5G và Hong Kong ‘ám’ Ngoại trưởng Trung Quốc suốt chuyến thăm châu Âu

Bình Giang |

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đang có chuyến thăm châu Âu để vận động ủng hộ nhằm đương đầu với cuộc cạnh tranh địa chính trị gay gắt với Mỹ, nhưng ở đó, ông lại vấp phải những quan ngại về vấn đề an ninh công nghệ 5G và nhân quyền.

Ông Vương đến Hà Lan hôm 26/8, sau chặng dừng chân đầu tiên ở Italy. Chuyến thăm kéo dài cả tuần sẽ tiếp tục với đích đến là Na Uy, Pháp và Đức.

Trong chuyến thăm Italy, ông Vương cảnh báo nước này hãy tránh xa “chiến tranh lạnh mới” mà Trung Quốc cho rằng Mỹ đang cố gắng thúc đẩy, thay vào đó hãy tập trung vào hợp tác kinh tế với Trung Quốc. Ông Vương cũng khen ngợi Italy đã thể hiện sự “thấu hiểu và ủng hộ” đối với “những vấn đề lớn và lợi ích cốt lõi” của Bắc Kinh.

Nhưng khi nói Itay và Trung Quốc cần thúc đẩy quan hệ gần gũi hơn nữa, Ngoại trưởng Italy Di Maio cũng cảnh báo rằng Trung Quốc cần tôn trọng các quyền của người Hong Kong, gửi tín hiệu về sự phản đối của châu Âu đối với luật an ninh quốc gia mà Bắc Kinh áp đặt lên đặc khu.

Chuyến thăm của ông Vương diễn ra sau khi châu Âu chỉ trích cách Trung Quốc xử lý đại dịch COVID-19 cũng như chính sách cứng rắn với Hong Kong. Nhiều nước châu Âu cũng đang loại bỏ công nghệ 5G của Trung Quốc.

Bắc Kinh gạt bỏ cáo buộc nước này che giấu dịch COVID-19 hồi mới bùng phát và những quan ngại an ninh liên quan đến phát triển công nghệ. Bắc Kinh cũng phớt lờ những chỉ trích quốc tế về can thiệp làm suy giảm tự trị của Hong Kong.

Chuyến thăm của ông Vương diễn ra sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Cố vấn an ninh quốc gia Robert O’Brien thăm 3 nước châu Âu, trong một nỗ lực nhằm xây dựng một liên minh xuyên Đại Tây Dương để chống Trung Quốc.

“Về cái gọi là Chiến tranh Lạnh mới…Trung Quốc không có ý định tiến hành một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Chúng tôi kiên quyết phản đối bất kỳ sự khởi xướng Chiến tranh Lạnh mới nào”, ông Vương nói tại Rome, nhưng không nêu tên Mỹ.

Ngoại trưởng Trung Quốc kêu gọi chủ nhà Italy hợp tác chặt chẽ với Bắc Kinh trong các dự án thuộc sáng kiến Vành đai Con đường, trong lúc Italy đang nỗ lực hồi phục nền kinh tế sau đại dịch.

Tuy nhiên, cả ông Vương và ông Di Maio đều không đề cập đến mạng 5G hay những bận tâm của Italy về công nghệ của Huawei. Sự thận trọng khi đề cập đến hợp tác công nghệ cho thấy thách thức mà Bắc Kinh đang phải xử lý khi muốn mở rộng hợp tác với các nước châu Âu, trong khi Washington đang vận động các đồng minh không hợp tác với Huawei vì lý do an ninh.

Ông Nicola Casarini, một nhà nghiên cứu cấp cao về châu Á tại Viện nghiên cứu quốc tế Italy, nói rằng chính trị nội bộ khiến Italy không cấm Huawei, khi nước này đang nỗ lực cân bằng giữa hợp tác kinh tế với Trung Quốc với việc tránh gửi đi một “tín hiệu không thân thiện” đến Washington.

“Chính phủ Italy hiện nay do những lợi ích của đảng liên minh nên không thể cấm Huawei. Nhưng do sức ép của chính quyền Trump trong những tuần gần đây, Italy đã bắt đầu chấp nhận cách làm tương tự Pháp. Đó là khẳng định vấn đề về Huawei không phải chuyện chính trị mà là quyết định thương mại, để có thể tránh làm mất lòng Trung Quốc”, ông Casarini nói.

Cui Hongjian, Giám đốc Khoa nghiên cứu châu Âu thuộc Viện nghiên cứu quốc tế Trung Quốc, nói rằng ông Vương không nhất thiết phải nói công khai về hợp tác 5G với các nước châu Âu trong chuyến thăm này.

“Chúng tôi nên tôn trọng quan điểm của Italy. Ít nhất họ không công khai chính trị hóa vấn đề 5G. Không cần thiết phải công khai thảo luận về hợp tác 5G. Nhưng trao đổi khác về hợp tác kinh tế đã tuyệt vời rồi”, SCMP dẫn lời ông Cui.

Trong các chặng dừng chân tiếp theo, ông Vương dự kiến sẽ tiếp tục dùng cách “tấn công quyến rũ” để thể hiện mong muốn hợp tác kinh tế với các nước châu Âu.

Ông Vương có thể sẽ vận động chính phủ Hà Lan gia hạn một giấy phép xuất khẩu công nghệ sản xuất chip quan trọng cho Trung Quốc.

Ngày 25/8, một nhóm nghị sĩ Hà Lan dự kiến sẽ sử dụng quy tắc ít được dùng đến để mời ông Vương dự cuộc họp của ủy ban đối ngoại quốc hội nhằm thảo luận về các vấn đề nhân quyền, trong đó có vấn đề Hong Kong và người Hồi giáo ở Tân Cương. Nhưng ông Vương đã từ chối lời mời này.

Nhà phân tích Lucrezia Poggetti, công tác tại Viện nghiên cứu Trung Quốc Mercator tại Berlin, cho rằng Hong Kong và các vấn đề tương tự sẽ tiếp tục đeo bám trong suốt chuyến công du của ông Vương tới châu Âu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại