng quan sát tốt hơn.
3. Con người chỉ có 5 giác quan
Nguyên tắc về 5 giác quan của con người có nguồn gốc từ tác phẩm De Anima (Bàn về Linh hồn) của Aristotle - một nhà triết học và bác học thời Hy Lạp cổ đại.
Tuy nhiên, bất chấp nguồn gốc cao quý của nguyên tắc thì đây chỉ là 1 huyền thoại mà thôi. Bởi các chuyên gia chỉ ra, con người có nhiều hơn 5 giác quan.
Ta có thể chia giác quan ra thành 3 loại chính: cơ học (bao gồm xúc giác, thính giác và cảm giác); hóa học (bao gồm mùi vị, hương vị và các cảm giác bên trong cơ thể) và thị giác. Trong một vài trường hợp, thậm chí việc phân chia rõ ràng các giác quan cũng có vẻ như không cần thiết, bởi chúng thường tác động lẫn nhau.
4. Chim đà điểu khi sợ là cắm đầu xuống cát trốn
Nhiều người vẫn tin sái cổ rằng, mỗi khi gặp nguy hiểm hay sợ hãi trước kẻ thù, đà điểu dù to lớn nhưng sẽ rúc đầu kín xuống dưới lớp cát.
Chúng coi như vậy là đủ để trốn khỏi kẻ địch hùng mạnh phía trước. Ấy thế nhưng, sự thật không đúng như vậy - khi gặp hiểm nguy, chúng sẽ nằm trên mặt đất, nằm sát đất mà thôi.
Có lẽ vì phần đầu của đà điểu khá nhỏ so với thân hình khổng lồ, cộng thêm chúng hay lúi húi quanh lỗ ấp trứng hay nuốt sỏi - cát để giúp hệ tiêu hóa nên mọi người lầm tưởng nó đang chôn đầu vào cát vậy!
5. Lạc đà lưu trữ nước ở bướu
Đúng là lạc đà có thể tồn tại vài ngày mà không cần đến nước, nhưng bạn cho rằng những chiếc bướu lạc đà là nơi chứa nước của chúng ư? Không đâu, sự thật là những chiếc bướu trên lưng lạc đà chứa mô mỡ chứ không phải nước.
Bên cạnh chức năng tích trữ năng lượng, chiếc bướu của lạc đà còn giúp chúng điều hòa thân nhiệt. Cụ thể, mô mỡ sẽ giúp hấp thụ lượng nhiệt từ cơ quan khác để nhiệt độ cơ thể không bị tăng quá cao dưới ánh nắng gay gắt của ban ngày.
Ngược lại, khi đêm về, cũng là lúc nhiệt độ môi trường giảm sâu, nhiệt lượng tích tụ trên cơ quan này sẽ lại tỏa ra, sưởi ấm cơ thể lạc đà.
6. Con người không thể phát triển tế bào não khi trưởng thành
Đây chắc chắn là 1 quan niệm sai lầm khi cho rằng, tế bào não chết rồi, không có tế bào mới xuất hiện. Nhưng nhiều nghiên cứu Đại học Columbia mới đây đã chứng minh bộ não vẫn tiếp tục sản sinh ra tế bào mới, thậm chí là khi bạn đã về già.
Các noron thần kinh được tạo mới trong vùng hải mã vẫn giúp chúng ta thực hiện các chức năng hàng ngày bằng cách gửi thông tin từ bộ não đi khắp cơ thể. Quá trình này được gọi là neurogenesis.