Việt Nam là một trong số những nước có tỷ lệ mắc các bệnh răng miệng rất cao: Trên 60% trẻ em có biểu hiện viêm lợi, có cao răng và sâu răng; trên 90% người lớn có bệnh viêm lợi và viêm quanh răng.
Theo bác sĩ Lê Huy Thành - Nha Khoa thẩm mỹ công nghệ cao Nacera - Đặng Tiến Đông, Hà Nội cho biết, những bệnh răng miệng người dân còn ít quan tâm đến trong khi bệnh này chẳng chừa một ai từ trẻ nhỏ, người trưởng thành đến người già.
Bác sĩ Thành cho biết sức khoẻ răng miệng cần được quan tâm vì nó có thể là cội nguồn của nhiều bệnh khác sau này. Bởi vì, viêm nhiễm từ răng sẽ làm cho vi khuẩn xâm nhập vào mạch máu, làm suy giảm hệ thống miễn dịch, gián tiếp gây ra và làm nặng hơn các bệnh về tim mạch, hô hấp, đường tiêu hóa…
Theo bác sĩ Thành, 6 bệnh răng miệng mà người Việt hay mắc nhất hiện nay đó là
1. Sâu răng - Tooth decay
Là tổn thương do mất tổ chức cứng của răng, thức ăn làm vi khuẩn sinh sôi sinh ra axit gây hủy khoáng làm sâu răng. Răng sữa hay răng vĩnh viễn đều có thể bị sâu nếu không vệ sinh đúng cách. Sâu răng dễ nhận biết qua sự thay đổi màu sắc, lỗ hổng trên răng.
Sâu răng nhẹ không gây đau, sâu răng nặng hơn gây ê buốt hay đau thoáng qua, sâu răng nặng gây biến chứng viêm tủy đau dữ dội.
Dự phòng bằng cách chải răng kĩ càng, dùng chỉ tơ nha khoa, nước súc miệng. Nguyên tắc điều trị: chú ý điều trị dự phòng cho trẻ em, điều trị càng sớm càng tốt tránh để biến chứng viêm tủy.
2. Viêm tủy răng - Pulpitis
Do nhiều nguyên nhân, thường gặp do sâu răng nặng biến chứng vào tủy, răng chấn thương, mòn răng, nhiễm độc chì, thủy ngân, do viêm quanh răng…
Viêm tủy có nhiều dạng, có thể đau dữ dội, đau thoáng qua, hay không đau nhưng tiến triển âm ỉ và chỉ biểu hiện khi viêm cấp hay thấy sưng tấy vùng chân răng.
Nguyên tắc điều trị quan trọng nhất là làm sạch hết chiều dài ống tủy, hàn kín ống tủy, việc này đòi hỏi trang thiết bị đầy đủ, chụp X-quang kiểm tra kĩ càng. Có thể điều trị xong trong một lần hay nhiều lần.
Bệnh nhân khám răng
3. Răng khôn gây biến chứng - Wisdom-tooth
Là răng mọc muộn nhất (17-21 tuổi) và thường không đủ chỗ trên cung hàm nên hay bị mọc lệch, ngầm, lợi trùm gây nhiều biến chứng như viêm quanh thân răng, dắt thức ăn gây sâu răng số 7, tiêu xương, đẩy nhóm răng phía trước xô lệch…
Nên khám phát hiện răng khôn sớm và nhổ trước khi gây biến chứng, nhổ răng khôn thường an toàn và nhẹ nhàng. Đặc biệt phụ nữ mang thai sức đề kháng giảm có răng khôn lợi trùm rất dễ bị sưng đau, xử lý khó khăn do hạn chế dùng thuốc và can thiệp phẫu thuật.
4. Viêm nướu - Gum Disease
Là dạng nhẹ của bệnh nha chu (viêm quanh răng), cao răng và mảng bám là nguyên nhân gây kích ứng, sưng nề, mẩn đỏ, chảy máu, hơi thở hôi, co nướu, thay đổi màu sắc...
Nguyên nhân: Vệ sinh răng miệng kém, hút thuốc, bệnh tiểu đường, giảm miễn dịch, phản ứng với thuốc, thay dổi nội tiết tố (phụ nữ mang thai, trẻ em tuổi dậy thì, thuốc tránh thai…), khô miệng, làm răng giả sai quy cách.
Vệ sinh đúng cách (chải răng, chỉ tơ nha khoa, nước súc miệng) và lấy cao răng định kỳ sẽ ngăn ngừa hiệu quả viêm nướu.
Nứt răng
5. Nứt răng, nứt gãy chân răng - Crack tooth
Nguyên nhân giống như trường hợp răng sứt mẻ. Có thể nứt vỡ đột ngột và có đau ngay lập tức hay nứt không có triệu chứng và nặng dần theo thời gian: Ăn nhai thấy ê buốt, buốt khi uống nước lạnh, cơn đau tự nhiên dữ dội.
Chẩn đoán dựa vào triệu chứng, mắt thường và phim X-quang, đôi khi không thấy đuờng nứt gãy trên phim. Điều trị bằng cách làm bọc chụp, chữa tủy nếu có viêm tủy không hồi phục, bỏ mảnh răng nứt nếu đã tách rời, có thể phải nhổ răng nếu nứt gãy quá sâu dưới chân răng.
6. Răng sứt mẻ - Chipped Tooth
Thường gặp khi nhai mạnh vật cứng, tật nghiến răng, ăn hay uống quá nóng, quá lạnh, chấn thương… Nếu nhẹ thường không cần điều trị gì.
Với vết mẻ răng lớn gây ê buốt hay ảnh hưởng thẩm mỹ có thể điều trị trám thẩm mỹ, bôi thuốc chống ê buốt, trám răng thông thường, nặng hơn có thể phải điều trị tủy hay làm phục hình, mặt dán sứ vì có những vị trí trám răng khó lưu giữ và hay bị bong vết trám khi ăn nhai.