Thận là cơ quan có kích thước bằng nắm tay, nằm ở phía dưới xương lồng ngực. Một quả thận khỏe mạnh có thể lọc tới 200 lít máu mỗi ngày để loại bỏ tạp chất, chất độc và lượng nước dư thừa ra khỏi cơ thể qua đường tiểu. Quá trình này vô cùng quan trọng đối với sự sống của con người.
Khi chức năng thận bị ảnh hưởng sẽ gây ra các biến chứng sức khỏe mạn tính. Bệnh thận mạn tính được coi là biến chứng y khoa nguy hiểm và là một trong những nguyên nhân gây tử vong cao trên toàn thế giới. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, ước tính trên toàn cầu có hơn 85 triệu người mắc bệnh thận và dự báo tới năm 2040, sẽ có hơn 5 triệu bệnh nhân suy thận tử vong do không được điều trị kịp thời.
Các chuyên gia cho rằng những con số trên là hậu quả của việc thiếu kiến thức về bệnh thận và việc chủ động phòng tránh bệnh là điều cực kỳ quan trọng và cần thiết. Theo đó, người có những đặc điểm này về lối sống là người có thận khỏe mạnh.
1. Thường xuyên tham gia các hoạt động thể chất
Tập luyện thường xuyên giúp thận khỏe mạnh (Ảnh: Cure)
Tập thể dục thường xuyên có lợi cho toàn bộ cơ thể cũng như đảm bảo sức khỏe của thận. Tập thể dục tăng sức mạnh và chức năng cơ bắp, đồng thời giảm huyết áp và cholesterol. Việc tập thể dục thường xuyên, phù hợp với điều kiện sức khỏe cũng giúp ngăn ngừa bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch. Điều này rất quan trọng trong việc ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh thận.
2. Uống đủ nước
Nước chiếm khoảng 60-70% trọng lượng cơ thể và cơ thể luôn cần nước để có thể hoạt động bình thường. Việc tiêu thụ đủ nước còn giúp thận loại bỏ chất thải ra khỏi máu, giảm nguy cơ phát triển bệnh thận mạn tính và là cách làm hiệu quả nhất để tránh sỏi thận.
Nếu bạn muốn thận luôn khỏe mạnh, hãy uống đủ lượng nước được khuyến nghị mỗi ngày.
3. Ăn uống lành mạnh
Những thực phẩm tốt cho thận (Ảnh minh họa)
Thận đóng vai trò rất lớn trong việc duy trì cơ thể luôn ở trạng thái cân bằng và khỏe mạnh. Tuy nhiên, chế độ ăn uống kém khoa học có thể góp phần dẫn tới huyết áp cao, béo phì, tiểu đường và các rối loạn khác. Tất cả những yếu tố này dần dần có thể gây hại cho thận. Các nghiên cứu khoa học cho thấy chế độ ăn nhiều protein động vật và ít rau, trái cây làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận mạn tính.
Chính vì thế, việc duy trì dinh dưỡng hợp lý là điều quan trọng để bảo vệ thận không bị tổn thương. Các thực phẩm có nguồn gốc thực vật, chẳng hạn như rau và ngũ cốc, đã được nhiều nghiên cứu chứng minh có tác dụng ngăn ngừa các bệnh mạn tính như tiểu đường loại 2, huyết áp cao và bệnh tim. Một số loại trái cây như nam việt quất, nho hoặc hạt như đậu phộng có nhiều chất dinh dưỡng và hợp chất thực vật có lợi cho thận mà bạn nên thêm vào chế độ ăn.
4. Không hút thuốc lá
Thuốc lá chứa nhiều chất độc hại có thể phá hủy các mạch máu, từ đó làm giảm lưu lượng máu đến các cơ quan quan trọng như phổi, tim và cả thận. Ngoài ra, các chất độc hại trong thuốc lá còn gây độc cho thận, làm tăng tới 50% nguy cơ ung thư thận, bàng quang.
5. Không sử dụng thuốc bừa bãi
Sử dụng thuốc đúng chỉ định để bảo vệ sức khỏe thận (Ảnh: Bio World)
Sử dụng thuốc bừa bãi là một trong những nguyên nhân gây tổn thương thận, kể cả các loại thuốc đó là thuốc không kê đơn hay thực phẩm chức năng, thảo dược. Việc sử dụng thuốc phải được tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa và dùng theo đúng chỉ địch. Có rất nhiều trường hợp bị suy teo thận do dùng quá nhiều thuốc giảm đau.
6. Nói không với căng thẳng
Việc sống tích cực, không căng thẳng không chỉ quan trọng với sức khỏe tổng thể mà còn với sức khỏe 2 quả thận. Căng thẳng kéo dài có thể tác động tới huyết áp, nhịp tim, mỡ máu, đường huyết và cả bệnh tim mạch. Tất cả các yếu tố này đều có thể dẫn tới tổn thương thận.
Làm thế nào để phát hiện bệnh thận?
Tiến sĩ Kalyani Perumal, một bác sĩ chuyên khoa thận, đồng thời là Giám đốc Y tế của Trung tâm Chạy thận, Sở Y tế Quận Cook (tiểu bang Illinois, Hoa Kỳ), cho biết xét nghiệm máu và nước tiểu là cách phát hiện bệnh thận sớm nhất. Đối với những người bị huyết áp cao nên kiểm tra chức năng thận thường xuyên vì đây là nguyên nhân chính dẫn tới bệnh thận. Nếu chức năng thận bị suy giảm, huyết áp sẽ tăng lên.
Vị tiến sĩ nói thêm, ở giai đoạn nặng, bệnh nhân có thể xuất hiện tình trạng mệt mỏi quá mức; thay đổi vị giác; phù chân, mặt và bụng; ngứa da; ngủ kém; chuột rút và lú lẫn.
Việc phát hiện sớm bệnh thận là điều quan trọng để có những can thiệp kịp thời về y khoa cũng như lối sống, tránh những biến chứng nặng nề của bệnh.