Rất nhiều người phải sống phụ thuộc vào đồng lương và không có một điểm tựa nào khác. Đôi khi, chỉ riêng chi phí sinh hoạt hàng ngày cũng đủ chiếm hết số tiền đó.
Cũng có nhiều người bắt đầu mà không có chút kinh nghiệm hay vốn liếng trong tay. Nhưng họ quyết tâm thay đổi bản thân, bằng cách tham gia các lớp học nâng cao, kết nối với các chuyên gia tài chính, đọc sách và tham dự các hội nghị, … để rồi thành thạo kĩ năng quản lí tiền và đầu tư.
Những người này đã học được cách điều khiển đồng tiền, biến nó trở thành một loại công cụ trong tay. Khi phân tích kĩ hơn, họ đều tuân theo những quy tắc nhất định sau đây.
1) Khoản đầu tư tốt nhất là đầu tư vào bản thân
Bạn là người chịu trách nhiệm trước mọi quyết định trong cuộc đời mình. Bạn cũng là người chịu trách nhiệm với những khoản đầu tư xấu nhất và tốt nhất.
Chính bởi vai trò quyết định đó, nên việc đầu tư vào bản thân là rất hợp lý - kiến thức của bản thân càng tốt, các lựa chọn đưa ra sẽ càng khôn ngoan.
Vậy làm thế nào để áp dụng nó ? Mỗi tháng, hãy dành ra một khoản tiền nhất định để đầu tư vào đọc sách, học các lớp nâng cao trình độ, tham dự các hội thảo chia sẻ kiến thức, …
Không thiếu những đầu sách hấp dẫn dành cho những người ham học hỏi. Có thể kể tới như … với những kiến thức cơ bản, sau đó là các kiến thức chuyên sâu khác (về bất động sản, chứng khoán, …) có thể được chia sẻ thông qua hướng dẫn của các chuyên gia. Đọc sách là con đường ngắn nhất giúp bạn tiếp cận trí thức, bồi đắp kỹ năng.
2.) Tiền lương sẽ không làm cho một người trở nên giàu có, nhưng thói quen chi tiêu thì có
Tiền lương sẽ không quyết định bạn có thể trở nên giàu có hay nghèo khó. Chính thói quen chi tiêu sẽ ảnh hưởng đến điều đó. Sự giàu có không nằm ở việc kiếm được bao nhiêu, mà nằm ở số tiền bạn tiết kiệm được.
Lấy ví dụ, dù có thu nhập cao ngất ngưởng hay chỉ ở mức khiêm tốn, thì việc tiêu tiền vô tư (chẳng hạn tiêu tới 90 - 95% trong số đó) sẽ khiến bạn không có tiền cho việc tiết kiệm hay đầu tư.
Vậy làm sao để chi tiêu hợp lí? Thay vì lãng phí phần lớn thu nhập vào mua sắm hay tiêu pha, hãy chia thu nhập thành các nhóm cụ thể, bao gồm chi phí cố định, đầu tư, trả nợ, tiêu vặt, … với tỉ lệ nhất định (ví dụ 50% cho chi phí cố định, 10-15% cho đầu tư, tiêu vặt, …)
Chi phí cố định là chi phí phát sinh hàng tháng (tiền thuê nhà, điện, nước, Internet, điện thoại). Với đầu tư, hãy lựa chọn những lĩnh vực có khả năng tăng giá trị trong tương lai lâu dài (cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản, hàng hóa).
Nhìn chung, tỉ lệ thu nhập chia cho mỗi nhóm là tùy thuộc từng người. Nhưng hãy cân nhắc kĩ lưỡng, cố gắng chi tiêu một cách hợp lí để sử dụng đồng tiền hiệu quả nhất.
3) Không thể tránh rủi ro nếu muốn đầu tư thành công
Không có khoản đầu tư nào mang lại lợi nhuận hấp dẫn mà không đi kèm với những rủi ro nhất định. Rủi ro và lợi nhuận có mối quan hệ mật thiết với nhau. Đó là lí do thị trường sẽ dành phần thưởng xứng đáng cho những nhà đầu tư dám chấp nhận mạo hiểm.
Từ đó, cần hiểu rằng đầu tư thành công không phải là tránh rủi ro và thu lợi nhuận, mà là đa dạng hóa để giảm thiểu rủi ro. Lời khuyên cổ điển "đừng bỏ tất cả trứng vào một giỏ" chính là câu nói dành cho trường hợp này.
Vậy làm thế nào để áp dụng nó? Hãy thực hiện các khoản đầu tư khác nhau với các mức độ rủi ro khác nhau. Một phần trong đó cần không có tính rủi ro và có tính thanh khoản cao.
Đồng thời, cần xác định rõ những gì có thể đạt được và những gì có thể mất. Trước khi đầu tư, hãy tự hỏi mình: “Trường hợp xấu nhất có thể xảy ra với khoản đầu tư này là gì? Điều này sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của bản thân như thế nào? Ta có thể chịu đựng được thua lỗ hay không? ”
Chỉ khi có thể chịu đựng được kết quả xấu nhất, ta mới đầu tư. Nhờ đó, ta sẽ tránh được sai lầm rất nhiều người mới mắc phải - rút tiền ra khi thị trường chạm đáy.
4.) Đừng tiết kiệm những gì còn lại sau khi chi tiêu, hãy tiêu những gì còn lại sau khi tiết kiệm
Đây có lẽ là nguyên tắc quan trọng nhất. Hãy nhớ rằng ta sẽ không trở nên giàu có nếu chi tới 95% tiền lương. Các nhà đầu tư thông minh sẽ tiết kiệm, hoặc dành tiền đầu tư, trước khi chi tiêu.
Bởi vậy, ngay khi nhận lương, ta nên thực hiện tất cả các khoản đầu tư theo kế hoạch. Và chỉ sau khi đã đầu tư, ta mới nên xem xét việc mua sắm cho bản thân.
Vậy thực hiện nguyên tắc này như thế nào? Hãy sử dụng các hình thức đầu tư tự động, để ngay khi có lương hay thu nhập, tiền sẽ được chuyển tự động vào các khoản đầu tư đã thiết lập sẵn. Có như vậy, ta mới giữ cho bản thân không tiêu lạm vào tiền đầu tư, mà vẫn bảo đảm vừa có tiền đầu tư vừa có tiền chi tiêu.
5) Cần bắt tay vào hành động ngay từ lúc này
Nếu chưa quen với tài chính cá nhân, hãy bắt đầu với các khoản đầu tư vào bản thân. Nhưng cần nhớ rằng thời điểm tốt nhất để bắt đầu đầu tư là ngay lúc này.
6) Thất bại đến từ hai điều
- Làm mà không suy nghĩ.
Nếu nghe theo nguyên tắc “khoản đầu tư tốt nhất là đầu tư vào bản thân”, ta có thể tránh được nguyên nhân thứ nhất này. Thông qua việc học tập, bồi dưỡng kiến thức, ta sẽ học được cách phải suy nghĩ thấu đáo trước khi quyết định đầu tư.
- Nghĩ mà không làm
Nếu suy nghĩ quá nhiều và chờ đợi quá lâu, ta có thể sẽ phải hối tiếc vì đã không bắt đầu đầu tư sớm hơn. Đôi khi, việc suy nghĩ thái quá khiến cho những cơ hội đầy triển vọng trôi qua trong gang tấc. Do đó, cần kết hợp hài hòa giữa suy nghĩ và hành động, đủ nhạy bén để biết khi nào là thời điểm quyết định để xuống tiền.