Theo quan điểm của Tổng thống Trump, đồng hồ của ông đang đếm ngược. Nhà lãnh đạo Mỹ cần những chiến thắng lớn về ngoại giao từ bây giờ cho tới kỳ bầu cử Tổng thống vào tháng 11/2020.
Dưới đây là 6 vấn đề khiến Tổng thống Trump đau đầu cũng như những chiếc "chìa khóa" để ông phá thế bế tắc về ngoại giao hiện nay.
Triều Tiên
Mục tiêu của chính quyền Tổng thống Trump trong vấn đề Triều Tiên là buộc nước này phi hạt nhân hóa hoàn toàn và có thể xác minh được, cũng như chấm dứt chương trình tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Nếu hỏi Tổng thống Trump về các cuộc đàm phán của ông với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, ông Trump nhất định sẽ trả lời rằng ông đang thắng. Ông Trump là Tổng thống Mỹ đầu tiên gặp một nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng như đặt chân lên lãnh thổ quốc gia này. Ông cũng đưa hài cốt của những người lính Mỹ trở về quê hương và khiến Bình Nhưỡng dừng thử tên lửa liên lục địa và vũ khí hạt nhân trong gần 2 năm. Tất cả những điều này đã khiến Tổng thống Mỹ tuyên bố trên Twitter sau cuộc gặp đầu tiên của ông với ông Kim ở Singapore rằng Triều Tiên "không còn là mối đe dọa hạt nhân nữa".
Vấn đề duy nhất là khả năng hạt nhân của Triều Tiên đã tăng lên kể từ cuộc gặp đó. Một số ước tính của các cơ quan tình báo cho thấy rằng kho nhiên liệu và tên lửa của Triều Tiên đều tăng lên về mặt số lượng. Những cuộc thử tên lửa tầm ngắn đã cải thiện khả năng tấn công của Triều Tiên đối với các căn cứ của Mỹ ở Hàn Quốc và Nhật Bản với một thế hệ vũ khí mới có thể tránh lưới phòng thủ tên lửa. Ngoài ra, Triều Tiên cũng chưa giao ra danh sách các loại vũ khí, tên lửa và cơ sở hạt nhân của nước này - điều được coi là bước đi đầu tiên trong tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa.
Do đó, giải pháp ở đây là trừ khi Tổng thống Trump thay đổi các mục tiêu về hồ sơ Triều Tiên, nếu không thì ông chủ Nhà Trắng sẽ gần như không thể đạt được bất kỳ điều gì trong quỹ thời gian hạn hẹp của ông trước khi kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 diễn ra.
Iran
Đối với vấn đề Iran, mục tiêu của Mỹ là ngăn cản nước cộng hòa Hồi giáo này sản xuất vũ khí hạt nhân. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo coi Tehran là nguồn cơn của gần như mọi vấn đề ở Trung Đông trong khi Tổng thống Trump khẳng định rằng cách duy nhất để đạt được một thỏa thuận với Iran là phá hủy thỏa thuận hạt nhân năm 2015 - một thỏa thuận mà ông Trump cho là "tồi tệ" và phải bỏ đi bởi nó không ngăn cản Iran sản xuất vũ khí hạt nhân vĩnh viễn.
Trong khi đó, Cố vấn An ninh Quốc gia vừa ra đi John Bolton ủng hộ mạnh mẽ chiến lược "gây sức ép tối đa" và cho rằng điều này sẽ tạo ra thành công lớn hơn bất kỳ kết quả nào mà hầu hết các chuyên gia mong đợi. Doanh thu dầu mỏ của Iran lao dốc, nền kinh tế nước này đang chao đảo và một số người thuộc giới tinh hoa chính trị của Tehran thậm chí đã thừa nhận rằng ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ sẽ là viễn cảnh "không thể tránh khỏi".
Mọi ánh mắt đều đổ dồn vào kỳ họp Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc trong thời gian tới. Tổng thống Trump và thậm chí cả ông Pompeo đều nói rằng Mỹ sẵn sàng đàm phán, cũng như gặp Tổng thống Iran Hassan Rouhani mà không cần điều kiện tiên quyết nào.
Mặc dù vậy, Tổng thống Trump nhấn mạnh mục tiêu của Mỹ với Iran vẫn sẽ giữ nguyên: "Họ sẽ không bao giờ được sở hữu vũ khí hạt nhân. Nếu họ vẫn đang nghĩ đến việc làm giàu urani, họ có thể quên nó đi".
Vấn đề vướng mắc ở đây là ông Rouhani bởi Tổng thống Iran sẽ không gặp nhà lãnh đạo Mỹ nếu các lệnh trừng phạt không được dỡ bỏ. Nhà phân tích David E. Sanger nhận định trên New York Times rằng triển vọng thắng cuộc của Tổng thống Trump là không tệ bởi Iran có thể sẽ thay đổi ý định và ngồi vào bàn đàm phán khi họ không còn lựa chọn nào khác. Và không giống như Triều Tiên, Iran không sở hữu vũ khí hạt nhân nên họ hầu như có rất ít thứ để từ bỏ.
Afghanistan
Mục tiêu của Mỹ trong vấn đề Afghanistan là chủ trì một thỏa thuận hòa bình và rút quân khỏi khu vực này. Theo New York Times, mỗi lần Tổng thống Trump tới thăm trại David, ông đều xem những bức ảnh của Tổng thống Jimmy Carter - người đã thực hiện ngoại giao cabin năm 1978 để mang đến hòa bình cho Israel và Ai Cập. Một số chuyên gia nghĩ rằng điều đó đã khiến Tổng thống Trump nghĩ đến việc mời Taliban đến trại David. Dù vậy, trước khi rời khỏi vị trí Cố vấn An ninh Quốc gia, ông Bolton đã gọi đây là một ý tưởng điên rồ.
Và thực tế cho thấy, mọi thứ gần như đã trôi qua. Thỏa thuận hòa bình của Tổng thống Trump tại Trại David đã không diễn ra. Chính quyền ông Trump thay vào đó chỉ kêu gọi "giảm bạo lực" và bắt đầu 1 tiến trình đối thoại giữa Taliban và chính phủ Afghanistan của Tổng thống Asharaf Ghani do Mỹ ủng hộ. Hầu như rất ít người cho rằng điều này sẽ dẫn đến một nền hòa bình thực sự. Tuy nhiên bấy nhiêu có lẽ đủ để cho Tổng thống Trump cơ hội đáng kể để rút quân khỏi Afghanistan. Khả năng giành chiến thắng trong vấn đề này của ông Trump khá cao. Nhưng cũng phải nhớ rằng những người muốn Mỹ rút quân, thậm chí còn hơn cả Tổng thống Trump, chính là lực lượng Taliban.
Trung Quốc
Trong “cuộc chiến” với Trung Quốc, Tổng thống Trump đã kết hợp những mục tiêu về thương mại với các lo ngại về an ninh.
Ông Trump đã tính toán sai khi cho rằng các biện pháp thuế quan sẽ buộc Chủ tịch Tập Cận Bình phải nhượng bộ do nền kinh tế Trung Quốc bị ảnh hưởng, song mọi thứ hiện nay không diễn ra như vậy. Bắc Kinh thậm chí còn tuyên bố sẵn sàng chuẩn bị cho một cuộc thương chiến trường kỳ.
Vấn đề lớn nhất mà chính quyền Mỹ đang đối mặt là sau gần 32 tháng Tổng thống Trump nắm quyền, Washington vẫn không có một chiến lược thống nhất với Trung Quốc.
Ở "mặt trận" Trung Quốc, rõ ràng khả năng chiến thắng ngoại giao của ông Trump không cao. Chủ tịch Tập Cận Bình đang chơi một cuộc chiến trường kỳ trong khi Tổng thống Trump có thể chỉ có một cuộc chơi đến tháng 11/2020.
Trung Đông
Mục tiêu của chính quyền Tổng thống Trump ở Trung Đông là khiến các quốc gia trong khu vực này nhất trí với kế hoạch hòa bình hay còn gọi là "thỏa thuận thế kỷ" của con rể ông Trump là Jared Kushner. Mỹ đã công bố phần đầu tiên của kế hoạch này với kế hoạch khiến các quốc gia Arab giàu có sẽ đầu tư hàng chục tỷ USD vào Palestine, Ai Cập, Jordan và Lebanon.
Tuy nhiên giữa bối cảnh Israel đang bước vào chiến dịch bầu cử, Mỹ đã hoãn công bố phần liên quan đến chính trị trong kế hoạch này cho tới sau khi cuộc bầu cử kết thúc.
Khả năng cho chiến thắng của chính quyền Tổng thống Trump trong vấn đề này phụ thuộc vào sự ủng hộ trên thực tế của các quốc gia dựa trên lợi ích của họ khi thực hiện theo kế hoạch hòa bình của Kushner.
Nga
Đối với Nga, Mỹ không có một mục tiêu rõ rãng, cũng như không có sự thống nhất giữa quan điểm của Tổng thống Trump và các quan chức của ông.
Khác với các cố vấn chính sách đối ngoại của mình, Tổng thống Trump tin rằng chìa khóa để giải quyết quan hệ với Nga là đưa Moscow "hòa nhập" với thế giới khi để nước này quay trở lại G7, bỏ qua hoặc phớt lờ việc sáp nhập Crimea cũng như không bao giờ đề cập đến những nỗ lực can thiệp bầu cử năm 2016 - một cáo buộc mà ông Trump cho là "trò chơi khăm".
Trong khi đó, Lầu Năm Góc đang có những thay đổi căn bản trong chính sách với Nga và Trung Quốc. FBI, Bộ An ninh Nội địa và Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ đều cho biết họ đang thiết lập những kế hoạch nhằm đối phó với ảnh hưởng bên lề của Nga trong cuộc bầu cử năm 2020.
Tổng thống Trump khẳng định rằng Nga "không có lý do gì để làm vậy", đồng thời cho biết chỉ cần với một chút sự hỗ trợ dành cho nền kinh tế Nga, Tổng thống Putin sẽ dễ để đối phó hơn nhiều. Sau sự ra đi của ông Bolton, Tổng thống Trump có thể sẽ đàm phán để mở rộng Hiệp ước New START - thỏa thuận kiểm soát vũ trang cuối cùng giữa Mỹ và Nga.
Tuy nhiên, đối với vấn đề dỡ bỏ trừng phạt Moscow, Tổng thống Trump sẽ vấp phải trở ngại từ chính đảng Cộng hòa của ông khi những nghị sĩ trong đảng cho biết họ không có ý định sẽ đảo ngược quan điểm cứng rắn hàng thập kỷ qua với Nga. Triển vọng cho khả năng chiến thắng của Tổng thống Trump trong tình huống này chỉ có thể xảy ra với sự mở rộng của hiệp ước kiểm soát vũ trang giữa 2 nước./.