Ảnh minh họa.
Minh Quân (27 tuổi) thường xuyên gặp những cơn đau đầu khi thay đổi thời tiết hoặc khi áp lực. Trước đây, anh chỉ cần nghỉ ngơi 1-2 tiếng là cơ thể sẽ trở lại bình thường. Nhưng hơn một năm qua, tình trạng đau đầu của Quân ngày càng nặng, anh bắt buộc phải dùng thuốc giảm đau, và hiện giờ nếu không có thuốc, mỗi khi đau đầu, anh không thể chịu nổi. Dần dần, Quân càng phụ thuộc vào thuốc giảm đau.
Tương tự, Hồng Ngọc (29 tuổi) cho biết thuốc giảm đau như là người bạn của chị mỗi khi tới chu kỳ kinh nguyệt. 1-2 ngày đầu chu kỳ kinh, Ngọc bị đau bụng rất nhiều, nếu không có thuốc, chị chỉ có nằm bẹp trên giường cả ngày.
"Thuốc giảm đau bụng kinh luôn là 'cứu cánh' của tôi. Mọi người thường bảo uống nhiều không có lợi. Tuy nhiên, nếu không có thuốc, tôi sẽ phải đi viện khám hàng tháng. Có một lần ở quê, tôi đau bụng quá, mẹ tôi ra hiệu thuốc để mua thuốc cho tôi và được dược sĩ kê cho thuốc giảm đau. Kể từ đó, tôi luôn dùng thuốc này mỗi khi đến tháng", Ngọc chia sẻ.
Nhiều người xem thuốc giảm đau là "thần dược". Ảnh minh họa.
Những tác dụng phụ khi "lạm dụng" thuốc giảm đau
Theo TS. DS. Tạ Thanh Sơn (Viện công nghệ dược sinh học, Đại học Marburg, CHLB Đức), thuốc giảm đau là "thần dược" đối với nhiều bệnh nhân. Chúng giúp bệnh nhân kiểm soát được cơn đau của mình. Nhiều loại thuốc giảm đau không kê đơn được quảng cáo rầm rộ, nhưng không phải lúc nào chúng cũng mang lại tác dụng tốt. Thậm chí, lạm dụng thuốc giảm đau thường xuyên, không kiểm soát có thể dẫn đến tổn thương gan, thận và nhiều tác dụng phụ khác.
"Có 3 nhóm thuốc giảm đau phổ biến nhất: Nhóm 1 bao gồm Paracetamol, Metamizol, Diclofenac, Ibuprofen; Nhóm 2 là thuốc giảm đau tác dụng trung ương yếu: Codeine, Tramadol hoặc Tilidine; Nhóm thứ 3 là các thuốc giảm đau tác dụng trung ương mạnh: Buprenorphine, Morphine, Oxycodone, Hydromorphone hoặc Levomethadone", TS Tạ Thanh Sơn cho biết.
Ngoài ra, theo TS Sơn, dù là thuốc giảm đau kê đơn hay không kê đơn thì đều có thể khiến bạn bị phụ thuộc. Thuốc giảm đau là một trong những nhóm có nguy cơ gây phụ thuộc cao nhất, đặc biệt với loại thuộc nhóm Opioid (dạng thuốc viên hoặc miếng dán) như Morphone, Oxycodone,... có tác dụng tập trung vào toàn bộ não và hệ thần kinh.
Những thuốc giảm đau không thuộc nhóm Opioid cũng có mặt trái, có thể gây ra các phản ứng dị ứng, loét dạ dày, vấn đề về thận, gan hoặc tim mạch. Theo nghiên cứu, ước tính hơn 10% trường hợp bệnh nhân có vấn đề về thận và phải lọc máu do sử dụng thuốc giảm đau không phù hợp.
Thậm chí, việc sử dụng thuốc giảm đau thường xuyên còn gây ra những cơn đau mạn tính, ví dụ điển hình là đau đầu do thuốc giảm đau, được cho là nguyên nhân của hơn 5% tổng số cơn đau đầu.
"Lạm dụng" thuốc giảm đau có thể gây ra nhiều tác dụng phụ nguy hiểm. Ảnh minh họa.
6 dấu hiệu cho thấy bạn đang "lạm dụng" thuốc
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), người ta có thể nói đến chứng nghiện nếu 3 trong số các hành vi sau đây được quan sát thấy trong một năm gần nhất:
- Có mong muốn hoặc sự ép buộc mạnh mẽ phải sử dụng thuốc.
- Khả năng kiểm soát bị giảm đến mức mất kiểm soát khi nào nên tiêu thụ, khi nào dừng và lượng thuốc được sử dụng.
- Các triệu chứng cai nghiện như bồn chồn, đổ mồ hôi, run hoặc đau có thể được quan sát nếu bệnh nhân không dùng thuốc.
- Ngày càng nhiều thuốc phải được tiêu thụ để đạt được hiệu quả tương tự.
- Bỏ bê các thú vui hoặc sở thích khác để dành thời gian cho việc sử dụng thuốc hoặc thư giãn do tác dụng của thuốc.
- Có những hậu quả tiêu cực nhưng bệnh nhân vẫn tiếp tục sử dụng.
Ngăn chặn việc lạm dụng thuốc giảm đau
Để ngăn chặn việc sử dụng thuốc sai mục đích, bác sĩ và bệnh nhân nên hiểu rõ ràng về khả năng thực tế, thời gian, giới hạn và mục tiêu của liệu pháp giảm đau dựa trên thuốc. Các mục tiêu được đề ra cùng nhau, theo dõi liên tục trong quá trình điều trị sẽ giúp thuốc được sử dụng đúng cách và có thể kiểm tra hiệu quả của chúng. Ngoài ra, việc giao tiếp có trách nhiệm và cởi mở từ bệnh nhân và bác sĩ điều trị rất quan trọng.
Khi dùng thuốc giảm đau, cần lưu ý những điều sau:
- Uống thuốc theo đúng chỉ định. Trong mọi trường hợp, bạn không nên thay đổi liều lượng hoặc khoảng cách giữa các liều lượng mà không có sự tư vấn trước.
- Việc sử dụng thuốc giảm đau lâu dài chỉ có ý nghĩa và chính đáng nếu nó giảm được ít nhất 1/3 cơn đau. Hãy thảo luận vấn đề này với bác sĩ điều trị cho bạn. Nếu cần thiết, bác sĩ sẽ có các lựa chọn thay thế cho bạn.
- Nhiều loại thuốc giảm đau mạnh thuộc nhóm Opioid được kê đơn ngày nay không hiệu quả hoặc không đủ hiệu quả đối với các cơn đau mạn tính. Do đó, các chuyên gia khuyên bạn nên kiểm tra hiệu quả của Opioid sau một thời gian nhất định bằng cách cố gắng giảm liều lượng sau 3 đến 6 tháng.
Ngoài ra, bệnh nhân nên ăn uống lành mạnh, biết cách đối phó căng thẳng, vận động và tập thể dục đầy đủ, duy trì các mối quan hệ xã hội. Một lối sống lành mạnh sẽ làm giảm nguy cơ phụ thuộc thuốc và nâng cao chất lượng cuộc sống.