Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Đặng Văn Dũng cho biết, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực nói chung và công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nói riêng đã có những bước tiến mới. Đáng chú ý, tiến độ điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc cơ bản đáp ứng yêu cầu của Ban Chỉ đạo, có vụ vượt kế hoạch đề ra. Nhiều vụ án, vụ việc được khởi tố mới, mở rộng điều tra, kiên quyết xử lý nghiêm các sai phạm kể cả trong khu vực Nhà nước và ngoài Nhà nước, cả trong lĩnh vực được coi là bí mật, khép kín, cả các vụ việc tồn đọng, kéo dài. Phương châm "chọn vụ trọng điểm, xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực" đã được thực hiện.
Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Đặng Văn Dũng
Thông tin thêm về 6 đại án tham nhũng, tiêu cực đang được dư luận đặc biệt quan tâm, ông Đặng Văn Dũng cho biết, vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á, là vụ án điển hình sai phạm trong lĩnh vực y tế, chuyên môn sâu. Trong vụ án này, các cơ quan đã khởi tố, điều tra 33 vụ án, 133 bị can. Trong đó, có 3 Ủy viên Trung ương Đảng là Bộ trưởng, nguyên Bộ trưởng và Bí thư Tỉnh ủy; 1 Thứ trưởng, 1 Trợ lý Phó Thủ tướng và nhiều cán bộ cấp vụ, cục, lãnh đạo các tổ chức, cơ sở y tế địa phương.
Vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC là vụ án điển hình sai phạm trong lĩnh vực thao túng thị trường chứng khoán, chuyên môn sâu, hoạt động khép kín. Đến nay, các cơ quan đã khởi tố 1 vụ án, 21 bị can, đồng thời kết luận điều tra giai đoạn 1, đề nghị truy tố.
Vụ án xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh là điển hình sai phạm trong lĩnh vực trái phiếu doanh nghiệp, các cơ quan đã đưa ra kết luận điều tra, ban hành cáo trạng truy tố 15 bị can về Tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Vụ án liên quan Công ty AIC là điển hình sai phạm trong đấu thầu, đấu giá; đã khởi tố 4 vụ án, 71 bị can. Trong đó đã xử lý hình sự 1 nguyên Bí thư Tỉnh ủy, 1 nguyên Chủ tịch tỉnh và nhiều cán bộ diện Tỉnh ủy quản lý.
Vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB là điển hình sai phạm trong lĩnh vực ngân hàng, dùng ngân hàng để làm sân sau cho doanh nghiệp, trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát. Trong đại án này, các cơ quan đã khởi tố 3 vụ án, 108 bị can, trong đó có 23 bị can là lãnh đạo cấp vụ, cục, cán bộ các cơ quan thanh tra, kiểm toán, thanh tra giám sát ngân hàng và lãnh đạo thanh tra, ngân hàng một số địa phương.
Cụ thể, có 6 cán bộ Thanh tra Chính phủ, 12 cán bộ Ngân hàng Nhà nước, một Vụ trưởng Văn phòng Chính phủ, một cán bộ Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, một cán bộ Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Chánh thanh tra tỉnh Lâm Đồng; một Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP.HCM…
Vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các Trung tâm đăng kiểm địa phương là điển hình cho sai phạm tham nhũng vặt có tính hệ thống, kéo dài, các cơ quan đã khởi tố 114 vụ án, 808 bị can tại 49 địa phương.
Điểm sáng trong công tác điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng, tiêu cực
Đặc biệt, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Đặng Văn Dũng cho biết, lần đầu tiên đã khởi tố, điều tra, truy tố tội tham ô tài sản ngay cả đối tượng là chủ doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Đó là bị can Trương Mỹ Lan và đồng phạm trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB.
Bên cạnh đó, các cơ quan cũng lần đầu tiên điều tra, truy tố, xét xử vắng mặt cả đối tượng đang bỏ trốn (bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn và một số đồng phạm trong vụ án tại Công ty AIC); tập trung vận động, truy bắt một số đối tượng bỏ trốn ra nước ngoài. Mới đây nhất, 2 trong số các đối tượng liên quan đến vụ AIC bị truy nã đã về nước đầu thú (là Nguyễn Thị Thu Phương và Đỗ Văn Sơn).
Ngoài ra, Phó Ban Nội chính Trung ương cũng cho hay, Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất chủ trương phân hóa xử lý các đối tượng vi phạm trong các vụ án theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo chủ trương được áp dụng đúng, không bị lợi dụng, lạm dụng, làm sai, làm lệch để bỏ lọt, đảm bảo tính nhân đạo của Đảng, Nhà nước. Đối tượng phân loại được nghiêm trị là người chủ mưu, cầm đầu, tích cực thực hiện hành vi phạm tội đến cùng. Đối tượng không có động cơ tham nhũng, tiêu cực, thúc đẩy hành vi phạm tội tiếp tục xẩy ra được xem xét để phân hóa, ví như người làm công, người thực hiện chỉ đạo của cấp trên, trường hợp chủ động khắc phục hậu quả, tích cực phối hợp với cơ quan điều tra... được đưa vào phân loại.