Tốc độ 5G vì sao chậm
Tại Việt Nam, năm 2024 được Bộ Thông tin & Truyền thông xác định là năm thương mại hóa 5G trên toàn quốc. Quy hoạch đặt ra mục tiêu đến năm 2025, tốc độ tải xuống trung bình tối thiểu 100 Mbps cho 5G. Đến 2030, mạng 5G phủ sóng 99% dân số.
Mục tiêu quy hoạch đó cho thấy Việt Nam đang rất chú trọng vào việc phát triển công nghệ 5G, nhằm cung cấp tốc độ internet nhanh chóng và ổn định cho người dân. Đây là bước tiến quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Hiện tại, các nhà mạng đã bắt đầu thương mại hóa 5G. Tuy nhiên, ở giai đoạn đầu, có những phản ánh từ người dùng như 5G chập chờn, kém ổn định. Ngoài ra, nhiều người dùng thắc mắc liệu có cần đổi SIM để dùng 5G hay không.
Về việc tốc độ 5G chậm, ông Hoàng Đức Thanh, kiến trúc sư vô tuyến thuộc Tổng công ty Mạng lưới Viettel cho biết, do 5G là dịch vụ mới được triển khai, hiện tập trung ở một số khu vực thành phố lớn, số trạm 5G cũng chưa nhiều như 4G.
“Khi đo ở trạm mà chỉ có 1 thiết bị thực hiện tốc độ 5G có thể lên 300-400Mbps, thậm chí có thể lên tới 500Mbps. Nhưng con số tăng cao hay xuống thấp còn tùy vào vị trí đo và sever định tuyến vào kiểm tra, số lượng người đang sử dụng đồng thời”, ông Thanh lý giải.
Do đó, khi có nhiều người cùng truy cập 5G cùng thời điểm, sẽ dẫn đến tình trạng có thuê bao được phân bổ nhiều tài nguyên hơn thuê bao khác, việc này sẽ khiến người dùng cảm thấy chậm đi, thậm chí là chậm hơn 4G.
Chia sẻ thêm, bà Nguyễn Thị Tâm - Phó Giám đốc Tổng công ty Mạng lưới cho biết, hiện nay có hai phần mềm kiểm tra tốc độ phổ biến là SpeedTest và iSpeed. Cả hai ứng dụng này sử dụng nhiều máy chủ ngẫu nhiên để thử nghiệm, do đó trong trường hợp thuật toán đưa ra một server “không tốt” (cấu hình cũ) cũng sẽ dẫn đến giảm kết quả đo được.
Trong khi đó, năng lực của mạng lưới 5G hiện tại đủ sức cung cấp dịch vụ cho đông đảo thuê bao với những nhu cầu data hàng ngày.
"Những phần mềm test có thuật toán tự động chọn những sever gần nhất để test, tuy nhiên có một số sever cấu hình cũ, còn trong trường hợp tốc độ kiểm tra thấp liên tục, việc này hệ thống 5G có thể bị lỗi và sẽ có kĩ thuật viên kiểm tra.
Tuy nhiên thực tế, ngoài việc test tốc độ sẽ kéo hết lưu lượng của một trạm để đo tốc độ, thì trên thực tế với nhu cầu bình thường của người dùng như duyệt web, xem Youtube hay xem video trực tuyến thì chỉ cần bằng thông từ 5-7Mbps là đã có thể xem trên độ phân giải FullHD".
Không cần đổi SIM để dùng mạng 5G
Bên cạnh thiết bị tương thích và đăng ký gói cước phù hợp, nhiều người đặt câu hỏi liệu có cần đổi SIM để sử dụng 5G không.
Về cơ bản, khách hàng 4G hiện không cần đổi SIM để sử dụng 5G. Người dùng SIM 4G vật lý có thể kết nối 5G mà không cần đổi SIM. Với eSIM, chỉ cần đăng ký gói cước là có thể kết nối 5G.
Giá cước 5G có thực sự tốt hơn 4G không?
Gói cước 5G của Viettel, ngoài yếu tố tốc độ 5G, còn tập trung đem đến cho khách hàng dung lượng tốt hơn các gói cước đang có trên thị trường (trung bình dung lượng cao gấp 2 lần với chi phí tương đương), ngoài ra gói 5G còn kèm theo miễn phí kho nội dung cao cấp, hệ sinh thái các dịch vụ đi kèm.
Ví dụ như với gói trả trước, cùng mức giá 120-130K/tháng thì ngoài dung lượng gấp 2 đến 8 lần gói 4G khác, gói 5G135 còn đi kèm theo miễn phí kho phim chất lượng 4K trên ứng dụng TV360, và 20GB lưu trữ trên Cloud MyBox. Với gói trả sau NINE, các ưu đãi đi kèm bao gồm miễn phí truy cập MXH YouTube, Tiktok, Facebook, Spotify, lưu trữ đám mây trên MyBox, truyền hình TV360 cùng các ưu đãi nâng hạng thành viên thân thiết Viettel++, ưu đãi phòng chờ sân bay.
5G có gây tốn data hơn không?
5G không tốn data hơn so với 4G nếu sử dụng các tác vụ và nội dung với cùng 1 chất lượng, đặc biệt các nhu cầu cơ bản như lướt facebook, xem youtube, xem tiktok, tải tài liệu… Khách hàng có cảm giác 5G tốn nhiều data hơn do được sử dụng chất lượng cao hơn so với 4G, đặc biệt khi sử dụng các nhu cầu mới cần tốc độ siêu nhanh mà 4G không đáp ứng, bao gồm: xem video livestream 4K, sử dụng ứng dụng thực tế ảo AR/VR có độ phân giải lớn…
5G Việt Nam sẽ sớm đi cùng nhịp thậm chí là hơn Thái Lan
Ngày 15/10, tại buổi lễ khai trương kinh doanh dịch vụ di động 5G trên toàn quốc, Viettel cho biết, có hơn 6.000 trạm thu phát sóng 5G được phát sóng chỉ sau 6 tháng kể từ khi nhận giấy phép và ra mắt nhiều gói cước để giúp khách hàng cảm nhận lợi thế khác biệt của 5G - đó là nỗ lực và quyết tâm rất lớn của Viettel để Việt Nam tiếp tục trong nhóm các quốc gia dẫn đầu trên thế giới về thương mại hóa 5G.
Vùng phủ rộng nhất, công nghệ hiện đại nhất, chất lượng tốt nhất với tốc độ có thể đạt từ 700Mbps lên 1Gb, gấp 10 lần so với 4G và độ trễ thấp gần như bằng 0. Mạng 5G Viettel triển khai đồng thời trên cả 2 nền tảng kiến trúc 5G NSA (non stand alone) và 5G SA (stand alone).
Về lộ trình phủ sóng 5G tại Việt Nam, tại hội thảo 5G hôm 24/10, đại diện Viettel cho biết nhà mạng này đang ưu tiên triển khai tại các khu vực thành thị, phủ 95% dân số ngoài trời.
Đến năm 2025, nhà mạng sẽ tiếp tục mở rộng vùng phủ sóng trong nhà. Theo kế hoạch 3-5 năm tới, người dùng ở các khu vực thành thị, khu du lịch và khu chế xuất, công nghiệp có thể sử dụng mạng 5G trong nhà giống như trải nghiệm 4G ở thời điểm hiện tại.
"Nếu so sánh Việt Nam với các nước ASEAN về cuộc đua 5G trong 1-2 năm nữa Việt Nam sẽ đi cùng nhịp với Thái Lan, thậm chí là hơn”, bà Nguyễn Thị Tâm - Phó Giám đốc Tổng công ty Mạng lưới Viettel khẳng định.