Chi phí hơn 1,3 tỷ USD mà Israel bỏ ra để đáp trả Iran là một số tiền rất lớn. Vậy, câu hỏi đặt ra rằng Israel có sức mạnh tài chính ra sao?
Dù hơn một nửa diện tích là sa mạc, điều kiện tự nhiên khó khăn, song Israel ngày nay lại là một trong những quốc gia có nền kinh tế thịnh vượng nhất trên thế giới.
Dù chỉ có dân số hơn 9,5 triệu người (tương đương TP HCM), nhưng thu nhập bình quân đầu người của người dân Israel khá cao.
Trên thực tế, cơ sở dữ liệu Triển vọng Kinh tế Thế giới của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, chỉ ra rằng, thu nhập bình quân đầu người của người dân Israel hơn 58.000 USD, cao thứ 2 ở Trung Đông (chỉ sau Qatar). Đây được coi là bước phát triển nhảy vọt so với những năm 1980, thời điểm Israel phải hứng chịu nhiều khó khăn về kinh tế như siêu lạm phát, phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu...
Vì sao Israel giàu có?
Ngoài ra, theo nhiều nguồn tin, sở dĩ Israel có sức mạnh tài chính như hiện tại là nhờ vào một loạt các yếu tố quan trọng, trong đó có nhiều khoản viện trợ từ Mỹ. Nền kinh tế số 1 thế giới đã cung cấp cho Israel hơn 260 tỷ USD viện trợ quân sự và kinh tế kết hợp. Đồng thời Mỹ cũng chi thêm khoảng 10 tỷ USD cho những hệ thống phòng thủ tên lửa của Israel, chẳng hạn như Vòm Sắt.
Chưa hết, vào năm 2016, Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là ông Barack Obama đã ký một thỏa thuận về gói viện trợ quân sự cho Israel trị giá 38 tỷ USD, kéo dài từ năm 2017 – 2028. Một trong những lý do chính thúc đẩy Mỹ viện trợ lớn cho Israel có thể là vì đây quốc gia này là một đồng minh quan trọng ở Trung Đông.
Ngoài ra, sở dĩ Israel giàu có như vậy còn nhờ vào 4 nguyên nhân.
Thứ nhất, Israel giàu có như hiện nay một phần nhờ quốc gia này biết biến khủng hoảng thành cơ hội. Theo GS Tomer Fadlon tại ĐH Tel Aviv, lịch sử của Israel đã phản ánh về câu chuyện thành công của một nước phải đối mặt với tình trạng bị thiếu hụt tài nguyên nghiêm trọng. Tuy nhiên, chính sự khan hiếm đó và khủng hoảng kinh tế đã khiến Israel phải tìm kiếm những thứ tốt đẹp hơn, hơn thế nữa, đồng thời tìm những con đường để phát triển.
"Tài nguyên khan hiếm khiến chúng tôi phải làm việc chăm chỉ hơn. Điều này tạo thành tất cả các thành tựu kinh tế sau đó", GS Faflon cho hay.
Thứ hai, Israel còn tập trung đầu tư cho nghiên cứu và phát triển. Theo GS Fadlon, Israel đã tiến hành mở cửa cho đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Theo đó, chỉ tiêu của chính phủ cho an ninh, quốc phòng giảm từ 25% GDP xuống còn khoảng 5 – 6%. Vị chuyên gia này cho biết thêm, vào đầu những năm 1990, Israel đã bắt đầu chi nhiều cho nghiên cứu và phát triển. Chính vì vậy, tỷ lệ chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển trong GDP cũng đã tăng lên đáng kể lên tới 5%.
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ước tính, tính đến năm 2021, việc đầu tư cho nghiên cứu và phát triển của Israel đã cao nhất thế giới, tăng lên 5,6 % GDP. Việc này cũng mang lại lợi thế vượt trội cho Israel vào thời điểm công nghệ thông tin bùng nổ.
Thứ ba, xuất khẩu công nghệ cao. Theo dữ liệu thống kê của UN Comtrade, kim ngạch xuất khẩu công nghệ cao của Israel đạt 3,12 tỷ USD trong năm 2007. Trong những năm tiếp theo, con số này cũng gia tăng dần. Đáng chú ý là năm 2021, xuất khẩu công nghệ cao trị giá 17 tỷ USD, chiếm khoảng 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chế tạo của quốc gia này. Israel còn xuất khẩu nhiều mặt hàng như dầu mỏ, kim cương cắt, nông sản, hóa chất và dệt may.
Thứ tư, du lịch. Trên thực tế, du lịch được coi là một trong những nguồn thu nhập chính của Israel. Theo tờ The Jerusalem post, trong năm 2023, ngành Du lịch của Israel đã chứng tỏ được khả năng phục hồi và tăng trưởng đáng kể vào năm 2023, với 3,01 triệu lượt khách du lịch và thu về 4,85 tỷ USD. Theo các chuyên gia, doanh thu về du lịch của Israel sẽ tiếp tục tăng vào năm 2027.
Tuy nhiên, theo tuyên bố của Công ty xếp hạng S&P Global, những cuộc xung đột vũ trang ở Israel có thể gây ảnh hưởng tới các hoạt động du lịch quốc tế. Điều này có thể gây tác động tới nền kinh tế của quốc gia này.
Ông Edud Barak, Cựu Thủ tướng Israel từng chia sẻ trong một chương trình vào tháng 8/2022 ở Việt Nam, Israel chỉ tập trung đầu tư vào 4 lĩnh vực.
Thứ nhất, năng lượng tái tạo, vì có liên quan tới phát triển bền vững trong tương lai.
Thứ hai, lĩnh vực về công nghệ đời sống, công nghệ sinh học, những công nghệ mới có liên quan tới tế bào và nhân bản hướng tới y học cá thể hóa. Những công nghệ này sau đó sẽ giúp chăm sóc sức khỏe tùy biến. Theo đó, những quyết định về y khoa sẽ được thiết kế riêng cho từng bệnh nhân, dựa trên thông tin di truyền, đặc thù bệnh.
Thứ ba, lĩnh vực về trí tuệ nhân tạo và công nghệ nano siêu nhỏ.
Thứ tư, lĩnh vực không gian.
Bài tham khảo nguồn: Sputnik, The Jerusalem post, Britannica