Dẫn chúng tôi vào cánh rừng xanh tốt đã được dọn dẹp sạch sẽ phần thực bì, cỏ dại, ông Vừ Rả Tênh (SN 1972) - Bí thư Đảng ủy xã Tây Sơn (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) cho hay, khu rừng với hàng vạn cây gỗ quý này được gia đình ông gieo trồng từ gần 20 năm trước.
"Toàn bộ cánh rừng đều là cây Pơ mu, Sa mu. Ngày mới trồng, cây chỉ cao vài ba chục centimet. Nay nhiều cây đã cao cả chục mét rồi. Thời gian trôi qua nhanh, rừng cây này cũng đã xanh tốt", ông Tênh nói và cho hay, hiện cây trong rừng đã có tuổi đời từ 18-20 năm tuổi. Đa số các cây đều cao 7-8m, có cây cao cả chục mét, đường kính trung bình 30-40cm.
Núi Pu Lon là một ngọn núi thuộc bản Huồi Giảng, xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn nằm ở phía tây của tỉnh Nghệ An, cách trung tâm gần 300km, giáp biên giới nước bạn Lào, đường đi khá khó khăn. Người dân nơi đây chủ yếu là dân tộc Mông, Thái, Khơ Mú...
Ông Vừ Rả Tênh kể, những năm 1996, bố của ông là cụ Vừ Pà Rê (SN 1947) đi vào dãy núi Pu Lon thì phát hiện cánh rừng Pơ mu, Sa mu quý ngày xưa bị tàn phá nham nhở chỉ còn trơ trọi gốc. Đau đáu vì những quả đồi bị "cạo trọc" lộ ra màu của đất, chẳng còn chút màu xanh, cụ Rê bắt đầu nuôi ý tưởng khôi phục lại cánh rừng quý xưa kia.
Nghĩ là làm, ban đầu, cụ Rê một mình lặn lội vào rừng sâu tìm kiếm những cây Pơ mu, Sa mu nhỏ đem về trồng trên những khoảng đồi trọc gần bản Huồi Giảng. Quả đồi rộng lớn, một mình làm không xuể, cụ Rê lại động viên thêm các con trai cùng vào hỗ trợ trồng rừng.
"Đợt đó tôi và 5 anh em theo bố vào để trồng rừng. Sáng sớm 2 bố con đùm theo ít cơm nắm, mang theo dao, cuốc vào rừng tìm cây con. Đi từ sáng sớm nhưng đến trưa mới vào được khu rừng có cây Pơ mu, Sa mu con. Nhổ xong cây lại đem ra khu vực đồi trọc để trồng. Mãi đến tối mịt mới về đến nhà, có khi phải đi 2, 3 ngày mới trồng được cây. Đường xa nên ngày nhiều nhất cũng chỉ trồng được vài chục cây thôi. Nhiều lúc thấy anh em tôi mệt, bố lại đến động viên cùng cố gắng. Bố bảo, cố gắng lên, rừng phải xanh thì bản làng, bà con nhân dân ta mới vui, mới sống được", ông Tênh kể.
Trồng rừng được một thời gian, những cây Sa mu, Pơ mu con dần cạn kiệt khiến hành trình phủ xanh đồi núi của bố con ông Tênh gặp khó. Nhưng không vì thế mà gia đình ông bỏ cuộc. Khi cây con không còn nữa, bố ông lại nghĩ cách tự nhân giống để có cây trồng. Nghĩ là làm, cụ Rê lại khăn gói cùng các con vào rừng sâu tìm hạt từ quả của cây Sa mu, Pơ mu mang về nhà ươm. Khi hạt nảy mầm lên cao, cả gia đình ông lại mang cây đến những khoảng đồi trọc để tiếp tục hồi sinh cánh rừng quý.
Rừng cây gỗ quý giờ đã cao từ vài mét đến cả chục mét - Ảnh: Hữu Hoàng
"Chúng tôi phải vào rừng nhặt từng quả của cây Pơ mu, Sa mu về phơi khô rồi tách hạt ra. Trong mỗi quả có từ 5-10 hạt. Quả của loại cây này nhỏ hơn ngón tay, hạt thì nhỏ hơn hạt gạo. Có được hạt rồi, bố con tôi phải ngâm hạt, ủ hạt. Mất 2 tháng để hạt nảy mầm nhưng phải đến 7 tháng sau mầm mới tốt lên cao 20-30cm. Lúc đó mới mang cây giống lên đồi trồng được. Giai đoạn này đòi hỏi sự kiên nhẫn, kiên trì mới làm được", ông Tênh nhớ lại khoảng thời gian dài ươm hạt để có giống cây quý trồng.
Ngoài việc tự tìm cây con, tự ươm hạt nhân giống, sau đó bố con ông Tênh cũng được chính quyền địa phương hỗ trợ giống cây con và huy động bà con người dân trong xã cùng trồng để việc phủ trống đồi trọc không bị đứt quãng. Tuy nhiên, số người tiếp tục với hành trình này hiện không còn nhiều.
Sau hàng chục năm kiên trì, chăm chỉ, những quả đồi núi trọc ở xã Tây Sơn dần được phủ một màu xanh của những gốc cây Sa mu, Pơ mu quý. Đến nay, trên diện tích 100ha, hàng vạn cây Sa mu, Pơ mu quý đã xanh tươi tốt, vững chãi với núi rừng. Khi những cánh rừng Sa mu, Pơ mu tươi tốt, cụ Vừ Pà Rê cũng qua đời. Để thực hiện ước nguyện của người bố, ông Tênh và những người anh em trong gia đình vẫn tiếp tục nhân giống, bảo vệ rừng trồng một cách đặc biệt.
Ngày nay, cánh rừng Pơ mu, Sa mu nằm sát khu dân cư bản Huồi Giảng 3, cách trụ sở UBND xã Tây Sơn khoảng 4km. Khu rừng có độ dốc thoai thoải, được dọn dẹp lớp thực bì, cây cỏ nên không gian sạch, thoáng đẹp.
Lớp dầu từ Pơ mu, Sa mu tỏa ra một mùi thơm dễ chịu nên những ngày hè, du khách trong và ngoài huyện thường đến chiêm ngưỡng khu rừng và tận hưởng bầu không khí trong lành nơi đây.
"Mấy năm qua, người dân nhiều nơi thường ghé đến khu rừng này để dã ngoại, du lịch sinh thái. Nhất là vào mùa hè, mọi người đến chơi nhiều lắm. Chúng tôi không thu tiền người dân mà khuyến khích, thu hút họ đến đây để chơi nhiều hơn. Từ đó họ sẽ có ý thức bảo vệ rừng hơn nữa", ông Vừ Rả Tênh nói.
Ông Vừ Bá Rê - Phó Chủ tịch UBND xã Tây Sơn cho hay, hơn 100ha rừng cây Pơ mu, Sa mu đang phát triển tươi tốt. Hiện nay, rừng cây đã có tuổi đời 18-20 năm, mang lại giá trị kinh tế cao. "Bây giờ đến với bản làng ở Tây Sơn chỉ thấy toàn cây Pơ mu, Sa mu xanh ngút ngàn. Cuộc sống của bà con làng bản phát triển và dần ổn định hơn cũng nhờ những cánh rừng như thế này", ông Vừ Bá Rê chia sẻ.
Trao đổi với phóng viên, ông Thò Bá Rê - Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) cho biết, khoảng những năm 1996, gia đình ông Vừ Rả Tênh đã cùng một số người trong xã đã trồng khoảng 100ha rừng cây Pơ mu, Sa mu quý hiếm. Tuy nhiên, số lượng cây sống sót chỉ khoảng hơn 90ha.
"Rừng Pơ mu, Sa mu mang lại giá trị rất lớn. Việc trồng rừng không chỉ là việc giữ rừng, phát triển kinh tế mà còn góp phần giữ gìn văn hóa của người Mông. Trước đây người dân chưa có vật liệu làm nhà nên thường dùng những cây Pơ mu, Sa mu để làm cột cho đến mái ngói lợp. Tuy nhiên ngày nay người dân và chính quyền đang ra sức bảo vệ rừng cây gỗ quý này", ông Thò Bá Rê nói và cho hay, đến nay chính quyền địa phương vẫn tiếp tục động viên người dân trồng mới loại cây quý này để có thể duy trì không gian xanh, bảo tồn giá trị.
Bản Huồi Giảng giờ đây được bao quanh bởi màu xanh của rừng cây gỗ quý
Rừng cây Pơ mu, Sa mu của gia đình ông Vừ Rả Tênh bây giờ đã cao 7-8m, có cây đường kính 40 - 50 cm. Nhiều cây lớn đã có thể lấy gỗ. Theo ước tính giá gỗ quý hiện nay thì cánh rừng cả trăm héc ta của ông Tênh nếu thu hoạch có thể bán được hàng trăm tỷ đồng.
Tuy nhiên, ông Tênh cho hay, mục đích của gia đình ông trồng lên rừng cây này với mong muốn có không gian sống xanh cho con cháu đời sau nên ông sẽ tiếp tục trồng và bảo vệ. Ông Tênh cũng mong muốn tất cả mọi người và đặc biệt là thế hệ trẻ sẽ ngày càng có ý thức trồng và bảo vệ rừng để có thật nhiều không gian xanh cho tương lai.
Ngày nay, mỗi độ hè đến, cánh rừng cây gỗ quý ở bản Huồi Giảng lại tỏa hương thơm thu hút rất đông người dân trong và ngoài địa phương đến tham quan, tận hưởng không khí trong lành. “Mùa hè, dịp cuối tuần tôi thường đưa gia đình và các cháu nhỏ đến khu rừng này chơi, tận hưởng không khí thanh mát và ngắm nhìn những cây xanh tươi tốt. Vào khu rừng, không chỉ để gia đình nghỉ ngơi mà tôi còn dạy các con phải biết chăm sóc, bảo vệ cây để sau này có những cánh rừng mãi xanh tươi”, anh Mùa Bá Vừ (trú xã Tây Sơn) chia sẻ.
Rừng Nghệ An mang nhiều nét điển hình của thảm thực vật rừng Việt Nam, là nguồn nguyên liệu quan trọng cho khai thác và phát triển các ngành công nghiệp của địa phương.
Theo Quyết định số 450/QĐ-UBND ngày 23/2/2021 của UBND tỉnh, tổng diện tích đất có rừng của Nghệ An là 964.474,27 ha; trong đó, diện tích có rừng tự nhiên 786.550,3 ha, diện tích có rừng trồng 177.923,97 ha. Độ che phủ rừng đạt 58,5%. Trong đó, tổng trữ lượng gỗ hiện còn khoảng 52 triệu m³, trong đó có tới 42,5 vạn m³ gỗ Pơmu.
Pơ mu là loài cây gỗ quý thuộc ngành thông, họ hoàng đàn, là một loại gỗ quý thuộc nhóm I trong bảng xếp hạng các nhóm gỗ ở Việt Nam. Từ xa xưa, cuộc sống của người Mông đã gắn liền với cây Pơ mu. Ở đâu có cây Pơ mu, ở đó có người Mông sinh sống. Bởi theo bà con người Mông, vùng đất đó sẽ ít ruồi muỗi, bệnh tật. Loại gỗ Pơ mu có mùi thơm, vân gỗ đẹp, nhẹ và bền, không bị mối mọt, có tác dụng xua đuổi côn trùng. Đây là loại gỗ quý, thời gian trước cây gỗ này đã bị khai thác rất nhiều nên số lượng ngày càng ít đi.
Do là loài gỗ quý và khan hiếm nên giá trị kinh tế của cây Pơ mu rất cao và trở thành loại nguy cấp được đưa vào nhóm gỗ nằm trong Sách đỏ Việt Nam năm 1996.
Bởi vậy, với cánh rừng gần 100ha trồng gỗ quý của gia đình ông Vừ Rả Tênh trong suốt gần 20 năm qua đã góp phần vào tăng diện tích độ phủ của loại cây này trong tổng trữ lượng cây của Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung.
"Mô hình của cha con ông Vừ Rả Tênh rất hiệu quả, hiện tại khu rừng phát triển rất tốt, đường kính các cây trung bình từ 35-40cm. So với rừng tự nhiên thì khu rừng Pơ mu, Sa mu này phát triển nhanh hơn vì đưa về đây trồng được chăm sóc đầy đủ, phát quang sạch sẽ nên cây hấp thụ được ánh nắng", ông Vừ Bá Rê - Phó Chủ tịch UBND xã Tây Sơn nói về cánh rừng và cho biết hiện tại xã chọn điểm này làm nơi vui chơi giải trí. Ông cho biết thêm, sắp tới địa phương dự định sẽ đầu tư phát triển thành khu du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng của xã Tây Sơn.
Nhờ thích hợp với khí hậu lạnh vùng cao nên cây Pơ mu ở đây phát triển rất tốt, hiện cây to nhất có đường kính từ 35-40cm. Gỗ Pơ mu tốt, có mùi thơm đặc trưng, vân gỗ đẹp và không bị mối mọt nên rất được người dân ưa chuộng để làm đồ gia dụng. Theo thị trường hiện nay thì gỗ Pơ mu có giá khoảng 30 triệu đồng/m³. Phó chủ tịch UBND xã Sơn Tây nhẩm tính, khu rừng Pơ mu của bố con ông Vừ Pà Rê trị giá cả trăm tỷ đồng nếu thu hoạch gỗ.