Thật ra, có những bệnh không có biểu hiện đặc biệt nào ở giai đoạn sớm nên rất khó nhận biết. Và chỉ tới khi xuất hiện các triệu chứng rõ ràng, bệnh đã ở giai đoạn muộn, do đó trở nên khó điều trị hơn.
Bởi vậy, ngay từ bây giờ, bạn đừng chủ quan với sức khỏe của mình. Dưới đây là 6 bệnh nghiêm trọng gần như không có triệu chứng bên ngoài và khi phát hiện ra thì đã nặng.
1. Huyết áp cao
Theo một nghiên cứu của Canada năm 2013 được công bố trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ, gần một nửa số người bị huyết áp cao không biết rằng họ có bệnh cho đến khi lên cơn đau tim hoặc đột quỵ.
"Bạn có thể bỏ qua các triệu chứng bệnh huyết áp cao trong thời gian dài và sau đó thì nó xuất hiện một cách đột ngột giống như thể ném bạn xuống vực thẳm.
Khi đó, bạn sẽ bị lên cơn đau tim, đột quỵ hoặc bệnh liên quan đến thận", Mary Bauman, bác sĩ tim mạch tại Oklahoma và phát ngôn viên quốc gia của Hiệp hội tim mạch Mỹ cho biết.
Phòng bệnh: Để ngăn ngừa huyết áp cao nên kiểm tra huyết áp ít nhất 1 lần /năm dù bạn không có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào. Bạn chỉ cần tới những cơ sở y tế chăm sóc sức khỏe gần nhà là đã có thể được kiểm tra huyết áp.
2. Chứng ngưng thở lúc ngủ
Một nghiên cứu của Thụy Điển năm 2012 cho thấy một nửa phụ nữ trong độ tuổi từ 20-70 bị ngưng thở khi ngủ và điều này có liên quan đến tăng nguy cơ bệnh tim và bệnh tiểu đường loại 2.
"Thay vì mắc triệu chứng ngủ ngáy và thường xuyên buồn ngủ trong ngày, chị em thường phải trải qua những cơn đau đầu, rối loạn tâm trạng cũng như vô cùng mệt mỏi vào buổi sáng.
Ngoài ra, một dấu hiệu khác của bệnh ngưng thở khi ngủ là thường xuyên thức giấc ban đêm và sau đó bị mất ngủ", tiến sĩ Richard Rose, phó giáo sư trợ giảng y khoa tại trường Y UCSD giải thích.
Phòng bệnh: Nếu thấy có bất kỳ triệu chứng nào trên, bạn nên gặp các bác sĩ chuyên khoa về giấc ngủ để được tư vấn làm sao có giấc ngủ ngon và được theo dõi nhịp tim, thở mô hình, nồng độ oxy trong máu...
3. Tăng nhãn áp
Đây là một trong những căn bệnh ảnh hưởng tới thị lực bằng cách tấn công vào dây thần kinh thị giác.
"Những dấu hiệu ban đầu của bệnh này thường là bạn nhìn mọi thứ mờ đi, khó lái xe, đặc biệt là vào ban đêm, khó phân biệt giữa ánh sáng khi giảm.
Nếu bạn bị trượt chân trên đường, hụt 1 bậc thang, làm đổ nước hay gặp khó khăn khi lái xe vào ban đêm có nghĩa thị lực của bạn đang yếu đi", tiến sĩ Joel Schuman, trưởng khoa Mắt tại Trung tâm Y khoa Đại học New York giải thích.
Phòng bệnh: Hội Nhãn khoa Mỹ khuyến cáo những người bắt đầu bước sang tuổi 40 nên sàng lọc các bệnh về mắt, tiếp theo là mỗi 2-4 năm/lần tùy thuộc vào các yếu tố nguy cơ kể trên. Sau 65 tuổi, bạn nên kiểm tra hàng năm.
4. Bệnh tiểu đường
Theo Hiệp hội tiểu đường Mỹ, có khoảng 8 triệu trong số 29 triệu trường hợp của bệnh tiểu đường ở Mỹ được chẩn đoán quá muộn.
Mọi người thường bỏ qua một số dấu hiệu cụ thể như khô miệng, cảm thấy rất khát nước, đi tiểu nhiều, và thậm chí nhìn mờ.
"Một dấu hiệu khác cảnh báo bệnh tiểu đường bao gồm thừa nhiều cân, xuất hiện các đám da nâu, gấp nếp trên gáy, nách hoặc háng...", bác sĩ nội tiết Ashita Gupta của bệnh viện Roosevelt Sina ở New York cho biết.
Phòng bệnh: Hãy sàng lọc bệnh tiểu đường mỗi 3 năm/lần, bắt đầu từ tuổi 45. Nếu đang thừa cân hoặc có các yếu tố nguy cơ khác như tăng huyết áp hoặc cholesterol cao, bạn nên thường xuyên khám sàng lọc hơn.
5. Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)
Có đến 10% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản bị PCOS, nguyên nhân là do cơ thể sản xuất dư thừa hoóc môn nam, ngăn cản quá trình rụng trứng và làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch hoặc tiểu đường loại 2.
Đáng báo động là theo thống kê của tổ chức phi lợi nhuận PCOS Foundation, chưa đến 50% phụ nữ mắc hội chứng này được chẩn đoán đúng.
"Hội chứng buồng trứng đa nang ảnh hưởng đến sự rụng trứng, có thể khiến cho trứng không rụng thường xuyên, gây ra vô sinh. 1/2 số người mắc căn bệnh này sẽ phát triển bệnh tiểu đường hoặc tiền tiểu đường trước tuổi 40.
Họ cũng có nguy cơ phát triển bệnh cao huyết áp, ngưng thở khi ngủ, cholesterol cao và ung thư nội mạc tử cung", tiến sĩ David Keefe, Trưởng khoa sản phụ khoa tại Trung tâm y tế NYU Langone giải thích.
Phòng bệnh: Nếu thấy kinh nguyệt không đều, nổi nhiều mụn, mọc nhiều lông trên mặt hoặc cơ thể, rụng tóc... , bạn nên đi khám sớm.
May mắn là bạn có thể giảm nguy cơ mắc hội chứng PCOS bằng cách có lối sống lạnh mạnh với chế độ ăn uống ít carb, tập thể dục thường xuyên để giảm lượng insulin...
6. Ung thư phổi
Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, ung thư phổi là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở cả nam giới lẫn phụ nữ nhưng ở giai đoạn đầu nó lại có thể là hoàn toàn không có triệu chứng gì.
"Các triệu chứng thường được nhận biết khi bệnh đã ở vào giai đoạn muộn và do đó nguy cơ tử vong rất cao. Báo động là hơn 1/2 số người mắc bệnh ở nữ lại là những người không hút thuốc và không có nguy cơ", Tiến sĩ Nasser Hanna, một chuyên gia ung thư phổi tại Đại học Indiana cho biết.
Phòng bệnh: Nếu là người có tiền sử hút thuốc ít nhất 1 gói/ngày trong 30 năm (ví dụ, một gói một ngày trong 30 năm hoặc 2 gói mỗi ngày trong 15 năm) và trên 55 tuổi, bạn cần khám sàng lọc hàng năm.
Tuy nhiên nếu là người không bao giờ hút thuốc, bạn cũng cần cảnh giác với những biểu hiện khác thường như ho khan mà không biến mất sau khoảng hai tuần, đột ngột thở khò khè, đau ngực, khó thở, hoặc khàn tiếng...
* Theo Prevention